- Trước khi phim khởi quay, đạo diễn Hồ Quang Minh nói sẽ làm "Thời xa vắng" đủ để dự LHP Cannes. Bản thân ông thấy "đứa con chung" ấy thế nào?
- Tôi thấy đây là một bộ phim được làm cẩn thận vào bậc nhất. Phim bật lên được cái chất quê, và bằng mọi giá đạo diễn làm cho nó tốt nhất, thí dụ như sử dụng dàn nhạc giao hưởng lớn nhất từ trước tới nay do nhạc trưởng người Anh chỉ huy, một chuyên gia thu thanh hàng đầu của Pháp cũng đã được mời qua thu tiếng trực tiếp.
Hồ Quang Minh - đạo diễn Thời xa vắng. |
Thời xa vắng đáp ứng yếu tố lạ cho giới trẻ, không căng cứng và cũng không khô cằn, thô thiển. Chắc chắn nó sẽ không thể bùng nổ tại các rạp chiếu như Gái nhảy nhưng cũng không đến nỗi tệ hại như mấy bộ phim chỉ bán được bốn năm chục vé đâu.
- Ông nghĩ "thằng Sài" của Hồ Quang Minh có thể tái hiện lại hình ảnh đại diện của chính nhà văn Lê Lựu trong cái thời xa vắng ấy?
- À, có thể gọi là Lê Lựu cũng được mà ai đó khác cũng được. Tôi không ngờ đạo diễn đã tìm một người chưa từng thò mặt lên màn ảnh (Ngô Thế Quân, họa sĩ trình bày của NXB Thế giới) vào vai Sài. Đến khi làm phim thì tôi thấy quả là Quang Minh cao tay hơn các đạo diễn khác. Đạo diễn đã tận dụng luôn cả cái lóng ngóng của diễn viên, lại thu cả cái giọng mộc như vịt đực của anh chàng này.
Đó là một thế mạnh vì sẽ tạo ra được nhiều tiếng nói, anh vịt đực cứ vịt đực, cô choe chóe cứ choe chóe, anh khàn khàn vẫn cứ khàn khàn, đây mới là cuộc sống thật của chúng ta. Cái tôi thấy "Sài điện ảnh" giống mình nhất chính là sự ngô nghê, sự quê kệch, sự... hơi ngu đi một tí.
- Theo ông, phim của Hồ Quang Minh làm theo khuynh hướng giải trí hay đi theo nét lạ đến mức trở nên cực đoan?
- Bộ phim khai thác được cái độc đáo của miền quê VN. Tất nhiên, bộ phim cũng đáp ứng nhu cầu "tìm của lạ" của khán giả nước ngoài. Làm nghệ thuật thì phải tìm đến những cái mới lạ.
Nhưng Hồ Quang Minh đã cố gắng cho khán giả thấy sự lạ lùng của cả một vùng đất, sự lạ cả về cách sống và cách sống nào cũng đáng trân trọng. Đạo diễn đang cố gắng tạo nên một bức tranh quê đẹp yên ả như chính cuộc sống của người Việt mình.
- Sắp tới các hãng phim sẽ cổ phần hóa, ông cho rằng điện ảnh VN sẽ đi lên hay đi xuống?
- Rất có nguy cơ nó sẽ đi xuống. Tất nhiên đừng có đem tiền chùa ra mà đốt nhưng khi cổ phần hóa thì anh lại chỉ nghĩ đến doanh thu, bất chấp chuẩn mực nghệ thuật. Hãy làm thương mại một cách công phu, nghiêm túc và có nghệ thuật, phim VN không phải là không có người xem.
Khi các hãng phim cổ phần hóa sẽ dẫn đến tình trạng đua nhau làm cho nó... giật gân lên, cho nó lạ đi. Khi ta không có khả năng làm nó khác đi bằng sự độc đáo của trí tuệ thì thường cố gắng làm khác đi bằng sự nhăng nhố... Cái đó thật là nguy hiểm và rất đáng sợ.