Cuộc đời một người đàn ông: Lúc mới tượng hình, quyền có cho họ chào đời hay không là thuộc về người phụ nữ đang mang thai họ. May mắn được chào đời, thì họ đã lệ thuộc vào chăm sóc của người mẹ. "Con có khóc mẹ mới cho bú", qua thời trẻ sơ sinh, đến hồi trẻ em, ngỗ nghịch một tý, bà mẹ quát ngay: "Tao đập cho một cái thì đừng hòng sống. Tao đẻ ra mày được thì cũng ăn gỏi mày được đấy con ạ".
Đến tuổi thành niên, biết tán gái, thì mang tiếng là đàn ông chủ động ngỏ lời, chủ động cầu hôn, nhưng đừng quên một điều quyền lựa chọn lại thuộc về người phụ nữ: Họ có thể gật đầu đồng ý lấy anh hoặc cười tươi "còn lâu mới đến lượt anh nhé". Nghĩa là họ nắm trong tay quyền chấp thuận hay từ chối, là họ nắm giữ "vận mệnh" tình yêu hạnh phúc của anh.
Nhan nhản những người đàn ông đang chạy xe một cách vất vả trên đường kia đã suốt đời ôm một trái tim vỡ nát, rỉ máu, vì bị một cô gái từ chối hoặc "cho rơi" khi cô ta hết còn hứng thú. Ngay cả khi cưới được người phụ nữ mình hỏi cưới rồi, thì tình trạng bấp bênh trong việc sở hữu một người đàn bà luôn hiện hữu.
Đó là tình trạng bị cắm sừng, hoặc tệ hơn là chìa lá đơn ly dị, từ nay tôi hết là vợ anh (và cuỗm theo một nửa gia tài, cùng một nửa hoặc tất cả số con), trả anh về tình trạng "không gia đình", mà trong những chuyện "hóc xương" như thế này, luật pháp. Và dư luận xã hội chưa bao giờ đứng về phía người đàn ông, chỉ "tôi đứng về phe nước mắt" như lời nói của nhà thơ Dương Tường.
Bởi vậy, rất nhiều chàng trai trẻ độc thân không thể tiến tới một cuộc sống yêu đương và hôn nhân bình thường được, vì rơi vào hội chứng tâm lý "sợ phụ nữ". Họ có cảm giác, cuộc đời họ bị định đoạt bởi hai người phụ nữ: Lúc nhỏ là mẹ họ; lúc lớn là người yêu, là vợ họ, có quyền khiến cho họ sung sướng hay khổ đau. Và đó là một vòng khép họ vào giữa, họ phải chịu mọi chi phối từ đấy.
Thế nên những chàng trai chuẩn bị lấy vợ, thường không mấy hớn hở vui mừng vì được vợ, mà trong tâm trạng bâng khuâng như mình sắp mất một cái gì đó lớn lao lắm, đó là sự tự do và tự chủ (trái ngược với tâm trạng cô dâu, mừng mừng lo lo, chứ không hề có tiếc nuối hay có cảm giác mất mát xen vào).
Đó là hai người đàn bà thật thân thiết và cũng thật đáng gờm trong cuộc đời bất kỳ một người đàn ông nào trong xã hội hiện đại, văn minh. Nhưng ngày nay, khi người phụ nữ càng ngày càng chứng tỏ được quyền bình đẳng của họ về chính trị, kinh tế, xã hội với nam giới và nhiều người trong số họ vươn lên nắm những vị trí chủ chốt trong chính quyền, trong kinh doanh và các nghề chuyên môn, thì cuộc đời người đàn ông lại xuất hiện thêm người phụ nữ "thân thiết và đáng gờm" thứ ba: sếp của anh ta.
Không một người đàn ông nào có sếp nữ, mà không ít nhiều mang một nỗi ấm ức trong lòng, về việc mình bị sai khiến, thống trị, bị chỉ huy, bị định đoạt bởi "một mụ đàn bà không biết an phận, ham trèo cao có ngày ngã gãy cổ.". Sự "dị ứng" của họ trước sự điều hành của phụ nữ, đối với mẹ và vợ là một thì với sếp nữ là một trăm lần, mang nhiều ý nghĩa "thù địch về giới" nhiều hơn là những xung đột cá nhân này với cá nhân khác.
Nam giới phải phục tùng phụ nữ, bị cai trị bởi nữ hoàng, đó mới là "giọt lệ sầu của mọi giọt lệ sầu" với thế giới đàn ông.
Nhưng bi kịch một nỗi, chuyện "nam giới phải phục tùng phụ nữ" không chỉ là trong phim ảnh, ở vùng đất Quế Đô kỳ bí" mà ngày càng đầy rẫy trong đời thường, trong thế giới mà chúng ta đang sống, ở xã hội hiện đại này.
Một anh bạn, quá cay cú với "mụ sếp khô cứng, không chồng, ngu si, lắm lời, say mê quyền lực đến mức bệnh hoạn", trong một cuộc nhậu trút hận với bạn bè chiến hữu đã đặt ra vấn đề: Việc phụ nữ hiện đại đang đạt sự độc lập và bình đẳng với nam giới là điều "vô cùng tồi tệ và đi ngược lại vai trò tự nhiên của phụ nữ, làm đảo ngược trật tự đã được định sẵn".
Để chứng minh cho ý kiến của mình, anh ta viện dẫn: Cả văn hoá phương Đông lẫn phương Tây đều khởi nguồn một kiểu xã hội phụ quyền, dựa trên nguyên tắc sự thống trị của nam giới trong gia đình và cộng đồng.
Các triết gia lẫy lừng trong quá khứ, mà sức ảnh hưởng của họ còn vang dội tới ngày nay, trở thành bất tử với những luận thuyết bất tử, cũng ủng hộ cho điều này. Socrates thừa nhận trong một số khía cạnh phụ nữ thua kém đàn ông. Aristotle cho rằng giống đực tự nhiên giỏi hơn giống đực bị què cụt, chịu đựng một sự thiếu hụt tự nhiên.
Rousseau cho rằng phạm vi ảnh hưởng đích thực của người phụ nữ là ở trong nhà. Milton trung thành với học thuyết Kinh thánh về tính ưu việt và sự thống trị của của giống đực. Và kinh thánh, một bộ sách vĩ đại nhất của loài người xét về mọi phương diện, cả trong Tân Ước và Cựu Ước, đều đặt người phụ nữ vào vị trí cấp dưới.
Ngay cả trong vườn địa đàng, phụ nữ cũng chỉ là một người phụ trợ cho đàn ông, và rõ ràng họ bị đặt dưới quyền cai trị của đàn ông vào lúc bị trục xuất khỏi vườn địa đàng vì bản thân mình phạm tội và xúi giục người đàn ông phạm tội.
Nói tóm lại, theo kết luận của những nguồn đã viện dẫn trên và anh hết sức tán đồng, thì giống đực là hiện thân của sự hoàn hảo của loài người. Còn phụ nữ, với những khiếm khuyết tự nhiên của họ về nhiều mặt, đương nhiên là thấp hơn nam giới. Và sẽ tốt hơn cho tất cả, cho nam giới và cho xã hội, nếu như cả ở trong gia đình và xã hội, phụ nữ giữ dạng là người cấp dưới của đàn ông.
(Theo Thời Trang Trẻ)