Đường dây nóng trên toàn thế giới liên tục nhận được cuộc gọi báo cáo về các vụ bạo hành gia đình trong khoảng thời gian cách ly xã hội. Tổ chức Harmony House ở Hong Kong, nơi trú ẩn dành cho phụ nữ bị lạm dụng, nhận được số cuộc gọi cầu cứu gấp 4 lần thông thường kể từ giữa tháng 1.
"Tình trạng này là một sự khủng hoảng. Hầu hết cuộc gọi đều đến từ phụ nữ, họ kể về những xung đột gia đình trong hơn hai tháng qua và cầu xin chúng tôi cứu", Susanna Lam, đại diện Harmony House, cho biết.
Theo bà Lam, xung đột gia đình xảy ra thường xuyên hơn khi cả gia đình bị "nhốt" trong các căn hộ chật chội, tù túng cùng vô vàn nỗi lo kinh tế, sức khỏe dưới lệnh phong tỏa. Tất cả khiến cuộc sống của họ trở nên bế tắc, ngột ngạt, dẫn đến số vụ bạo hành ngày càng gia tăng.
The Women’s Foundation, tổ chức phi lợi nhuận chuyên cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở Hong Kong, báo động về sự gia tăng bạo lực gia đình ở Trung Quốc nói riêng và trên toàn cầu nói chung kể từ cuối tháng 1.
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hong Kong nhanh chóng đưa ra biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ các gia đình đang gặp tình trạng trên. Các cơ quan chức năng cần có mặt kịp thời để giải quyết khi những nạn nhân cần giúp đỡ", Fiona Nott, CEO của tổ chức, lên tiếng.
RainLily, tổ chức từ thiện ở Hong Kong chuyên tư vấn và bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo lực tình dục, cho biết dịch bệnh khiến họ không thể tiếp cận được nạn nhân. Tổ chức này tiếp cận các nạn nhân bị bạo hành thông qua bệnh viện nhưng hiện họ không ra vào đây tự do như trước vì lo ngại nguy cơ bùng phát dịch.
"Tinh thần cảnh giác trước dịch bệnh vẫn cần được nâng cao. Chúng tôi không thể đến bệnh viện hay thông qua bệnh viện để tìm kiếm và giúp đỡ các nạn nhân", đại diện tổ chức chia sẻ.
Pascale Bertoli, nhà tâm lý học tại Hong Kong, cho rằng sự gia tăng số trường hợp bạo hành gia đình là hệ quả không mong muốn từ lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội.
"Nghiêm trọng hơn, ở nhiều nước phương Đông, nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, thường có xu hướng im lặng và chịu đựng", Bertoli nói.
Vivian McGrath là nhà sản xuất truyền hình, tác giả cuốn sách Unbeatable: How I Left A Violent Man (Tạm dịch: Không khuất phục: Cách tôi rời bỏ người đàn ông bạo lực). "Bạo lực gia đình được xem là chủ đề cấm kỵ ở Hong Kong. Tôi đã không thể nói chúng với bất kỳ ai. Khi tôi kể với bố mẹ, họ cho rằng đó là lỗi của tôi, và do tôi không biết cách duy trì hôn nhân của mình", McGrath, từng bị chồng cũ đánh đập và bóp cổ đến ngất đi, chia sẻ trải nghiệm bản thân.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội vì Covid-19, áp lực càng khiến các mối quan hệ căng thẳng và đàn ông có xu hướng "động tay chân" nhiều hơn. "Nếu những cuộc cãi vã kết thúc bằng việc mỗi người tự tìm đến nơi yên tĩnh, cho nhau lời giải thích sau đó thì hiện nay, họ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề vì không có nơi nào khác để đi", McGrath nói.
Mọi việc sẽ tệ hơn nếu người chồng đã mất việc và chịu áp lực từ nhiều phía, anh ta dễ dàng trút nỗi lo ấy lên thân thể vợ và con của mình. Sau những lần bạo hành, đàn ông thường sẽ nguôi ngoai và trấn an vợ bằng những lời xin lỗi, dằn vặt, tự trách bản thân. Thế nhưng sau đó, tình trạng này vẫn sẽ lặp đi lặp lại và dần hình thành xu hướng bạo lực.
"Khi tình yêu bao gồm sự đau khổ và chịu đựng, đó không phải là tình yêu lành mạnh. Nếu người chồng không mang đến những điều tốt đẹp, thậm chí còn chì chiết và tấn công bạn, anh ta chắc hẳn không phải người bạn cần", McGrath đưa ra lời khuyên cho những phụ nữ bị bạo hành.
Theo McGrath, phụ nữ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa trường hợp bị tấn công như điện thoại luôn còn pin, danh bạ chứa ít ba số đường dây nóng của các tổ chức bảo vệ phụ nữ trong nước. Ngoài ra, phụ nữ nên tìm cho mình một người bạn để tâm sự hoặc giúp báo cảnh sát nếu có bạo hành xảy ra.
Sơn Nam (Theo SCMP)