![]() |
Các loại quần áo, giày dép giảm giá bán trên đường CMT8, quận 3 - TP HCM. |
Dọc theo những “cung đường” thời trang như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ... cái đập vào mắt người đi đường đầu tiên hiện nay có lẽ là những dòng băng rôn quảng cáo hấp dẫn: Giảm giá 20-50%, sale off 20-70%... Các cửa hàng thời trang đua nhau giảm giá với bất cứ lý do gì để lôi kéo khách: khai trương, thanh lý hàng tồn kho, bán hàng tồn để lấy hàng mới bán Tết...
Các cửa hàng khu vực đường Hai Bà Trưng giảm giá mạnh nhất. Chưa đầy 500 m, đã có trên 10 cửa hàng thời trang treo bảng “sale off”. Một shop thời trang chuyên bán quần áo trẻ em, trang phục công sở... treo tấm băng rôn “Big sales off 80%” của nhiều mặt hàng được bán với giá từ 10.000 đồng đến 95.000 đồng. Tại shop của công ty thời trang ở quận 3, một dòng chữ được viết hẳn lên cửa kiếng “Hàng mới về, giảm giá từ 20-30%”...
Cửa hàng Nam Trung chuyên bán dây nịt, cà vạt, ví da, giày giảm giá từ 20-80%, tùy mặt hàng. Đặc biệt có một “siêu thị mi ni” giảm giá từ 30-90% cho nhiều loại mỹ phẩm, quần áo, giày dép...
Một shop thời trang trên đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận Phú Nhuận còn treo bảng khuyến mãi đặc biệt “mua 1 tặng 1”.
Chị Phương, chủ một shop thời trang trên đường Lê Văn Sỹ, cho biết: Không riêng gì mùa Tết, ngày thường cũng có nhiều cửa hàng giảm giá để thanh lý hàng tồn. Nhưng đến mùa Tết, hầu như cửa hàng nào cũng giảm giá để lôi kéo khách.
Không chỉ những mặt hàng cũ, qua mốt được bán "rẻ" mà nhiều shop còn treo bảng giảm giá đối với hàng “mới về”.
Chiếc áo thun đã giảm giá 30%, còn 45.000 đồng được một nhân viên bán hàng của shop thời trang Huyền giới thiệu là “hàng Đài Loan mới về”. Ngạc nhiên về hàng mới mang nhãn mác ngoại hẳn hoi mà sao lại bán giảm giá thì nhận được câu trả lời “hàng mới khách chưa biết nên khuyến mãi để chào hàng”. Quan sát kỹ trên từng đường chỉ dễ dàng nhận thấy những sợi chỉ ngắt quãng được may một cách vội vàng, không kỹ thuật. Nếu tinh ý người mua sẽ nhận ra đây là hàng “xôn” được bày bán ở các chợ chiều với giá không quá 30.000 đồng/cái.
Tiệm Nam Trung bán chiếc ví da theo lời quảng cáo là 50.000 đồng/cái (giá đã giảm). Người bán hàng giải thích, đây là hàng tồn của công ty nên bán chủ yếu “vớt” lại vốn chứ không lấy lời. Khi khách hàng gợi ý xin đổi lại nếu người nhà không ưng thì người bán hàng lắc đầu “hàng giảm giá, mua rồi là không trả lại”.
Một chiếc quần jeans (hàng sales) tại shop Hùng có giá 90.000 đồng. Nhìn kỹ thấy những vết ố vàng dọc theo 2 ống quần. Nếu khách tỏ vẻ không vừa lòng thì nhận được câu trả lời “hàng sales giá này mà đòi đẹp thì có nước bán nhà mà kinh doanh”...
Đa số quần áo tung ra giảm giá đều là những mặt hàng “lỗi thời”, cũ kỹ và thường bị lỗi may. Chưa kể nhiều cửa hàng còn giở trò “đánh lận con đen”, không niêm yết giá cụ thể đối với các mặt hàng giảm giá, khi khách có nhu cầu mua, người bán mặc sức “hét” giá trên trời.
Ngoài những thương hiệu thời trang nổi tiếng được giới trẻ thành phố ưa chuộng như Nino Maxx, Blue, Armaco, Sifa, PTN, AD... hầu hết các shop thời trang thuộc dạng “tổng hợp” bán đủ các mặt hàng nội ngoại nhập, với đủ thứ nhãn hiệu.
Chất lượng hàng ở đây thường rất phức tạp. Một số cửa hàng đã “phù phép” cho hàng “chợ” (chủ yếu lấy ở chợ An Đông, Tân Bình) thành hàng ngoại và bán lẫn lộn trong mớ quần áo giảm giá với giá cao có khi gấp 2-3 lần giá chợ.
Chị Ngọc Quyên, có 5 năm gắn bó với ngành hàng quần áo may sẵn chợ An Đông, cho Người Lao Động biết cứ vào những tháng 11-12 thì các quầy hàng chủ yếu bán hàng tồn, hàng lỗi trong năm. Loại hàng có vết ố được coi là hàng “xôn” loại 2; hàng bị lỗi về màu sắc, dây kéo, đường may... gọi là “xôn” loại 1. Các loại hàng này được bán cho những người chuyên bán hàng “xôn” và “bỏ mối” cho các shop thời trang. Chị Quyên quả quyết: Lấy hàng này về bán chắc chắn “1 vốn 4 lời” vì tâm lý người tiêu dùng hiện nay rất thích vào các shop thời trang mua sắm.