Ngày 17/8, Indonesia tổ chức ngày Quốc khánh tại cả hai thành phố Jakarta và Nusantara, nơi được lựa chọn là thủ đô mới. Nusantara nằm ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, cách Jakarta khoảng 1.200 km.
Jakarta là thủ đô của Indonesia từ khi giành độc lập vào năm 1945. Nhưng với dân số lên tới 10 triệu người và ngày càng mở rộng quy mô, hạ tầng cơ sở và giao thông dần không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, đô thị này còn đang "chìm" dần, mỗi năm hạ khoảng 25 cm, gấp đôi mức trung bình của các thành phố ven biển lớn trên thế giới, gây ra ngập lụt và các vấn đề liên quan. Tắc đường nghiêm trọng, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu là những lý do chính khiến chính phủ nước này phải tìm phương án thay thế Jakarta bằng một thủ đô mới.
Dự án thay đổi thủ đô được khởi động từ năm 2017 đến năm 2019, Nusantara được chọn. Đô thị này được xây dựng trên diện tích khoảng 2.600 km2 giữa những khu rừng rậm trên đảo Borneo - hòn đảo lớn thứ ba thế giới, sau Greenland and New Guinea. Đặc biệt, Nusantara ít bị ảnh hưởng bởi động đất và núi lửa vốn xảy ra thường xuyên ở Indonesia.
Thành phố này có chung đường biên giới đất liền với tỉnh Đông Kalimantan và có đường bờ biển trải dài về phía đông đến eo biển Makassar và về phía nam đến vịnh Balikpapan. Nusantara cũng có bốn hòn đảo: Benawa Besar, Batupayau, Jawang và Sabut, nằm ở phía bắc vịnh Balikpapan.
Chính phủ Indonesia đã cam kết biến thủ đô mới này thành "thành phố xanh 100%". Các nhà hoạch định chính sách tuyên bố rằng Nusantara có nhiều rừng và công viên, người dân có thể đi bộ, đồng thời áp dụng quản lý chất thải thông minh, sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2045. Bao quanh thủ đô là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ là đồi núi và vịnh biển.
Chi phí xây dựng thủ đô mới lên tới hơn 30 tỷ USD. Một số hạng mục đã được khánh thành, trong đó có Dinh tổng thống mới. Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt đầu làm việc tại đây từ cuối tháng 7 và tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên tại đây hôm 13/8. Tuy nhiên, dự án thay đổi thủ đô cũng gây ra nhiều tranh cãi như vấn đề chi phí tốn kém và ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên.
Indonesia không phải quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dự định thay đổi thủ đô. Thái Lan cũng có thể phải xem xét việc di dời thủ đô khỏi thành phố Bangkok vì mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Theo các báo cáo, nhiệt độ trung bình của thủ đô Thái Lan đã tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các dự báo luôn cho thấy rằng vùng trũng Bangkok có nguy cơ bị chìm xuống biển vào cuối thế kỷ này. Phần lớn thủ đô nhộn nhịp này thường xuyên phải chống chọi với lũ lụt trong mùa mưa.
Hà Nguyên (Theo AP, Reuters)