"Miền đất dữ" yên bình
Đội karatedo múa hát sau trận đấu. | Đội cổ vũ chuyên nghiệp của Philippines. |
Càng gần tới SEA Games, áp lực của đoàn thể thao Việt Nam càng tăng lên khi tin tức từ Philippines truyền về "lo nhiều hơn vui". Những bất ổn chính trị, tin nhà báo bị sát hại khi đang tác nghiệp khiến người ở nhà thót tim. Tới khi đội nữ lên đường sang Philippines, những ngày vạ vật đầu tiên của đội khiến nỗi lo với những đội tuyển chưa lên đường tăng lên. Thêm vào đó, không khí "nguội" của Manila, Bacolod, Cebu khiến ai cũng nghĩ "SEA Games này chán ngắt", nhất là khi nước chủ nhà không thể đầu tư nhiều tiền cho Đại hội này được.
Nhưng rồi điều đáng ngại nhất cuối cùng lại thể hiện thành công lớn nhất của kỳ Đại hội thể thao lần này. Đất nước SEA Games đã luôn đảm bảo an ninh trong suốt những ngày thi đấu. Khoảng trời thanh bình đã giúp các đoàn thể thao cảm thấy hài lòng dù lễ khai mạc giản dị, những nhà thi đấu, sân vận động cũng chỉ vừa tươm tất trước ngày khai mạc. Không còn cảm giác lo sợ, VĐV quen dần với lối sống nơi đây thấy ưa thích thiên đường mua sắm, thân quen hơn với những chiếc xe Jeepney chạy trên phố.
Những chiếc "vàng" lịch sử và nữ quyền lên ngôi
Búp bê Ngân Thương giành cú đúp vàng TDDC. |
Đội nữ lần thứ 3 liên tiếp lên ngôi nữ hoàng. |
Mỹ Đức (trái) cũng ẵm gọn 2 HC vàng wushu. |
Với Việt Nam, SEA Games 23 cũng chứng kiến những phút giây lịch sử bất ngờ. Lên đường sang SEA Games, đội có nhiệm vụ giành 70 HC vàng, nằm trong top 3 - một mục tiêu tưởng quá nhỏ so với vị trí thứ nhất cùng 158 HC vàng mà VN đã đoạt được cách đây 2 năm. Nhưng qua từng ngày mới thấy Việt Nam giành giật từng chiếc HC vàng khó khăn biết chừng nào. Đó là khi các đô vật bị trọng tài xử ép, các VĐV karatedo rối loạn tiêu hoá nhưng vẫn cố sức chiến đấu. Đỉnh điểm của nỗi lo phải kể tới khi Việt Nam không giành nổi một tấm HC vàng trong cả ngày thi đấu thứ 6.
Nhưng chính trong những giờ phút nước sôi lửa bỏng ấy đã bừng sáng những tấm HC vàng đi vào lịch sử. Đó là HC vàng SEA Games đầu tiên trong lịch sử bơi lội Việt Nam do công của kình ngư trẻ Nguyễn Hữu Việt. Đó là kỷ lục khó phá của những võ sĩ "độc cô cầu bại" như Nguyễn Văn Hùng, Huyền Diệu (taekwondo, 4 lần vô địch SEA Games liên tiếp), Trịnh Thị Ngà (silat, 3 lần vô địch liên tiếp)... Cùng với đó là lần vượt mặt ngoạn mục của silat VN qua Indonesia, quê hương của môn võ này, thành tích mà HLV Ngọc Anh vẫn tự nhận với một niềm kiêu hãnh "bình thường thôi vì silat VN là số một thế giới".
66,6 % độc giả của Ngôi Sao đã dự đoán đúng Việt Nam sẽ lọt vào top 4 đội mạnh nhất SEA Games 23. |
"Cũng bình thường thôi" như silat còn có thành tích giành trọn 8 chiếc HC vàng ở cả 8 nội dung thi đấu của môn thể thao trí tuệ - cờ vua. Cùng với đó là sự lên ngôi của điền kinh - 8 HC vàng, wushu - 7 HC vàng, karatedo - 5 HC vàng, TDDC - 5 HC vàng...
