Ở Sài Gòn trước đây cũng có người thích ăn thịt cóc, nhưng chủ yếu nhờ bạn bè, họ hàng, người quen mua... thịt cóc đóng hộp của các công ty ở Hà Nội.Vì vậy, đã hình thành một mạng lưới "chân rết" bán thịt cóc tại Sài gòn mà đa phần họ là những người từ ngoài Bắc vào. "Đại bản doanh" thịt cóc năm ở một xóm trọ gần Bến xe Miền Đông. Ở khu xóm trọ này, tập trung trên 30 người đi bán thịt cóc, họ đều là người ở Đội 12, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nên hầu hết người đi bán cóc đều là anh em họ hàng hoặc chòm xóm quen biết nhau cả. Trong "Đội 12, xã Thọ An" di cư nho nhỏ đó, ông Nguyễn Văn Thành, 52 tuổi là người lớn tuổi nhất được tín nhiệm làm tổ trưởng. Ông. Lúc đó, đã gần 11 giờ đêm, ngoài trời đang rả rích mưa. Ngoài hiên, chỗ mấy chục chiếc xe đạp và giỏ nhốt cóc dựng thành hàng vang lên tiếng cóc kêu "Coóc! Coóc...". Ngồi bên ông Thành mặc chiếc áo bạc phếch, là anh con trai tên Nam, 30 tuổi. Ông Thành bảo rằng, con cóc ông bán là loài cóc ở hai bên bờ sông Hồng, vì chỉ có giống cóc ăn muỗi mòng, cào cào, châu chấu ở bãi đay bãi đậu bên hai bờ sông Hồng thì thịt mới vàng, mới... ngon. Cóc được các đầu mối gom lại từ những người bắt cóc đêm, sau đó các đại lý sẽ gom "hàng" gửi vào Sài Gòn bằng xe vận tải, từ Bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Mỗi chuyến như vậy vận chuyển khoảng 1-2 tạ cóc. Trung bình một người đi bán cóc mỗi ngày bán được 1 kg thịt chà bông cóc (10 kg cóc sống làm được 1 kg chà bông cóc, giá từ 800.000 - 1.200.000 đồng/kg) hoặc 15 - 20 kg thịt cóc sống. Ông Thành cho biết, thịt cóc được thu gom, mua bán qua một mạng lưới chân rết trải dài ở hầu hết các tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Cẩm Phả... đến Thanh Hóa, Nghệ An, Vinh, Đà Nẵng... Giá cóc trên thị trường là 80.000 đồng/kg. Riêng Sài Gòn là thị trường mới, nên giá "làm quen" ở trên dưới 70.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, trừ tiền nhà, tiền chi phí thì mỗi người bán thịt cóc lời khoảng 500.000 đồng - 600.000 đồng, tương đương thu nhập một công nhân bình thường. Bán cóc không phải là nghề thời vụ như nhiều người nghĩ. Ông Thành khẳng định, những người bán cóc ở đây đều "chuyên nghiệp". Chỉ tay vào con trai, ông Thành nói: "Nếu tính đến đời con tôi đây thì nghề này được truyền qua bốn đời rồi!". Khi PV Thanh Niên hỏi bố con ông Thành về mối lo ngại về mật cóc và trứng cóc độc không thua gì mật cá nóc, nhỡ khi làm mà không cẩn thận thì ăn vào mất mạng như chơi? Ông Thành tỏ ra rất tự tin: "Thịt cóc là con dao hai lưỡi, nếu người không biết, không phải là thợ thì đừng nên làm. Làm thịt cóc không được động đến phần nội tạng. Mật cóc, trứng cóc, da cóc, “phao câu" cóc phải bỏ sạch đi”. Ở Sài Gòn trước đây cũng có người thích ăn thịt cóc, nhưng chủ yếu nhờ bạn bè, họ hàng, người quen mua... thịt cóc đóng hộp của các công ty ở Hà Nội. Bản thân ông Thành cũng từng được các công ty mời làm thịt cóc và hướng dẫn kỹ thuật làm thịt cóc. Nhưng xu thế hiện nay là khách hàng muốn mời thợ làm cóc sống ngay tại nhà. "Sở dĩ mọi người có nhu cầu về thịt cóc do trong thịt cóc có nhiều chất bổ dưỡng, thần diệu "độc quyền" giấu kín sau lớp da sần sùi, xấu xí mà chỉ có giống loài này mới có", ông Thành lý giải.
Anh Nam "kê đơn": "Cóc sau khi mổ rửa sạch sẽ cho vào nồi đun sôi hết nước, lấy cùi dìa (vá) chà đi, chà lại cho thịt bong lên. Sau đó, lọc lấy xương bỏ vào máy sinh tố nghiền thành bột, rồi trộn với thịt chà bông cóc. Trẻ con bị ra mồ hôi trộm, bụng ỏng đít teo, suy dinh dưỡng, tóc mọc ngược... cho ăn khoảng nửa muỗng cà phê mỗi bữa độ vài tháng sau là tì vị tốt, khỏi bệnh. Người lớn bị đau lưng thì ăn cháo cóc, người nhậu thì ưa thịt cóc tẩm bột chiên giòn...". Xem ra thịt cóc bổ béo thế mà thực đơn món cóc còn quá sơ sài. Nhưng nếu nói: "Xì! Con cóc nhìn xấu xí thấy mồ..." thì biết đâu dân nhậu cũng trúng kế "ngụy trang" của cậu ông trời! Trong khi còn chờ dân nhậu phong thịt cóc lên hàng... đặc sản sánh ngang cùng rắn, dế, bò cạp... thì nghề bán cóc của ông Thành, anh Nam, chị Tốt... vẫn lấy công làm lời. Từ Bắc vào Sài Gòn, họ mua những chiếc xe đạp giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng làm phương tiện, còn "đồ nghề” là một con dao, một cái vá chà thịt và một... tấm bảng Bán thịt cóc - làm chà bông tại nhà. Sáng sáng, 6-7 giờ dắt xe ra khỏi nhà. Mỗi ngày đội mưa đội nắng, cong lưng đạp xe rong ruổi qua từng ngõ hẻm, con phố, có khi đến 10 - 11 giờ đêm mới về đến nhà ăn bữa cơm tối. Nếu như ý nghĩ ở Sài Gòn không thiếu các loại dinh dưỡng, thực phẩm bổ dưỡng, dược phẩm... mà vẫn cần món thịt cóc khiến tôi thú vị bao nhiêu, thì buổi cơm cuối ngày bên tô thịt ít mỡ nhiều cạnh dĩa rau muống luộc của chị Tốt, chị Hằng, chị Mùa, chị Lượng cũng làm tôi khó quên bấy nhiêu. Đêm càng khuya, trời vẫn rả rích mưa. Ngoài hiên vẫn vọng lên tiếng cóc kêu đều đều, buồn buồn: "Coóc ! Coóc...". Anh Nam nói: "Từ lúc vào đây ngày nào tôi cũng bán được cóc. Tình hình này chắc tôi sẽ gọi luôn vợ tôi đang bán cóc ngoài Bắc vào đây. Mà dự tính năm sau vào Sài Gòn này chắc không dưới 200 người bán cóc...". Nếu mạng lưới chân rết cứ mở rộng với mức tiêu thụ cả nước thế này, không khéo đến ngày bọn cóc bên bờ sông Hồng tuyệt tự như chơi. |