Mỗi ngày họ phải đi bộ khoảng 20 km để phục vụ khách chơi golf. Sân golf là nơi chỉ dành cho những quý ông, quý bà giàu có, nhưng để phục vụ thú chơi tao nhã đang được coi là thời thượng ở VN hiện nay là những "két" phải nhỏ mồ hôi từng ngày để kiếm tiền trên cỏ...
"Nhiều người ở quê cứ tưởng "két" chúng tôi làm ở sân golf sang trọng lắm nhưng thật sự lại rất nhọc nhằn", "két" Nguyễn Thị Thía tâm sự. Để minh chứng những gì vừa nói, cô chỉ tay ra cánh đồng cỏ uốn lượn như sóng theo địa hình hồ núi, nơi hàng trăm cô gái đang cố nhoài người kéo chiếc xe tay vượt dốc, chốc chốc lại lếch thếch đuổi theo các VIP vừa vung gậy đánh một trái bóng vút lên bắn vào lùm cọ. Nhiệm vụ của "két" là phải để xem trái bóng rơi vào đâu, chạy ngay đến đó đánh dấu lại để chỉ cho khách đánh tiếp, đồng thời thông báo cho khách khoảng cách từ trái bóng đến lỗ golf và loại gậy cần sử dụng. Nhưng không chỉ có thế, sau mỗi cú đánh bóng của khách "két" phải nhanh chóng lau gậy rồi còn phải lấy tay xoa lại chỗ cỏ vừa bị bung lên để sân khỏi xuống cấp. Với nhiều ông khách khó tính, "két" chỉ chậm một tí là bị mắng mỏ. Mà đã bị mắng sẽ khó được nhận tiền bo".
Một khách chơi golf qua 18 lỗ cũng chỉ đi bộ khoảng 10 km, nhưng với những người phụ vụ thì trung bình phải đi bộ 20 km, "thậm chí 30 km nếu gặp vị khách đánh kém, đường bóng bay trật lung tung"- Thía nói.
Nhưng theo Thía, sự nhọc nhằn còn ở chỗ hầu như cả ngày "két" phải phơi nắng giữa trời. Do sân golf mang địa hình phức tạp nên để đánh xong 18 lỗ, khách chơi sành cũng mất 4 - 5 tiếng đồng hồ. Khách mới chơi thì ít cũng 6 - 7 tiếng, trong khi "trời càng nắng người nước ngoài càng thích", nên để kiếm được tiền bo thì "két" phải chấp nhận dãi dầu.
"Thường sân bắt đầu mở cửa lúc 5 giờ 30 sáng nhưng chúng tôi phải dậy từ 3 - 4 giờ để chuẩn bị nấu thức ăn mang theo và trang điểm. Trước lối dẫn vào tầng hầm tòa nhà điều hành trung tâm, Thía lại bắt đầu câu chuyện về "két" trong lúc ôm túi gậy golf chờ "thân chủ" đang ngồi nhâm nhi bia ở lầu trên. Rồi cô chỉ vào gần 20 cô gái mặc bộ đồng phục màu vàng gạch đang ngồi chen chúc, túm tụm ở chiếc ghế băng phía sau, vừa bưng cặp lồng vừa xúc cơm ăn vội vã: "Sân golf có một căng tin ở phía dưới kia, nhưng chẳng "két" nào ăn ở đấy vì buổi sáng ôm gậy đẩy xe theo khách chơi golf thường đến quá trưa mới trở về. Cho nên sáng đến sân golf ai cũng xách theo một cặp lồng cơm, cá khô để nhét vào tủ cá nhân, trưa về lúc nào thì mở ra ăn tạm, rồi lại vội vã theo chân khách đi fee hai. Đến tối khách hết giờ chơi nhưng chưa vội lên xe về ngay mà còn ngồi phòng trà ăn tối, nhâm nhi cà phê, hóng gió. Trong thời gian khách ăn tối, "két" vẫn phải đứng ôm túi gậy golf chờ ở cửa. Khách lên xe, "két" trao tận tay khách đầy đủ cả túi gậy rồi mới được về. Sân golf quy định như vậy, và "két" cũng không dám làm thất lạc gậy của khách khi mỗi chiếc gậy chơi golf trị giá cả ngàn đô la, cả túi gậy là hàng chục ngàn USD".
