Những ngày này, nhà Đặng Lê Huỳnh Trang nằm trong xóm nhỏ đội 11, thôn Việt Sơn, xã Bình Trị người ra vào nhộn nhịp. Tiếng nói cười chúc mừng Trang vượt qua căn bệnh tật hiểm nghèo, bởi từ đêm 12/12, Trang xuất viện sau hơn ba tháng điều trị.
Trong căn nhà cấp bốn, Trang ngồi trên xe lăn ở phòng khách hướng mắt ra sân. Thấy mọi người đến, cô nở nụ cười, miệng ú ớ thay cho lời chào hỏi, vì chưa nói rõ tiếng. Bà ngoại của Trang tên Hai đến gần hỏi, "có biết ai đây không con?". Cô gái trả lời bằng cách đưa hai ngón tay, ý nói là bà Hai. Lần lượt những người khác, Trang đều biết và nhớ tên của họ. Một số người khác đến gần, Trang nắm bàn tay để thay lời cảm ơn.
Trang là chị cả trong gia đình có 3 chị em, thuộc diện hộ cận nghèo. Mẹ Trang, bà Lê Thị Hương canh tác 4 sào ruộng nuôi cả gia đình. Còn bố cô, ông Đặng Quốc Tuấn (41 tuổi) hơn 10 năm trước trong một lần làm việc đào hầm vàng bị ngạt khí. Ông Tuấn thoát chết nhưng mang trong mình căn bệnh bụi phổi, mất sức 81%, mỗi tháng nhận 400 nghìn trợ cấp. Trái gió trở trời, ông Tuấn thở máy oxy, lúc nặng thì nhập viện điều trị. Người đàn ông trụ cột của gia đình mỗi ngày trôi qua chỉ quanh quẩn lo cơm nước cho người thân, không làm được công việc nặng.
Hoàn cảnh gia đình nông dân này khó khăn nhưng đổi lại ba người con kết thúc mỗi học kỳ đều dành học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Trang tốt nghiệp cấp 3 mấy tháng trước đậu Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nhưng xin đi làm vì không có điều kiện để học. Cô vào TP HCM làm thuê tại quán trà sữa, kiếm tiền gửi về trợ giúp mẹ.
Ngày 6/9, cô đang làm việc thì ngất xỉu, liệt và hôn mê sâu. Bác sĩ xác định cô bị xuất huyết não, tiên lượng sống rất thấp. Sau điều trị, Trang không đáp ứng thuốc, nên gia đình xin về để lo hậu sự. Về đến quê ngày 9/9, còn cách 6 ngày nữa đến sinh nhật của Trang.
Bạn bè, người thân lo sợ Trang không sống đến ngày đó, nên mua bánh, nến, kẹo tổ chức sinh nhật sớm tròn 18 tuổi. Hôm đó, thay cho những nụ cười, lời chúc là những giọt nước mắt.
Lúc đó, một người cậu đến gặp bất ngờ phát hiện mấy ngón tay của Trang cử động sau nhiều ngày tê liệt. Người cậu nói với cha mẹ cô "còn nước, còn tát". Ông bảo mọi người nhanh chóng đưa Trang ra Bệnh viện Trung ương Huế thăm khám, điều trị để sau này có chuyện xấu xảy ra không phải hối hận.
Bố Trang đến gần con gái nằm bất động trên giường, đang thở bình oxy, hỏi: "Con đồng ý tiếp tục nhập viện thì cho mọi người biết". Bất ngờ xảy ra - Trang gục đầu ba cái. Hiểu được ý con gái nên gia đình đưa đi viện.
Tại đây, các bác sĩ đã hỗ trợ tất cả các thiết bị hiện đại nhất để cứu chữa cô. Sau gần một tháng điều trị, Trang phục hồi dần, từ chỗ nằm tê liệt, cô mở được mắt phải, nửa thân người bên trái cử động. Hai tháng tiếp theo, cô dần phục hồi, tự thở không cần máy, tay chân cử động và nhận biết, tuy chưa nói được.
"Các bác sĩ yêu cầu ở lại bệnh viện để điều trị phục hồi chức năng nhưng Trang mong muốn được về nhà. Theo lịch trình định kỳ, mỗi tháng đến khám lại", bà Hương nói. Trang về nhà nhưng bà Hương phải túc trực thường xuyên để chăm sóc, bởi chồng đau ốm, không phụ giúp được. Bà cầu mong con gái sớm đi lại được để ở nhà với bố trông coi, còn bà lo gánh vác kinh tế.
Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết, đây là trường hợp hy hữu. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã hồi phục, có thể nhận biết, cử động được chân tay bị liệt, biết đau... "Y văn thế giới đã ghi nhận, còn tại khoa chúng tôi thì lần đầu tiên tiếp cận trường hợp một bệnh nhân bị xuất huyết não, hôn mê sâu... mà lại vượt qua được", ông Hùng nói.