Ấn tượng hơn, trong những thành tích của đoàn thể thao Việt Nam là sự toả sáng của các nữ VĐV. Bùi Thị Nhung mở hàng tấm HC vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam. Sau đó, Vũ Thị Hương cũng làm nên lịch sử với chiếc HC vàng đầu tiên cho cự ly 100 m của điền kinh Việt Nam. Liên tiếp những ngày thi đấu sau, nữ quyền lại được thể hiện với cú đúp của búp bê Ngân Thương, cô gái vàng xinh xắn Mỹ Đức. Trong sự mất mùa của đội nam, những bông hồng sân cỏ cũng làm nên kỳ tích với 3 lần liên tiếp vô địch SEA Games.
Chủ nhà lại lên ngôi hay mỏ 'vàng' biến mất
Mỏ vàng bắn súng chỉ đem về 3 HCV, 'tỷ phú' huy chương Mạnh Tường có 1 HCV. | Lặn - môn độc tôn của VN - bị loại khỏi SEA Games 23. |
Với ưu thế nước chủ nhà, Philippines đã lên ngôi nhất toàn đoàn tuyệt đối với 114 HC vàng cũng như Việt Nam đã làm được (158 HC vàng) cách đây 2 năm. Việt Nam cũng đã hoàn thành chỉ tiêu với vị trí top 3 dù số HC vàng chỉ bằng một nửa số lượng HC vàng kỳ trước.
Lý do của sự những chiếc huy chương mất tích ấy là sự biến mất của những mỏ "vàng" đã từng đem lại hàng chục HC vàng cho Việt Nam. Một số môn bị loại khỏi SEA Games từ đầu do tính "thiểu số" như đá cầu (6 HC vàng), lặn (6 HC vàng). Số còn lại bị loại bớt nội dung cũng vì thế khiến cho hai chục chiếc HC vàng bắn súng của Việt Nam biến đi đâu mất chỉ còn 3 chiếc. Thêm vào đó, là những lấn cấn về trọng tài ở các môn đấu thiên về cảm tính. Cùng với những thất bại cay đắng, hai sự cố đáng tiếc cho thể thao Việt Nam đã xảy ra khi tay đấm Trung Kiên và võ sĩ judo Ánh Ngọc bất tỉnh trên sàn đấu.
Trong cảnh "chủ nhà luôn là số một", bỗng nhiên VN lại giành tới tận 3 HC vàng môn võ gậy, bằng số HC vàng của nước chủ nhà. Nhưng sự fair-play này lại nhắc tới một sự thực rằng môn võ gậy hiện giờ vẫn chưa phổ biến và số phận của nó ở các kỳ SEA Games thật quá mong manh chứ không nói gì các giải đấu lớn hơn. Môn võ "ăn xổi" cũng từng mất hút khi được giới thiệu ở SEA Games cách đây 11 năm.
Tan tành giấc mơ 'vàng'
Tan nát sau chung kết... |
...và ngày trở về buồn. |
Bốn lần vào chung kết, nhưng cả bốn lần VN đều thất bại trước người Thái, dù là trên sân nhà, hay sân khách. Nỗi buồn sẽ còn được mổ xẻ mãi khi môn thể thao vua vẫn dậm chân tại chỗ. Nỗi đau càng tăng khi Việt Nam thua đối thủ "truyền kiếp" Thái Lan toàn diện dù có HLV ngoại (đội bạn đang tạm dùng HLV nội), dù được hứa hẹn rất nhiều doping tiền thưởng bạc tỷ vào loại siêu kỷ lục, nhưng vẫn chấp nhận ngày trở về buồn.
Khi lễ bế mạc SEA Games kết thúc, nước chủ nhà đã có thể tự hào về một kỳ đại hội thành công nhưng họ cũng như Việt Nam đã sổng mất con cá lớn. Trên bảng xếp hạng, vô địch bóng đá nam cũng chỉ được coi là một chiếc HC vàng. Nhưng với tất cả mọi người, ngay cả những VĐV các môn thể thao khác, một chiếc HC vàng có giá còn hơn bằng 20 HC vàng (số cầu thủ). Và một lần nữa, Thái Lan đã thể hiện sức mạnh bá chủ của mình trong vùng trũng Đông Nam Á với 7 lần liên tiếp lên ngôi vua.
Bảng xếp hạng SEA Games | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
Ban Mai
Ảnh: K. Sơn - M. Hải - N. Tuấn