Ngày 5/6/2003, bé Quỳnh Như cất tiếng khóc chào đời. Nhìn con ôm bầu sữa mẹ, anh Văn Minh và chị Thúy Hiền cười hạnh phúc. Họ thầm mong con gái bé bỏng sẽ trở thành cô gái xinh đẹp, hoàn hảo. Mọi chuyện chỉ bình thường đến năm Như 1 tuổi. Khi bé bắt đầu ê a gọi cha, gọi mẹ, kêu bà cũng là lúc anh Minh chị Hiền nhận thấy những khác biệt của cơ thể.
Mới hơn 1 tuổi, những vòng một của bé Như phát triển bất thường. Cả gia đình cứ tưởng Như đang tuổi lớn nên lên cân. Thế nhưng, mỗi khi có ai đó chạm mạnh vào ngực là bé Như khóc thét lên, mách với mẹ cha: "Đau...". Một lần, chị Hiền thử nhấn nhẹ vào, thấy cồm cộm như ngực con gái dậy thì. Hai vợ chồng giật mình.
Lo lắng cho con nhưng nhà nghèo, phải chạy ăn từng bữa, anh chị đành nhắm mắt cho qua, hy vọng "nó tự hết". Cứ thế, đến năm 2 tuổi, ngực bé Như đã tròn ung ủng như quả quýt, hông nẩy nở và cao hơn so với các bé cùng tuổi. Vào tháng 10/2005, đang loay hoay phụ hồ cho người ta, anh Minh nhận được điện thoại của mẹ: "Mày về coi, con mày... Tự nhiên nó ra máu quá trời. Tao sợ quá..."
Anh tức tốc bỏ việc chạy về. Bé Như đang đứng ở góc nhà, ê a với chú gấu bông cũ sờn. Ở đũng quần Như mặc lấm tấm những đốm máu như phụ nữ "có tháng". Lo sợ con mình bị ai đó làm nhục nên chảy máu, anh Minh và chị Hiền vội lót khăn giấy cho con rồi bế Như đến trạm xá. Bác sĩ ở đây cho rằng có lẽ do con nít chạy chơi, vướng đâu đó nên bị rách. Anh chị thở phào nhẹ nhõm.
Bắt đầu từ đó, suốt sáu tháng qua, Như ra huyết trắng rồi có kinh nguyệt đều đặn như một thiếu nữ dậy thì. Ban đầu, anh chị không biết làm sao để giúp con. Họ cứ thay quần cho bé liên tục. Sau đó thấy không ổn, anh bàn với vợ lót khăn giấy nhưng khăn giấy lại quá mỏng.
Thay loại băng lớn thì cô bé cứ như "đánh vật" với nó. Như không thể chạy chơi thường khó chịu ngứa ngáy. Cuối cùng, người cha phải nghĩ ra loại "có cánh" để giúp con. Anh dùng hồ, băng keo dán miếng bông gòn lên miếng băng mòng nhỏ để bé Như dùng.
"Mỗi lần thấy con như vậy tôi lại xót xa... Thay băng, rửa ráy cho nó mà lắm lúc người làm cha như tôi bật khóc vì thấy mình bất lực quá..." anh Minh nói với tôi. Thế nhưng điều khiến anh chị mất ăn mất ngủ nhất là: "Với cơ thể nẩy nở của con tôi, kẻ bất nhân dễ có ý đồ xấu, nó còn quá nhỏ, biết gì mà tự vệ".
Vì thế, gia đình họ cứ phải đóng cửa suốt, không dám cho Như ra đường chơi. Thương con vô cùng nhưng anh chị không biết làm gì. Mỗi lần nghĩ đến việc chữa bệnh cho con là ruột gan vợ chồng anh rối bời. Chị Hiền làm công nhân cho một xưởng giày da, việc và lương bấp bênh theo kinh tế thị trường. Còn anh, một chân bị tật khiến anh khó tìm việc. Anh đành ở nhà, ai kêu gì làm nấy. Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng cao nhất chỉ 1.500.000 đồng/tháng.
Tháng 10/2005 sau khi vay mượn lối xóm, cha con anh đón xe buýt lên TP HCM chữa bệnh. Họ đã đi khắp các bệnh viện nhưng nguyên nhân bệnh của Như vẫn là con số 0.
Ngồi trước hành lang bệnh viện anh Minh nhẩm tính số tiền: "Dù bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 có hứa miễn giảm viện phí cho, tôi cũng không đủ tiền chữa bệnh. Chỉ riêng thuốc của 7 năm thôi đã lên đến 200 triệu, mà tiền thuốc thì đâu có được miễn giảm...".
Giá của một ống thuốc khoảng hơn 2 triệu đồng và phải tiêm trong 7 năm với liều lượng 1lần/tháng.
Trong bóng chiều vạng, người cha ôm đứa con gái vào lòng, mắt đỏ hoe. Anh nói với tôi: "Người ta đùa tôi: Chắc mày phải đi ăn cướp mới đủ tiền chữa bệnh cho con..."
Nếu không chữa, bé Như sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao và những biến chứng bất thường của cơ thể không thể lường trước được.
Tất cả những gì họ đang mong chờ là lòng hảo tâm của những trái tim nhân ái.
(Theo Tiếp Thị Gia Đình)