- Theo anh thì phải hiểu thời trang rock như thế nào?
- Thực ra, giới chơi rock thường có phong thái đặc trưng rất riêng, khác biệt đến nỗi dù họ mặc bất kỳ bộ đồ kiểu nào thì người ta vẫn thấy toát lên một vẻ rất rock... Dáng vẻ ấy có được là bởi thế giới nội tâm bên trong chứ không chỉ thông qua những bộ trang phục bề ngoài hầm hố cho "ra chất rock" như mọi người vẫn quan niệm.
- Dù sao, thế giới thời trang của nhạc rock quá ấn tượng, anh thấy sao?
- Đúng là rất ấn tượng và nhiều sắc thái. Điều đó được cũng vì rock đã có "lai lịch" đặc biệt trong thế giới âm nhạc mà thời kỳ hoàng kim của nó có ảnh hưởng đáng kể đến phong cách sống những thế hệ thanh niên từ những thập niên 60 đến nay.
- Anh có nhận xét gì về sự phát triển của thời trang rock qua từng thời kỳ?
- Khi rock khởi nguồn, nhiều ban nhạc chỉ chú ý sao cho ăn mặc lịch sự như veston khoác ngoài sơ mi, thắt cà vạt, giày bóng lộn... trông rất bảnh. Nhưng rồi thời đó qua nhanh do tính chất âm nhạc khỏe, gai góc và nhiều biến hóa nên dần dà, họ đã tìm cho mình lối trang phục phóng khoáng hơn để thay cho sự khuôn hộp trước.
Có thời kỳ, khắp nơi trên thế giới, người dân xuống đường phản đối chiến tranh và một số người chơi rock lúc bấy giờ dùng âm nhạc để góp tiếng nói. Và một trào lưu mới xuất hiện, những thanh niên để tóc dài, mặc đồ jeans ống loe và những chiếc áo mang thông điệp phản chiến, đối nghịch với những bộ đồ nhà binh và mái đầu cắt cua của binh lính thời đó. Sau đó, những trang phục gần gũi như áo phông, áo ca rô, quần jeans... tương đối giản dị xuất hiện từ đường phố cho đến các sân khấu, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Rồi có thời họ phản ứng những thái độ tiêu cực trong xã hội như ma tuý, bạo lực... nên trang phục của của họ mang rất nhiều hình ảnh cảnh báo về sự chết chóc, máu me, cực kỳ giật gân. Cuối cùng, thời trang rock đã tấn công thị trường một cách ấn tượng và chiếm lĩnh một vị trí không thể thay thế trong sự lựa chọn của giới trẻ. Nhưng dù có hầm hố hay không thì trang phục của những người chơi và yêu rock vẫn không hề lẫn lộn vào đâu được.
Ca sĩ Trần Lập.
- Vậy còn những mặc trái của trang phục rock, theo anh là gì?
- Trang phục nói lên con người và tính tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào rất nhiều vào lối sống, quan điểm người chơi nhạc rock mỗi thời kỳ. Nếu nội dung âm nhạc họ thể hiện là những khía cạnh tích cực của con người thì trang phục của họ đều rất sáng sủa và hấp dẫn, chẳng hạn như các bạn nhạc Rolling Stones, Queen, Scorpions... Nếu họ là một ban nhạc chuyên đề cập tới cái chết hoặc sự bế tắc, u uất thì trang phục thường quá lạm dụng hình ảnh đầu rơi, máu chảy, dặt dẹo (dòng death, black...) Hoặc với xu hướng nhạc kiểu thác loạn tình dục thì họ lại ăn mặc rất diêm dúa và loạn màu sắc (dòng glam). Nhưng tóm lại, phong cách thời trang lẫn lối sống kiểu đó đều không có chỗ đứng ở Việt Nam.
- Vậy còn nét khác biệt của thời trang rock là gì?
- Mọi người đều có thể thấy khá rõ ràng màu đen là sắc chủ đạo trong thời trang rock. Bởi không chỉ những người có chuyên môn trong ngành thời trang mà ngay cả những người có thâm niên trong hoạt động âm nhạc cũng đều thấy rằng: đen là màu của sự hoạt động, nói lên tính hành động, sự quyết đoán mạnh mẽ, là sự tương phản (tượng trưng cho các mặt đối lập của cuộc sống như sáng - tối, trung thực - giả dối, sự sống - cái chết...), là sự sâu sắc và đặc biệt ấn tượng... Những điều đó chính là rock. Chúng phản ánh phần nào cá tính, âm hồn của những người yêu rock.
- Nhưng tại sao màu đen lại không phải là màu chủ đạo cho những bộ trang phục trong cửa hàng thời trang của anh?
- Rõ ràng, trong cuộc sống không thể lúc nào ta cũng có thể mặc những bộ đồ thật hầm hố với màu sắc chính là đen như vậy. Hơn nữa, tôi biết ngay mỗi người yêu rock cũng có sở thích khác nhau. Để mọi người có thể lựa chọn trang phục phù hợp trang phục vào mỗi nơi, mỗi lúc thì hàng hóa cũng cần phải đa dạng.
- Anh nghĩ sao về thời trang trong nước hiện nay?
- Nói thật nhé, phải dùng từ "lôm côm" để thay thế cho từ "phong phú" như người ta vẫn quen dùng hiện nay. Nếu đứng trên khía cạnh là người tiêu dùng nhận xét, cứ thử nhìn ra Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... thôi là có thể thấy ngay dù hàng hóa của họ được sản xuất hàng loạt nhưng có cảm giác là rất ít khi họ mặc đồ trùng nhau. Có lẽ đó là bởi người Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến một khía cạnh quan trọng của thời rang là cái tôi. Họ mới chỉ ăn mặc sao cho giống bạn bè, giống người khác chứ ít khi để ý đến bản sắc riêng của mình. Thời trang phải là sự cảm hứng, cảm hứng cho cả mình lẫn người xung quanh. Cảm hứng làm sao có được với một "thế giới rập khuôn"? Tuy nhiên, sự sôi động của thị trường thời trang hiện nay cũng đã ghi nhận rằng, giới trẻ nước ta đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp cận với lĩnh vực thời trang.
- Tại sao anh chọn lĩnh vực kinh doanh thời trang làm nghề tay trái?
- Bởi đó cũng là lĩnh vực mà tôi yêu thích. Hơn nữa, nhà tôi có truyền thống về thời trang. Bố tôi trước đây từng làm hiệu trưởng của trường cắt may quân đội và từng mở cửa hàng may riêng ở Hà Nội. Cả nhà ai cũng biết may, trình độ cắt may của các anh chị tôi đều khoảng 6-7/7 hẳn hoi dù bây giờ chẳng ai theo nghề. Trong thời kỳ Bức Tường gặp khó khăn, tôi cũng từng tự chế các trang phục biểu diễn cho ban nhạc.
- Anh thích mặc trang phục như thế nào?
- Bộ đồ may sẵn duy nhất của tôi là bộ complet chú rể, mặc đúng một lần. Mặc dù có rất nhiều cơ hội tham dự các buổi lễ trang trọng và biết là mình đã gây phiền toái cho khá nhiều người nhưng tôi chưa bao giờ mặc lễ phục đi dự cả. Khi mặc chúng, hình như tôi không còn là mình nữa. Nếu phải làm việc trong những bộ trang phục như vậy thì chắc tôi sẽ bỏ việc luôn. Nhưng nếu công việc đó đem lại một đời sống hạnh phúc và có thu nhập lớn hơn nhiều so với thu nhập của mình bây giờ thì có lẽ tôi sẽ nghĩ lại đấy!