Song Nhi
(Truyện ngắn của tôi)
Lúc đầu bà còn dè dặt, sợ Thu trong nhóm đám trẻ hay ăn cắp vặt ở chợ. Sau thấy con bé hiền lành, sai gì làm đó, bà đâm ra thương hại, cho về ngủ ở nhà sau của bà và đặt cho cái tên Thu. Thu làm chân sai vặt cho bà con tiểu thương trong chợ. Tuy Thu hơi khờ khạo, ngốc ngếch nhưng được cái thật thà, không nề hà nặng nhọc. Bà con ai cho chút tiền công cũng được, cho quà bánh cũng xong, Thu chẳng tính toán so đo. Cứ thế, Thu lớn dần theo năm tháng trong sự đùm bọc của những người không giàu có khá giả gì.
Một hôm, cả xóm chợ xôn xao được tin bà sáu Cao bị chứng tai biến mạch máu não và nằm liệt một chỗ. Bà tuy có bệnh về huyết áp nhưng vốn là người khoẻ mạnh, đùng một cái lại xảy ra thế này. Sau đó, mọi người lại một phen xôn xao bởi tin Thu phát khùng. Khi Thu cầm con dao dùng để thái thịt rượt chém ông chồng bà sáu Cao và bỏ nhà đi ngủ lang thang lại ở chợ. Thu không còn nghe lời sai bảo của mọi người như trước. Nhiều đêm, bà con bán trái cây khuya thấy Thu đứng trước cửa nhà bà Sáu khóc cười điên dại. Nhiều người nói bà sáu vô phước, nuôi Thu bao năm mà tới lúc bệnh tật không nhờ vả được gì.
Hôm trước, thím Tư bán cá đi thăm bà sáu Cao, thím có nhắc về chuyện con Thu phát khùng và hiện giờ đi lang thang. Thím thấy bà sáu Cao tuy không nói được nhưng nước mắt chảy ròng ròng. Thím biết bà Sáu thương con Thu lắm nên thím càng giận nó. Người có ơn bị bệnh mà nó bỏ đi, thiệt vô ơn hết sức. Thím đâm ra ghét nó nên hôm nó tới xách nước cá như thường lệ, thím gạt ngang đuổi nó đi không mướn nữa. Người thông cảm thì nói chấp nhất con khùng mà làm chi... Từ đó về sau, người ta gọi "Thu khùng" thay vì chỉ gọi "Thu" như trước.
Tưởng là mọi chuyện đã dừng ở đó. Vài tháng sau, cả xóm chợ lại bàng hoàng vì cái bụng con Thu khùng cứ lùm lùm bự lên theo thời gian. Khi biết chắc Thu có bầu, điều đó trở thành đề tài bàn tán xôn xao cả chợ. Người thương rủa kẻ nào ác nhân làm chuyện đồi bại con khùng. Người đoán già đoán non là ai làm chuyện đó. Các bà vợ nghi ngờ, dè bỉu "khùng còn ham hố", bà thì chất vấn chồng mình. Ngay cả mấy ông xe ôm cũng bị nghi ngờ . Vài người có vẻ trầm tĩnh thì đoán nguyên nhân xuất phát từ nhà bà sáu Cao và cái lý do Thu bị khùng cũng từ đấy mà ra. Thực hư thế nào thì chắc chỉ có Thu biết rõ. Nhưng khổ nỗi, Thu chỉ là con khùng và ai mà tin lời một con khùng.
Cũng như bao người phụ nữ thực hiện thiên chức của mình. Đến ngày đến tháng, Thu chuyển dạ, cho ra đời một bé trai bụ bẫm, trắng trẻo, rất đáng yêu dù được sinh ra giữa chợ vào đêm giá rét thiếu thốn. Thu khùng nhưng cái bản năng người mẹ thì hình như luôn tồn tại, Thu chăm con kỹ lắm! Dù nhiều bà, nhiều thím thương tình khuyên Thu gởi con cho họ để còn đi kiếm cái ăn nhưng Thu lắc đầu không chịu. Đi đâu, làm gì, Thu cũng đem con theo. Khi rảnh việc, Thu ôm lấy con, nhìn vào khuôn mặt bé bỏng không chớp mắt. Thỉnh thoảng người ta thấy Thu ôm con ngồi khóc "hu hu", chẳng rõ nguyên cớ gì. Bà con nói "đúng là đồ khùng, con mạnh khoẻ bụ bẫm thế kia mà khóc".
