Thắng "Cò" là nickname của Lê Quốc Thắng, SV năm hai ĐH KTQD Hà Nội. Vì có tài lùng sục, cò cưa mua bán. Cũng nhờ tài cò cưa Thắng có một cửa hàng bán thiết bị điện tử cũ nằm trong con hẻm trên phố Kim Liên. Trong căn phòng rộng chưa đầy 20m2, main, chip, ram chất thành một đống cao ngất ngưởng. Nơi này là địa điểm dừng chân của đám SV CNTT, chủ yếu là các trường Xây dựng, Bách khoa, KTQD, Mở... "Nhiều khi mình giống như một thợ săn chuyên nghiệp, biết đánh hơi, sục sạo tất cả mọi ngõ ngách mới có thể kiếm được đồ như ý".
![]() |
Chợ công nghệ ở Đài Loan. |
Những thợ săn như Thắng thường moi thiết bị, linh kiện máy tính cũ từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn thứ nhất là từ các cửa hàng cầm đồ. Giá máy ở đó rẻ, chạy ổn định. Nguồn thứ hai là các điểm dịch vụ game. Khi phải nâng cấp máy để khách có thể chơi những trò chơi đòi hỏi cao về cấu hình, các cửa hàng game thường bán cả cây. Tuy nhiên, máy tính ở đây thường quá đát. Nguồn thứ ba là máy tính thanh lý của các cơ quan. Nguồn thứ tư là thiết bị máy tính được bán theo lô, cân theo ký tại Cửa Lò, Móng Cái.
Nguyễn Trung Kiên, SV lớp Toán Tin K2A, ĐH KHTN Hà Nội cũng được mệnh danh là một tay thợ săn hảo hạng. "Ban đầu mình cũng chỉ đi lắp ráp, cài đặt cho các quán Internet. Nhưng sau đó thấy nhu cầu xài đồ cũ của khách hàng quá cao nên mình quyết định xoay nghề. Bập vào rồi mới thấy ham". Khác với Thắng "Cò", Kiên không mở cửa hiệu mà chỉ săn đồ cũ giá rẻ để lắp đặt nếu khách hàng có nhu cầu.
Đại bản doanh của Kiên nằm sâu trong con ngõ Xã Đàn II, Tây Sơn. Hiện tại, Kiên nắm trong tay khoảng một chục nguồn hàng. Để tự quảng cáo cho mình, Kiên và nhóm bạn lập trang web http://baoduongpc.com để rao máy tính cũ trên mạng. "Các cửa hàng bán máy tính cũ ở Hà Nội hiện nay đang hoạt động theo phương thức là vệ tinh của nhau. Cửa hàng nào có khách nhưng thiếu máy thì sẽ đến cửa hàng khác lấy máy về bán. Sửa chữa, trao đổi linh kiện cũng theo phương thức này. Vì thế, hàng hóa tụi mình lấy về chẳng bao giờ ế ẩm".
Tại Hà Nội, các con phố Thịnh Yên, Lê Gia Định, Trần Cao Vân... là nơi mua bán các thiết bị điện tử, cơ khí, băng đĩa lậu sầm uất thuộc loại nhất thủ đô. Đoạn phố dài chừng 100 mét tiếp giáp giữa Thịnh Yên và Trần Cao Vân là trung tâm hội họp của những thợ săn IT chuyên nghiệp.
Hàng hóa ở đây đa phần đồ cũ, gọi là rác máy tính cũng chẳng sai. Thậm chí có cả những món hàng từ thời "thượng cổ" như loại card màn hình to tướng sử dụng khe ISA của hệ máy Pentium 286 sản xuất những năm 1990. Trong đám linh kiện ngồn ngộn ấy thì chỉ có những thợ săn cao tay mới xác định nổi những thứ nào còn có thể xài được.
Địa chỉ mua máy tính giá rẻ: Kim Liên, Lê Thanh Nghị, Thịnh Yên, Trần Cao Vân, Lê Gia Định, Lý Nam Đế... Giá của một số thiết bị cũ: Màn hình: 150.000 - 200.000 đồng. Mainboard: 300.000 - 2.000.000 đồng Ổ CD - ROM: 80.000 - 100.000 đồng Cả bộ CPU: 1 triệu - 2 triệu đồng RAM 128 cũ: 250.000 - 280.000 đồng |
Đối tượng đến mua hàng đa phần là SV và thợ kỹ thuật. ổ cứng 30.000 đồng/cái, bộ nguồn 25.000 đồng, bảng mạch 35.000 đồng... Thoạt nghe rẻ bèo, nhưng xem kỹ mới thấy toàn là đồ hỏng. Người bán thu mua tất cả các máy tính cũ còn nguyên bộ sau đó mổ ra để phân loại. Phế liệu gốc nhựa như vỏ màn hình, bảng mạch xếp riêng, gốc sắt như vỏ CPU được xếp riêng. Khách hàng thì tùy nghi lựa chọn.
Lê Duyên Hà, K42 trường ĐH Xây dựng Thái Nguyên là thượng đế trung thành của khu chợ máy tính cũ này. Mỗi tuần Hà đều dành một ngày nghỉ lặn lội về Hà Nội tìm mua hàng. "RAM cũ là thứ khó kiếm nhất vì mình phải đi gom mỗi cửa hàng một vài thanh chứ không thể đặt mua cả một lô như các linh kiện khác được".
Tìm mua hàng đã khó nhưng mông má, bảo dưỡng lại khó hơn nhiều lần. Hầu hết các tay thợ săn đều có những thủ thuật riêng để "cải lão hoàn đồng" cho những chiếc PC cũ. Ví dụ, mainboard muốn làm mới thì phải rửa bằng xà phòng, sau đó dùng chổi lông để quét khô. Đây là giai đoạn cần sự cẩn trọng và kiên trì, nếu hơi mạnh tay một chút là mainboard có thể bị sứt mẻ hoặc gẫy. Bảo dưỡng chip thì tháo quạt, đổ dầu làm sạch. Màn hình, phải dùng giấy ráp để đánh trắng và lấy nước rửa bát lau sạch những bụi bẩn bám chặt màn xỉn màu. Riêng kính chắn thì dân IT có cách để gỡ lớp màn ngoài, bóc hết vết trầy xước...
Theo SVVN, những thợ săn chuyên nghiệp thường có những bí quyết nghề nghiệp như cho một loại hóa chất đặc biệt vào nước rửa khiến vỏ máy tính sáng choang.
Ngọc Vinh, cựu thành viên của đội tuyển Robocon ĐH BKHN trở thành một thợ săn bất đắc dĩ từ khi tham gia đội tuyển trường. "Tất cả những thiết bị điện tử để chế tạo robot của bọn mình đều là đồ second hand cả nhưng chất lượng cực tốt. Mang tiếng là dân đi bán đồ thải ra nhưng bọn mình đang làm nhiệm vụ cứu nguy cho cái hầu bao lép kẹp của SV đấy chứ". Nếu làm ăn thuận lợi thì mỗi tay thợ săn IT hàng tháng cũng có thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng.