Thứ hai, 22/8/2022, 11:57 (GMT+7)

Thời trang phá vỡ giới hạn của các nhà thiết kế gen Z

Các nhà thiết kế như Đào Thu Trang, Quốc Anh, Thanh Hiền... giới thiệu các bộ sưu tập độc đáo trong Tuần lễ thời trang tốt nghiệp Re:birth.

Sự kiện Tuần lễ thời trang tốt nghiệp Re:birth của Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội diễn ra trong hai đêm 20-21/8, có sự tham gia của hơn 40 nhà thiết kế. Các bộ sưu tập thể hiện tư duy sáng tạo, phá cách của các nhà thiết kế gen Z hướng đến yếu tố thời trang bền vững.

Trong hình là bộ sưu tập 'Coup D’etat' của NTK Đào Thu Trang, sử dụng chất liệu tái chế để gửi gắm thông điệp phá vỡ rào cản ranh giới giữa người giàu và người nghèo.

Bộ sưu tập 'Humanoid' của NTK Ngô Hồng Anh nói về cuộc chiến đấu của những người trẻ thế hệ gen Z chống lại sự đánh mất nhân tính bên trong chính mình và mối quan hệ phức tạp giữa con người với công nghệ.

Lấy cảm hứng từ hình dạng và sự tương tác lẫn nhau giữa vật chủ và ký sinh trùng, bộ sưu tập 'Paratisism' của NTK Nguyễn Thị Thùy Dung là sự kết hợp những phom dáng thời trang đường phố và dạ hội với những kỹ thuật xử lý chất liệu 3D mới lạ.

NTK Trần Quốc Anh sử dụng vải lụa tơ tằm Việt Nam cùng kỹ thuật đính kết thủ công và màu đỏ đen đối lập để thể hiện rõ tinh thần Đông Dương trong bộ sưu tập 'Hạnh phúc của một tang gia', lấy cảm hứng từ phong trào Âu hóa trong tiểu thuyết 'Số đỏ' (Vũ Trọng Phụng).

Bộ sưu tập 'Hoài niệm' của NTK Phạm Quỳnh Anh mô tả về thời kỳ bao cấp ở Việt Nam. Các thiết kế mang hình in từ tranh biếm họa tái hiện các hiện vật tiêu biểu và những câu nói phổ biến thời bấy giờ.

NTK Nguyễn Thanh Hiền muốn 'chinh phục bầu trời' qua bộ sưu tập cùng tên. Chất liệu chủ đạo là vải ánh kim, vải bắt sáng, phản quang kết hợp với khaki có độ bền cao. Phom dáng của bộ sưu tập lấy từ những chi tiết cấu tạo của vỏ máy bay, phi thuyền, động cơ phản lực...

Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều người sẵn sàng chấp nhận đau đớn , đánh đổi sức khoẻ để đổi lại vẻ đẹp hoàn mỹ. Đó là nguồn cảm hứng để NTK Việt Hằng thực hiện 'Beautification'. Các thiết kế bao gồm áo tay phồng, chân váy dài, quần ống rộng … với những tông màu chủ đạo là đỏ và be. Kỹ thuật xử lý chất liệu gồm có in và khâu textile bằng tay để tạo hiệu ứng 3D.

'Mở mắt thấy thinh không' của NTK Ngọc Diệp được truyền cảm hứng từ Phật giáo, qua sự kết hợp hài hoà và sáng tạo từ chất liệu bền vững, bảng màu trung tính cũng như kỹ thuật tỉ mỉ.

Những hồi ức một thời tuổi trẻ đầy hoài bão tại thành phố Lipetsk, Nga của bố đã truyền cảm hứng cho Trung Anh làm nên bộ sưu tập 'Gửi Lipetsk dấu yêu'. Những thiết kế tái hiện con người, văn hoá đô thị đầu những năm 1990.

'Anarchist' phản ánh cái nhìn của NTK Nguyễn Thiên Thảo với ngành công nghiệp thời trang hiện tại. Nó không chỉ thải ra môi trường hàng tấn rác thải, còn làm kiệt quệ sức sáng tạo của các nhà thiết kế.

Bảng màu của bộ sưu tập là biến thể của đen tuyền, đỏ hồng lựu và xanh ô liu mô tả màu sắc trong một lò mổ. Ý tưởng đằng sau các màu sáng này cho thấy vẫn tồn tại hy vọng sau cuộc chiến đẫm máu của ngành thời trang và các nhà thiết kế.

Với 'Bùa yêu', NTK Ngọc Trâm muốn truyền tải niềm tin tuyệt đối vào tình yêu. Bộ sưu tập mang tinh thần trẻ trung thể hiện niềm hạnh phúc khi yêu với hoạ tiết trái tim được lặp lại qua nhiều cách thể hiện khác nhau. Bảng màu bao gồm những tông màu tươi sáng như xanh, hồng, tím tạo nên sự tương phản với tông màu đen.

Bộ sưu tập 'Imperfect' của NTK Bùi Thị Thu Hường hướng tới những người phụ nữ độc lập, tự chủ. Các thiết kế miêu tả những tâm trạng cảm xúc khác nhau của phụ nữ, khi dịu êm, lúc mạnh mẽ, thông qua việc sử dụng các chất liệu đối lập.

Trang Shaelyn

Đánh giá phiên bản mới