Vào một đêm cuối hạ nóng bức, Thu để con trên bờ và xuống sông tắm. Khi trở lên, đứa bé "không cánh mà bay". Thu kêu gào thảm thiết như con thú bị thương, đập cửa từng căn nhà gào khóc. Bà con thương Thu, tức tốc chia ra nhiều ngả tìm kiếm nhưng chẳng ai thấy được dấu vết hay tăm hơi gì. Người ta đoán hẳn là kẻ bất lương đã có sự chuẩn bị trước.Người thì nói rằng "như thế cũng hay chứ sống với Thu, đứa bé cũng chẳng sung sướng gì khi đêm đêm ngủ ở chợ, không chăn màn như thế".
Sau khi mất con, Thu phát sinh ra thêm một bệnh mới đó là "câm". Mà không đúng, Thu vẫn nói được đấy chứ nhưng hình như ngoài chữ ''Con'', Thu không nói thêm gì khác. Người ta hỏi cái gì, Thu cũng chỉ lắc đầu hay gật đầu mà thôi.
Cuộc sống cứ xoay dần, xóm chợ qua bao ngày vẫn vậy. Sáng họp chợ, chiều tan, chỉ là chợ được nâng cấp thành nền xi măng. Đường xá do bà con đóng góp tiền xây dựng cũng sạch sẽ hơn so với 12 năm trước. Tụi nhỏ đi học không trơn trợt như xưa. Người đến, kẻ đi như quy luật muôn đời nhưng Thu khùng thì vẫn ở đấy và sống nhờ lòng thương của bà con tiểu thương như xưa, không thay đổi gì.
Hôm nay, tiệm vải Ngọc Sang khai trương, ông bà chủ mời cả chợ tới dự. Hai ông bà chủ tiệm vải nghe đâu là người ở Sài Gòn, có tuổi nên họ về vùng quê lập nghiệp. Họ mới tới đây vài tháng nhưng bà con kháo nhau, đôi vợ chồng này có nhiều cái rất lạ. Họ rất giàu có, cứ nhìn vào cái tiệm đang khai trương thì biết vốn liếng họ không nhỏ. Ông chồng hình như trước đây là một bác sĩ vì có lần chính ông đã bắt mạch và viết toa thuốc khi có một chị bị ngất ngay ở chợ. Bà vợ hiền lành, tử tế, mới về nhưng ai cũng quý.
Người ta thắc mắc là sao họ về quê sống, không ở thành thị cho sướng? Và điều lạ là ông bà tuy già nhưng chỉ có một thằng con trai nhỏ tên Ngọc Sang thôi, không nghe nói đến con cái nào khác. Có người nói: ''Hào của không hào con''. Ông bà thương thằng Ngọc Sang lắm! Bà nói mở cái tiệm vải cũng vì nó, muốn con mình có cơ nghiệp sau khi ông bà "khuất núi".
Ngọc Sang so với đám trẻ bằng tuổi nơi đây thì nó cao và trắng hơn, học cũng giỏi hơn. Chắc được giáo dục tốt hay ảnh hưởng từ cha mẹ. Nó ngoan ngoãn nên được nhiều người yêu mến. Nó nhanh chóng hòa nhập với đám trẻ nơi đây. Nhưng dạo gần đây thằng Sang đang giận đám bạn của nó, sự việc cũng từ Thu khùng mà ra.
Hôm đó, thằng Sang đang chơi đá banh với đám bạn thì Thu khùng đi ngang và chạy nhào ra ôm nó gọi: ''Con''. Điều đó làm thằng Tí, Tèo và con Còi cười một trận. Sang ghét nhất khi tụi nó chọc mình "con bà Thu khùng". Mà Thu khùng cũng lì lợm thật, không bám theo đứa trẻ nào mà cứ lẽo đẽo theo thằng Sang.
Có lần, Sang giận quá, giơ tay làm nắm đấm, dọa sẽ đánh Thu nếu cứ như thế. Không biết là có phải khi đó bộ dạng thằng Sang dữ dằn hay là Thu lại nổi cơn điên mà Thu gào thê thảm, nước mắt, nước mũi tèm nhem nhưng vẫn lén lút đi theo thằng Sang.
Buổi trưa, Sang đi học về, Thu khùng chẳng biết ở đâu hiện ra dúi vào tay nó mấy trái ổi bông gòn thơm phức với cái chân đi cà nhắc. Thằng Sang hỏi:
- Sao mà đi cà nhắt vậy.
Thu trả lời :
- Té
Thằng Sang nhìn mấy trái ổi nghi ngờ hỏi:
- Trèo hái ổi té phải không ?
Thu gật đầu. Sang hỏi:
- Có đau không?