![]() |
Sân golf Chí Linh. |
Tầm 12 giờ trưa, trong khi các VIP vẫn đang say sưa uống bia, thong thả hút thuốc ngắm mây trời thì dưới khoảng sân bê tông lượn quanh tòa nhà đặt giữa đỉnh đồi hút gió hàng trăm "két" đã đứng tụm năm tụm ba thành dãy đông đúc. "Két" nào cũng ôm chắc túi gậy golf với 15 - 16 cây to nhỏ trong tay, trân trọng như những báu vật bất ly thân bởi "nếu sơ ý làm trầy xước hay mất mát thì chủ của nó sẽ không để yên"- một "két" tên Lê Hồng Dung, 22 tuổi, quê xã Hoàng Tiến (Chí Linh) nói. Bạn của cô, Trần Thị Hương, 22 tuổi, thì bảo: "Theo quy định, khi khách đến cửa "két" được gọi ra đón. Khách sẽ giao cho chúng tôi túi gậy golf trước khi vào phòng thay quần áo và ra phòng ăn điểm tâm, thư giãn. Ông chủ thích ngồi bao lâu tùy ý, nhiệm vụ của bọn tôi là phải ôm túi gậy ra đứng chờ". Hương và Dung đã mặc xong đồng phục, bịt khăn lên mặt, đeo găng chống nắng vào tay, lau tỉ mẩn từng chiếc gậy golf rồi khẩn trương đóng lại vào túi da, để lên xe kéo khi thấy "thân chủ" bước từ trên lầu xuống. Một nam nhân viên lái chiếc xe "trượt cỏ" tới, hai vị khách ngồi phía trước, Hương và Dung cùng đứng bám phía sau như hành khách bấu xe lam ba bánh. Xe phóng vút ra thảm cỏ xanh êm như nhung phía đồi xa.
Trở lại khoang hầm, vẫn thấy Thía ôm túi gậy đội "thân chủ". Phía sau, mấy cô gái đã ăn xong, tu nước ừng ực rồi chạy rầm rầm ra dãy xe kéo dựng sát chân tường khi có tiếng người quản lý gọi các số từ 12 đến 25 vào tư thế lên đường. Thía bảo: "Họ vừa đi một fee buổi sáng rồi. Hôm nay đông khách, giờ lại đi tiếp một fee nữa". Mệt, nhưng càng đi nhiều càng được nhiều đô"- Trần Thị Vui, 20 tuổi, nói khi đang tất tả tìm ông chủ.
"Lương cứng của bọn tôi cũng không nhiều, mỗi ngày được gần 2 USD. Nhưng chủ yếu "két" sống nhờ tiền "bo" của khách. Thía cho hay mức bo của khách thường khoảng 10 đô la, nếu gặp VIP hoặc người thắng cuộc, người chơi thành công có thể được "bo" tới 20-30 USD, còn thấp nhất cũng 50.000 đồng. Trung bình mỗi ngày "két" kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, nhưng đó là những ngày thứ bảy, chủ nhật đông khách còn ngày thường họ chỉ ra sân tỉa cỏ lấy công thôi.
Các " két" đến từ rất nhiều làng trong huyện Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn... Nhiều cô bây giờ nói tiếng Anh thông thạo, lấy tiền đô lót túi áo, tính mức thu nhập, giá cả cái gì cũng quy ra đô cho sành điệu! Trong số họ có một "két" vốn xuất thân từ một người ít học hành song nay đã trở thành trưởng điều hành "két" của sân Chí Linh không chỉ bởi vì có vốn tiếng Anh điêu luyện do cô tự học mà cách quản lý của cô rất tuyệt. Đó là Nguyễn Thị Trường, 30 tuổi, từng 5 năm làm "két" tại sân golf Đồng Mô (Hà Tây), và khi mở sân golf Chí Linh, ông Đoàn Văn An - tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị - đã "mua" bằng được.
(Theo Tuổi Trẻ)