Theo sau Mỹ và Trung Quốc là Italy với 80.589 ca nhiễm. Tuy nhiên, Italy nhiều người chết nhất vì bệnh này với 8.215 người, gấp 2,5 lần Trung Quốc (3.287 ca) và gấp 7 lần Mỹ (1.201 trường hợp).
Hiện Covid-19 xuất hiện ở 198 quốc gia vùng lãnh thổ với tổng số ca nhiễm là hơn 830.000, trên 24.000 người chết.
Trước đó, các nhà khoa học đã cảnh báo Mỹ có thể sẽ trở thành nước chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người không nghĩ rằng khoảnh khắc đó tới nhanh như vậy. Với dân số 330 triệu người, Mỹ là quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới. Điều này có nghĩa là số lượng người có nguy cơ nhiễm Covid-19 ở quốc gia này lớn nhiều so với những nước khác.
Hiện tại, ít nhất 160 triệu người Mỹ đã được lệnh phải ở nhà tại các bang từ California đến New York. Các trường học, quán bar, nhà hàng và nhiều doanh nghiệp khác đóng cửa. Các bệnh viện Mỹ rơi vào tình trạng quá tải bởi số lượng bệnh nhân tăng vọt trong khi nguồn cung thiết bị và đồ bảo hộ đang cạn dần.
Nhiều nhà khoa học Mỹ lên tiếng chỉ trích chính quyền chậm chạp trong ứng phó với dịch. "Điều này đã có thể đã được dừng lại bằng cách thực hiện kiểm tra và giám sát chặt chẽ hơn các ca nhiễm đầu tiên", bà Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Columbia ở New York, nói.
"Hiện đây chỉ là con số mà số người được xét nghiệm xác nhận, liệu còn bao nhiêu trường hợp nhiễm bệnh chưa được xét nghiệm", bà Angela hoài nghi.
Nước Mỹ phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào giữa tháng hai nhưng mãi đến giữa tháng ba, Tổng thống Donal Trump mới ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Theo nhiều nhà khoa học, Mỹ đã bỏ qua cơ hội vàng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan khiến các ca nhiễm tăng chóng mặt và vượt tầm kiểm soát. Hiện Mỹ thiếu trầm trọng bộ xét nghiệm và trang thiết bị bảo hộ, nhiều bác sĩ đã phải lên mạng cầu xin người dân nhường khẩu trang cho nhân viên y tế.
Sơn Nam (Theo New York Times)