Nhật hoàng Akihito đã bắt đầu nghi lễ thoái vị tại một đền thờ Thần đạo (Shinto) trong sáng 30/4, để tuyên bố kết thúc triều đại bằng sự hồi tưởng cũng như mở ra hy vọng cho kỷ nguyên mới.
Ông Akihito mặc áo bào nâu vàng truyền thống, bước vào đền Kashikodokoro cáo lui các vị thần. Ngôi đền là nơi ngự trị của nữ thần mặt trời Amaterasu, được cho là tiên tổ của hoàng gia Nhật. Chỉ một phần của nghi lễ đang diễn ra được hé lộ với công chúng.
Sau đó cùng ngày, tại hoàng cung, Nhật hoàng sẽ bố cáo đến các thành viên hoàng gia và quan chức đứng đầu chính phủ. Triều đại ông sẽ qua đi lúc nửa đêm, ngôi được truyền lại cho con trai là Thái tử Naruhito, và triều đại mới, "Lệnh Hòa", bắt đầu.
Ngày 1/5, Thái tử Naruhito sẽ chính thức đăng quang Ngai Cúc (ngai Chrysanthemum). Trong một nghi lễ riêng, ông sẽ thừa kế vật linh biểu chương Vương quyền gồm gươm, ngọc báu, ấn tín hoàng gia, trở thành vua thứ 126 của vương triều cha truyền con nối lâu đời nhất thế giới đã kéo dài từ thế kỷ 5.
Hàng giờ trước lễ thoái vị, nhiều người dân đã tập trung phía ngoài hoàng cung Nhật Bản dù tiết trời lạnh và ẩm ướt trái mùa, và mặc dù họ không được nhìn vào trong.
"Chúng tôi đến hôm nay vì là ngày cuối cùng của triều đại 'Bình Thành'. Chúng tôi thấy hoài niệm", bà Akemi Yamauchi, 55 tuổi, cho biết khi đứng cạnh chồng ngoài cung.
"Chúng tôi quý mến Nhật hoàng hiện tại. Ông ấy làm việc chăm chỉ vì người dân, rất thấu đáo và tử tế với mọi người", người chồng Kaname nói. Cặp vợ chồng đi từ Kyoto, cố đô Nhật Bản – nơi các Nhật hoàng sống cho tới 150 năm trước.
Truyền hình Nhật Bản hiện tổ chức đếm ngược tới thời khắc chuyển giao triều đại, nhìn lại các sự kiện chính diễn ra trong kỷ nguyên Akihito, bao gồm sóng thần năm 2011, thảm họa động đất Kobe và vụ tấn công khí độc ga tàu điện ngầm năm 1995 chấn động lòng tin của nước Nhật về sự an toàn.
Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, lên ngôi năm 1989. Ông tận tụy cho công cuộc hàn gắn vết thương Chiến tranh Thế giới II, nổ ra dưới thời cha ông trị vì, và đưa vua chúa Nhật gần hơn với dân chúng.
Cùng với Hoàng hậu Michiko – người vợ xuất thân thường dân, Nhật hoàng Akihito đến gần người dân, đặc biệt những ai trong hoàn cảnh éo le và chịu phân biệt đối xử, cũng như nạn nhân các thảm họa. Akihito là vị vua Nhật đầu tiên cưới dân thường, một tiền lệ ông tạo ra trong hoàng cung. Cặp vợ chồng cũng chọn chăm bẵm ba con thay vì lệ thuộc vào người làm trong cung. Họ quyết định sẽ được hỏa táng sau khi qua đời, đặt trong hai ngôi mộ nhỏ đặt cạnh nhau – một động thái phá vỡ truyền thống khác.
Những nỗ lực của Nhật hoàng Akihito đem đến sự kính trọng rộng khắp. Điều tra của truyền thông gần đây tiết lộ 80% người dân Nhật Bản ủng hộ hoàng gia, tỷ lệ cao nhất từng có. Akihito 11 tuổi khi vua cha Hirohito tuyên bố chấm dứt Thế Chiến II trên sóng radio. Ông nhận vai một sứ giả hòa bình và thường tiến hành sứ mệnh đó thay cha lúc còn là một thái tử trẻ, tức hàng chục năm trước khi đăng quang.
Akihito là vua đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản hiện đại mà dưới thời trị vì không có chiến tranh. Dù vẫn né tránh xin lỗi công khai, ông dám diễn tả tiếc nuối về chiến tranh trong quá khứ thông qua những phát ngôn thận trọng.
Akihito sẽ chỉ còn được biết đến bằng tước hiệu danh dự và không nắm giữ vị trí chính thức nào sau khi thoái vị. Ông thậm chí sẽ không được dự lễ kế vị của con trai, để không can thiệp vào công việc hoàng triều.
Nhật hoàng thoái vị dự định sẽ tận hưởng cuộc sống về hưu, bằng cách thăm các bảo tàng và buổi hòa nhạc, hoặc dành thời gian cho nghiên cứu cá bống của mình tại một biệt phủ ven biển. Vợ chồng Akihito và Michiko sẽ chuyển đến một chỗ ở hoàng gia tạm thời trước khi bàn giao cung điện cho Naruhito.
Thanh Tùng (Theo AP)