Theo News.co.au, tai nạn máy bay thảm khốc đã xảy ra vào đêm 25/12/1971. Chuyến bay số hiệu 508 của hãng Lansa chở 92 người từ thủ đô Lima của Peru tới thành phố Pucallpa nằm trong rừng nhiệt đới Amazon gặp tai nạn do bão và rơi từ độ cao gần 4 km.
91 người trên máy bay thiệt mạng, chỉ có duy nhất Juliane Koepcke (khi đó 17 tuổi) thoát chết. Juliane đi cùng mẹ, bà Mariato, tới Pucallpa để gặp bố, ông Hans-Wilhelm. Cả ba là một gia đình người Đức sống ở Peru. Bố mẹ của Julian là nhà động vật học và làm việc tại một tiền đồn nghiên cứu trong rừng.
Vài giờ trước chuyến bay, Juliane đã trải qua lễ tốt nghiệp trung học đẹp đẽ ở trường. Hai mẹ con Juliane định tới đoàn tụ với ông Hans-Wilhelm trong dịp Giáng sinh và năm mới. Tuy nhiên, khi đi qua vùng bão, máy bay bị sét đánh trúng.
"Mẹ tôi và tôi nắm tay nhau nhưng chúng tôi không thể thốt ra lời nào. Những hành khách khác bắt đầu khóc lóc, la hét", Julian kể lại với BBC vào năm 2012.
"Sau khoảng 10 phút, tôi thấy một tia sét chói lòa đánh vào động cơ bên trái. Mẹ tôi bình tĩnh nói: 'Thế là xong rồi!'. Đó là những lời cuối tôi nghe được từ bà ấy", Julian kể tiếp.
Khi ngọn lửa bùng lên, một bên cánh máy bay bị bung ra và chiếc máy bay bắt đầu mất kiểm soát, lao tự do về phía rừng rậm bên dưới. Tất cả 86 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn dường như đều phải chịu chung một số phận.
Juliane vẫn ngồi nguyên trên ghế, thắt dây an toàn khi chiếc máy bay rơi. Sau cú rơi kinh hoàng từ độ cao gần 4 km, Juliane ngất đi và tỉnh dậy vào sáng hôm sau. "Tôi bị chấn động nghiêm trọng, vì vậy tôi không thể ngồi dậy, mắt tôi sưng vù. Tôi bị cái ghế của mình đè lên trên", Juliane nhớ lại.
Thiếu nữ 17 tuổi bị gãy xương đòn, cẳng chân bị gãy một phần và có vết thương trên cánh tay. Phải mất nửa ngày Juliane mới lấy lại sức để đứng dậy và đi bộ loanh quanh tìm sự giúp đỡ. Cô gái sống sót nhờ một túi kẹo tìm thấy giữa đống đổ nát.
Vốn đã quen thuộc với rừng rậm Amazon nhờ đi theo bố mẹ từ nhỏ, Juliane nhớ lại hướng dẫn cách sinh tồn giữa rừng của bố để men theo một dòng sông.
Vào ngày thứ tư sau tai nạn, Juliane tình cờ trông thấy xác của một vài nạn nhân nhưng vẫn chưa tìm thấy mẹ mình. Juliane vừa tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ vừa chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và mưa gió thất thường.
Thiếu nữ 17 tuổi nhận ra ruồi đã đẻ trứng vào vết thương trên cánh tay khiến hàng chục con giòi nở ra và ăn một lỗ xuyên qua miệng vết thương. Sau 10 ngày, cô gái trẻ mới gặp một chiếc thuyền máy trên sông và một thùng nhiên liệu diesel. Juliane đã sử dụng dầu diesel để khử trùng vết thương.
Cô ở lại trong một cái lán nhỏ và được một nhóm công nhân địa phương tìm thấy, 11 ngày sau vụ tai nạn. Các công nhân cho Juliane ăn, giúp cô gái điều trị vết thương và đưa đến bệnh viện, nơi cuối cùng Juliane cũng được đoàn tụ với bố.
"Ông ấy hầu như không biết nói gì và trong khoảnh khắc đầu tiên, chúng tôi chỉ ôm chầm lấy nhau. Vài ngày sau đó, ông điên cuồng tìm kiếm tin tức về mẹ tôi. Vào ngày 12/1/1972, họ tìm thấy xác bà", Juliane nói.
Bà Mariato cũng sống sót sau cú rơi của máy bay nhưng bị thương nặng và không thể di chuyển. Bà chết vài ngày sau đó.
Các nhà điều tra của Peru phát hiện ra nguyên nhân vụ tai nạn do hãng hàng không cố ý bay, bất chấp điều kiện thời tiết nguy hiểm do nhu cầu khách hàng tăng trong dịp nghỉ lễ.