Thu lắc đầu và nói :
- Không
Sang lắc đầu lẩm bẩm:
- Thiệt là khùng, té như vậy mà nói không đau.
Không biết thằng Sang cảm động vì hành động đó hay là khi nó nói lý do xin ba nó thuốc dán cho Thu khùng, ba nó dạy nó phải biết thương người bất hạnh, chỉ thấy từ đó về sau, nó không xua đuổi Thu khùng nữa. Đám bạn nó chọc ghẹo riết cũng đâm ra chán. Chúng lại xoay qua những trò chơi mới. Thỉnh thoảng Sang cho Thu khùng vài cái bánh hoặc đôi khi là cây kẹo đang ăn dở nửa chừng. Mà Thu khùng đúng là khùng thiệt, người ta cho ăn mà khóc rấm rứt, không chịu ăn, đem về để dưới gối khiến cho lũ kiến bò lên cắn nhiều lần.
Tin Thu khùng chết lại làm xóm chợ một phen nữa nhốn nháo. Không hiểu sao cuộc đời của Thu khùng luôn gắn liền với những xôn xao dù là một con khùng. Lý do Thu khùng chết thì đúng là khùng thật chứ người tỉnh ai mà làm như thế.
Chiều hôm trước, thằng Sang cùng lũ bạn đi tắm sông ngay cái bến hồi xưa Thu khùng mất con. Thằng Sang đang lội thì bị ''dập bẻ'', thế là nó nó chới với. Tụi nhóc nhốn nháo la hét, không biết làm sao thì Thu khùng chạy như bay ra cây cầu bắc ngang sông và lao thẳng xuống chỗ thằng Sang.
Thu khùng vốn không phải người bời giỏi và sông lại đang mùa nước lớn nên chảy siết. Người bơi giỏi còn e ngại, nói chi cứu người. Chẳng biết Thu khùng làm cách nào hay là số thằng Sang lớn hoặc do cha mẹ có phúc. Cuối cùng thì Thu khùng cũng lôi được thằng Sang đến được chân cầu. Khi Sang bám vào chân cầu thì nó chỉ kịp nghe Thu khùng nói ''Con" rồi chìm theo theo dòng nước.
Mẹ thằng Sang ngất xỉu ngay khi biết tin. Nghe đâu bà ta bị bệnh tim bẩm sinh. Cuối cùng, sau bao nỗ lực, bà con cũng vớt được xác Thu khùng. Ai cũng lấy làm lạ là Thu chết nhưng vẻ mặt không méo mó, khổ sở như những người chết đuối khác. Mặt Thu tươi tỉnh và nụ cười vẫn còn thoáng trên vành môi. Hình như Thu mãn nguyện với lựa chọn của mình. Đúng là khùng thật, chết mà vui vẻ, tươi tỉnh thế, trong khi sống thì gào thét, nhăn nhó.
Trong đám tang, ai cũng khen cha mẹ thằng Sang thật tử tế. Hai ông bà tổ chức tang lể cho Thu khùng chu đáo, tươm tất. Trước quan tài, ông bà xin phép Thu khùng nhận thằng Sang làm con cho nó đội tang theo đúng lễ bởi mạng nó là do Thu khùng lượm lại. Có lẽ hương hồn Thu cũng được an ủi phần nào khi thấy thằng Sang mắt rươm rướm ngồi trước quan tài.
Ngày hạ thổ Thu khùng, cả chợ nghỉ bán đi đưa. Trước nay chưa ai được đưa đông như vậy, nói gì con khùng như Thu. Nhiều bà, nhiều cô nhắc những kỷ niệm về Thu trong tiếng sụt sùi. Trong tiếng kệ kinh của những vị sư, họ cầu mong Thu khùng có một kiếp người khác tốt hơn. Bởi Thu khùng khi còn sống, chưa từng gian dối hay làm hại ai. Họ cùng nhau nói về những gì mình biết về Thu khùng. Những vấn đề liên quan trong đời sống có phần bí mật của Thu.
Nhưng có một điều không một ai biết trừ Thu là khi thằng Sang đá banh với lũ bạn, Thu khùng đã trông thấy rất rõ cái bớt màu đỏ ngay dưới be sườn trái của Sang. Và con trai Thu ngày xưa cũng có một cái như thế... Thằng Sang năm nay cũng vừa đúng mười hai tuổi.
Ngoài kia, mây trắng bay bay, ngày mai trời chắc có nhiều nắng...
Vài nét về tác giả:
Thơ đã đăng: Người thứ ba, Yêu, có cần phải nói, Được không anh, Chị tôi, Gửi chị, người đến trước; Kẻ đến sau.