Nhân vật Thor và loạt phim cùng tên từng không được đánh giá cao. Nhiều người cho rằng chuyện tranh giành ngôi báu mang đậm màu sắc thần thoại Bắc Âu không đủ sức nặng về mặt lý tưởng như Iron Man hay Captain America. Ngay cả Thor – vốn xuất phát điểm là một vị thần – cũng từng bị nhận xét chỉ là một chàng võ biền kiêu căng theo đuổi danh vọng, tình yêu hơn là chiến đấu vì một mục đích nhân văn.
Tuy nhiên, xuyên suốt 14 năm hình thành và phát triển vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), đây là nhân vật chịu nhiều mất mát nhất trong số các thành viên của biệt đội Avengers đời đầu. Anh mất mẹ, mất cha, mất em trai, mất người bạn thân nhất, mất vũ khí chiến đấu, mất vương quốc, mất tình yêu.
Sau thành công của Thor: Ragnarok, Thor được Marvel "bật đèn xanh" cho phần phim riêng thứ tư và cũng là nhân vật duy nhất trong đội Avengers đời đầu có được vinh hạnh này. Thor: Love and Thunder chính là hành trình chữa lành và tìm lại chính mình của Thor sau những mất mát, cũng như hoàn thiện vòng tròn phát triển cảm xúc của Thần Sấm.
Nối tiếp sự kiện trong Avengers: Endgame, Thor cùng đội Vệ Binh Dải Ngân Hà chu du khắp vũ trụ, giải cứu nhiều hành tinh đang gặp nguy. Một ngày, anh nhận được tín hiệu kêu cứu tại quê nhà New Asgard khi nơi đây bị tấn công bởi Kẻ Diệt Thần Gorr.
Trở về New Asgard để chiến đấu với Gorr, Thor bất ngờ gặp lại bạn gái cũ Jane Foster, nhưng cô xuất hiện với một nhân dạng khác - Mighty Thor - cùng cây búa Mjölnir. Cả hai hợp sức đánh đuổi Gorr nhưng thất bại. Trước khi tẩu thoát, hắn đã bắt cóc toàn bộ trẻ em của vùng New Asgard. Để ngăn chặn mối nguy lớn hơn có thể xảy ra và giải cứu những đứa bé, Thor, Jane cùng người đá Korg và nữ chiến binh Valkyrie hợp thành một đội quân và lên đường tìm cách đánh bại Kẻ Diệt Thần.
Dùng hài kịch kể bi kịch
Thor: Love and Thunder tiếp tục được cầm trịch bởi Taika Waititi. Với phần phim Thor: Ragnarok, vị đạo diễn này trở thành người tiên phong mang phong cách cá nhân lên một bộ phim MCU - các tác phẩm vốn chịu nhiều can thiệp từ nhà sản xuất. Từ đó, Marvel mạnh dạn hơn trong việc nhường đất khai thác cho các đạo diễn như Chloé Zhao với Eternals hay Sam Raimi với Doctor Strange 2.
Phần phim thứ tư về Thần Sấm vẫn mang đậm màu sắc của vị đạo diễn người New Zealand. Đó là khai thác bi kịch và nỗi đau dưới góc nhìn vui nhộn và tươi sáng nhất. Bộ phim tràn đầy màu sắc dí dỏm pha chút quái đản, dù xoay quanh sự chia ly, mất mát và hành trình tìm lại giá trị sống.
Tác phẩm sử dụng nhiều mảng miếng gây cười quen thuộc của Taika Waititi, mang đậm phong cách truyện tranh. Hành trình của Thor, Jane cũng như tình tiết trong các phần phim trước được thuật lại đầy hài hước thông qua các vở hài kịch, cũng như lời dẫn chuyện của người đá Korg do chính Taika Waititi lồng tiếng.
Một điểm thú vị của kịch bản là đặt hai nhân vật Thor và Valkyrie trong sự gắn kết với những đứa trẻ ở New Asgard, ngụ ý về sự kế thừa thế hệ trong MCU. Cảnh tượng Valkyrie dạy kỹ năng chiến đấu cho lũ trẻ hay khoảnh khắc Thor truyền năng lượng cho đám nhóc, tạo nên đội quân đặc biệt cùng anh chiến đấu gây xúc động.
