Câu chuyện xảy ra từ khi có dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy chạy qua phường Long Biên. Người dân nơi đây ai cũng hớn hở chào đón cây cầu mới.
Niềm vui chưa được bao lâu thì ngày 23/2, nhiều hộ dân thôn Nha, thôn Trạm như bị sét đánh ngang tai khi nghe UBND phường đọc quyết định thu hồi hơn 70.000 m2 đất để xây dựng khu tái định cư cho những hộ di dân cầu Vĩnh Tuy.
Những người dân ở 2 thôn này đã sinh sống trên mảnh đất của mình từ năm 1992. Nhà của họ đã có tên tổ, tên xóm; cả làng, cả tổng và những người đứng đầu chính quyền địa phương hơn chục năm trước đều biết. Đùng một cái, UBND phường Long Biên làm các phương án đền bù theo giá đất canh tác. Tất nhiên đã là đất canh tác thì bà con phải tự lo chỗ dung thân sau khi mất nhà.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường khẳng định rằng, đất của 2 thôn này là đất canh tác nên họ phải đi và chỉ được đền bù theo giá đất canh tác. Xã không cần biết họ sống ở đó bao lâu.
Hỏi ông Hùng: "Đã biết đất canh tác sao chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn từ hơn 10 năm trước?". Ông Phó chủ tịch lúng túng một hồi và trả lời: “Đây là vấn đề tồn tại của lịch sử để lại”.
Ngạc nhiên thay khi ông Hùng cho xem bản đồ thể hiện đâu là đất thổ cư, đất canh tác. Bản đồ được vẽ năm 1987 lại thể hiện nhiều mảnh đất ở thôn Nha, thôn Trạm là đất thổ cư (có bản đồ gốc vẽ năm 1977 nhưng UBND phường không đưa ra).
Thế nhưng tại bản sao, chúng tôi thấy có nhiều mảnh trên bản đồ vừa được chú thích vào bằng bút bi đỏ ký hiệu “NN”, có số thửa đất nhưng không có tên chủ sử dụng trong danh sách đất thổ cư. Ông Hùng giải thích “NN” là đất nông nghiệp, nhưng tấm bản đồ lại thể hiện là “Bản đồ đất thổ cư”.
Hơn nữa, ngay cạnh UBND phường Long Biên có hàng chục ngàn m2 đất bỏ hoang cho cỏ mọc. Bên cạnh những vạt đất bỏ hoang này cũng có một khu giãn dân (huyện Gia Lâm phê duyệt từ năm 1997, cấp 105 suất đất cho dân và UBND xã lúc đó đã thu tiền đợt 1: 7 triệu đồng/hộ, đợt 2: 30 triệu đồng/hộ) đã được xây dựng đường sá và chia lô từ lâu nhưng hiện nay vẫn... treo.
Hóa ra phường Long Biên không thiếu đất để quy hoạch khu tái định cư đến mức phải “di dời” dân để lấy đất? Theo cách lý giải của ông Phó Chủ tịch: “Hàng chục nghìn m2 đất trên không phải bỏ hoang mà đã chia đất theo Nghị định 64 cho dân, nhưng dân không canh tác. Phường đang dự kiến sẽ quy hoạch thành khu vui chơi giải trí cho nhân dân”.
Sở dĩ khu giãn dân cho đến nay vẫn chưa thực hiện được và để... cỏ mọc là do người dân phát hiện và tố cáo có 17 suất “đất ngoại giao”. Ông Hùng nói: “Quận đã có văn bản đình chỉ không cấp 17 suất đất này nữa”. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được nhìn thấy văn bản đó, liền được đáp “không tìm thấy”.
Đất biệt thự “quan” giữa làng là đất thổ cư
Chúng tôi không nhắc tới chuyện ông Thẩm Bá Phước, người đã bị Thanh tra thành phố Hà Nội kết luận có nhiều sai phạm, làm thất thoát hàng tỷ đồng từ khóa làm chủ tịch xã trước đây. Cũng không nhắc tới vì sao đã sai phạm thế rồi nhưng ông vẫn tiếp tục trở thành Chủ tịch UBND phường khóa này; rồi hàng loạt ao làng chính quyền lấp, biến thành đất thổ cư và bán như thế nào.
Chỉ xin nhắc tới một nghịch lý đang diễn ra giữa những người dân chân lấm tay bùn. Đành rằng, đất của dân đã định cư 15 năm là đất canh tác thì đương nhiên đất nhà ông chủ tịch giữa làng cũng như thế. Thế nhưng, lô đất mang số 445 nhà ông Thẩm Bá Phước lại hiển nhiên nằm trong bản đồ đất thổ cư.
Ngôi biệt thự của ông nổi lên đồ sộ giữa làng (tuy đã là phường nhưng trong phường vẫn có nhiều phân trâu, phân dê nên bà con vẫn gọi là làng). Chính Phó Chủ tịch phường cũng khẳng định đất nhà ông Phước là đất thổ cư, không phải đất canh tác.
Người dân bị thu đất xót ruột kéo lên xã hỏi cho ra nhẽ, nhưng lần nào cũng được giải thích quanh co và cho rằng họ chỉ biết làm theo chủ trương của thành phố. Thêm vào đó là những lần cán bộ đến từng nhà, cơ quan công tác của các hộ dân để thúc ép nhận tiền đền bù.
Vợ anh Thẩm Văn Thắng là giáo viên cũng bị cán bộ dự án đến tận trường “thăm hỏi”. Mẹ con chị Nguyễn Thị Minh, gia cảnh mẹ góa con côi sống trong căn nhà lụp xụp. Ban ngày 2 mẹ con đi làm thuê, tối mịt mới về. Cả hai mẹ con đang lo nay mai bị thu đất, thu nhà thì sẽ trú ngụ ở đâu.
Những người dân phường Long Biên tâm sự: Họ mong đợi cây cầu đẹp chóng được khởi công để bà con qua sông không bị tắc đường, nhưng họ cần sự giải thích thấu đáo từ phía chính quyền địa phương các cấp.
Một dự án giãn dân xây xong hạ tầng rồi để đó nhiều năm. Một ý tưởng xây dựng khu vui chơi, giải trí rộng hàng chục nghìn m2 đất. Còn những người dân chân lấm tay bùn sắp mất nhà mà không biết ở đâu.
(Theo Tiền Phong)