Đối với rất nhiều gia đình, Meghan Markle có lẽ sẽ là một cô con dâu tuyệt vời. Nữ diễn viên, nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng này tốt nghiệp Đại học Northwestern, Mỹ, với hai bằng cử nhân trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và quan hệ quốc tế. Cô cũng tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng, là đại sứ toàn cầu của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và người ủng hộ mạnh mẽ nữ quyền tại Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, Hoàng gia Anh không giống bất kỳ gia đình nào khác. Vì thế, việc Meghan Markle và Hoàng tử Harry ngày 27/11 thông báo đính hôn, đồng thời có kế hoạch tổ chức đám cưới vào mùa xuân năm 2018, lập tức khiến truyền thông dậy sóng, theo Atlantic.
Thay đổi
Những đồn đoán về việc Markle và Hoàng tử Harry kết hôn đã xuất hiện từ vài ngày trước, khi Markle được nhìn thấy đi cùng các vệ sĩ hoàng gia. Song thông báo từ tài khoản Twitter của Nhà Clarence, tổ chức đại diện cho Thái tử Charles, cha của Hoàng tử Harry, đã chính thức xác nhận những lời đồn là thật. Hoàng gia cho biết Nữ hoàng "vui mừng" trước thông tin này.
Việc chấp nhận Markle, một phụ nữ Mỹ, đã ly hôn, theo Công giáo, còn là dấu hiệu cho thấy Hoàng gia Anh đã sẵn sàng thay đổi. Nếu kết hôn với Hoàng tử Harry, 32 tuổi, Markle, 36 tuổi, sẽ là người Mỹ đầu tiên xuất hiện trong gia phả Hoàng gia sau Wallis Simpson, người từng tạo nên một cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Anh vào năm 1936.
Suốt gần một thế kỷ qua, những tiêu chuẩn trong việc chọn lựa vợ/chồng luôn khiến các thành viên Hoàng gia Anh đau đầu. Wallis Simpson, một người Mỹ, đã có một đời chồng vào thời điểm bà gặp gỡ Edward, Hoàng tử xứ Wales. Khi Vua George V qua đời tháng 1/1936, Hoàng tử Edward là người kế vị ngai vàng, trở thành Vua Edward VIII. Nhưng việc ông muốn cưới bà Simpson đã khiến tình hình đảo lộn.
Lúc bấy giờ, Giáo hội Anh ngăn cấm việc kết hôn với người đã ly dị khi người chồng hoặc vợ cũ vẫn còn sống. Trên cương vị nhà vua, Edward VIII đồng thời cũng là người quản trị tối cao của Giáo hội. Bị Thủ tướng phản đối và đối diện với một cuộc khủng hoảng hiến pháp, ông đã quyết định thoái vị vào cuối năm 1936.
"Tôi cảm thấy mình không thể mang gánh nặng trách nhiệm lớn lao và hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách một nhà vua như tôi mong muốn khi thiếu đi sự giúp đỡ và ủng hộ từ người phụ nữ tôi yêu", Vua Edward VIII tuyên bố.
Việc Hoàng gia không chấp nhận "người Công giáo, thường dân và người đã ly dị" kéo dài trong nhiều thập kỷ sau đó. Công chúa Margaret, em gái Nữ hoàng Anh Elizabeth, từng bị cấm kết hôn với thuyền trưởng Peter Townsend, người đã lập gia đình và có hai con.
Hoàng tử Andrew, con trai Nữ hoàng, cũng từng hẹn hò một nữ diễn viên người Mỹ tên Koo Stark vào những năm 1980. Nhưng theo truyền thông, Nữ hoàng không chấp nhận Stark vì bà từng xuất hiện trong một bộ phim "không đứng đắn".
Vì thế, việc Hoàng gia Anh chấp nhận Markle thực sự đánh dấu một bước thay đổi lớn lao, theo cây bút Nick Dole từ ABC Australia.
Trong lễ kỷ niệm 60 năm Nữ Hoàng Elizabeth trị vì nước Anh, Hoàng tử Harry đã ca ngợi khả năng thích ứng với thay đổi của bà nội mình. "Bà cố gắng tìm cách để Hoàng gia bắt kịp với thời đại", Hoàng tử Harry nói. "Tôi nghĩ đó là điều vô cùng quan trọng. Bạn không thể cứ mắc kẹt trong những hoàn cảnh xưa cũ khi mà mọi thứ xung quanh bạn thay đổi".
Bên ngoài Cung điện Kensington ở London, nhiều người Anh dù cảm thấy bất ngờ trước quyết định của Hoàng tử Harry, vẫn tỏ ra vui mừng vì sự thay đổi của Hoàng gia.
"Tôi thấy có chút vấn đề nhưng nếu Hoàng tử cảm thấy hạnh phúc và họ yêu nhau, chúng tôi bằng lòng với điều đó", một phụ nữ chia sẻ.
"Tôi mong cô ấy sẽ ổn. Cô ấy là một diễn viên, đã ly hôn nhưng mọi thứ có lẽ sẽ ổn thỏa cả thôi. Họ (Hoàng gia) dường như rất yêu quý cô ấy", một người đàn ông nói.
"Đây là thế kỷ 21! Hoàng tử đã phá vỡ truyền thống nên tôi nghĩ điều này thật tuyệt vời", một người khác nói chen vào.
Theo VnExpress