Thor: Love and Thunder gây ấn tượng mạnh về thị giác. New Asgard và thành phố Omnipotent hiện lên đầy sinh động với bảng màu nóng, sặc sỡ. Trong khi, phân đoạn tại Shadow Realm gây bất ngờ khi màu phim chuyển hoàn toàn sang trắng - đen với hiệu ứng đổ bóng, thể hiện rõ sự tương phản giữa hai tuyến đối đầu.
Cộng hưởng với hình ảnh mãn nhãn là những bản nhạc sôi động, mang nhiều màu sắc hoài niệm của văn hóa đại chúng trải dài từ những năm 1980 đến những năm 2000, chủ yếu đến từ ban nhạc rock Guns N' Roses kết hợp cùng một vài ca khúc của ABBA và Ciara.
Dàn sao ấn tượng
Chris Hemsworth quay lại với hình ảnh Thần Sấm tóc dài quen thuộc cùng cơ thể cường tráng. Trong khi, Natalie Portman trở lại MCU sau gần 10 năm với nhiều sự biến đổi. Ở Thor: Love and Thunder, "thiên nga đen" xuất hiện với hình ảnh Mighty Thor đầy vạm vỡ. Nhưng khi lột bỏ lớp áo choàng, Natalie Portman vẫn khắc họa hình ảnh nhà khoa học Jane Foster thông minh, nhiều tổn thương.
Ấn tượng nhất là Christian Bale trong vai Gorr. Nổi tiếng với lối diễn xuất method acting (nhập vai cực đoan), nam diễn viên thổi vào nhân vật phản diện chính của bộ phim sự đen tối, ghê rợn cùng chất giọng trầm, khàn. Với lớp áo choàng trắng, gương mặt trắng bệch cùng đôi mắt màu hổ phách và mái đầu trọc, ngoại hình của Gorr gợi nhiều liên tưởng đến bá tước Orlok trong bộ phim ma cà rồng Nosferatu ra mắt vào năm 1922. Christian Bale đã có một màn trình diễn tuyệt vời và đủ gây ám ảnh trong phim này.
Kịch bản thiếu chiều sâu
Tuy nhiên, Thor: Love and Thunder không gây ấn tượng về mặt nội dung và cách phát triển câu chuyện. Bộ phim khai thác đồng thời ba tuyến truyện về Thor, Jane Foster và Gorr nhưng đều đơn giản. Thời lượng 118 phút không đủ để các nhân vật được phát triển trọn vẹn.
Gorr có lý tưởng, mục đích và câu chuyện nền đủ để trở thành một trong những phản diện đáng nhớ nhất MCU. Song, sau màn giới thiệu đầy hứa hẹn, nhân vật chỉ được khai thác một cách hời hợt và kết thúc vội vàng. Điều này tạo nên sự tiếc nuối cho người hâm mộ, đặc biệt khi màn trình diễn của Christian Bale gây được ấn tượng mạnh.
Dù là nhân vật chính, Thor lại có đường dây phát triển yếu nhất trong phim. Câu chuyện một người tìm lại giá trị sống sau khi đã mất tất cả dường như là chiếc áo quá rộng so với một bộ phim bom tấn. Việc không khai thác đủ chiều sâu trong tâm lý Thần Sấm khiến tổng thể tác phẩm trở nên nông cạn và nhạt nhòa.
Dù vẫn mang lại cho khán giả nhiều giây phút giải trí sảng khoái, những mảng miếng hài trong Thor 4 phân bố không đồng đều, tạo nên sự lộn xộn. Đôi lúc, nhiều câu đùa, tình tiết trở nên dư thừa, không tạo được hiệu quả cần thiết.
Thor: Love and Thunder là bộ phim hiếm hoi thuộc giai đoạn 4 của MCU không đề cập đến đa vũ trụ nhưng lại mở ra một thế giới hoàn toàn mới. Song với phần phim này, Marvel đang tỏ ra lúng túng trong việc kết nối bức tranh toàn cảnh ngày càng lớn và hướng đi tương lai của mình. Phim đang chiếu rạp toàn quốc với tựa đề tiếng Việt Thor: Tình yêu và sấm sét.
Đỗ Hoàng