Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), kể lại sự việc cùng bác sĩ, bệnh nhân đồng thời cho biết ngay sau khi bị đầu kim tiêm chui vào miệng thì thấy đau nhói ngực. Nghi ngờ dị vật đi lạc vào đường thở, các bác sĩ tiến hành chụp X-quang.
Kết quả không ngoài dự đoán, cây kim tiêm được xác định nằm tại phế quản. Sau hơn 15 phút thủ thuật, các bác sĩ đã gắp chiếc kim tiêm dài khoảng 5 cm ra khỏi phổi. Đến sáng 27/4, sức khỏe của bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thượng Vũ, Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết đây là trường hợp khá hy hữu bởi thông thường, khi di vật rơi vào miệng, phản ứng của cơ thể sẽ là ho sặc để tống ra ngoài. "Rất may mắn là bệnh nhân được đưa đến bệnh viện can thiệp sớm. Nếu để lâu, kim tiêm có thể gây tắc nghẽn dẫn đến nhiễm trùng hoặc kim di chuyển chọc thủng khí phế quản", một bác sĩ nói.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Vũ khuyên phụ huynh nên cẩn trọng, không để trẻ em đùa nghịch với ống tiêm, kim tiêm hay thuốc và các dụng cụ y tế có thể gây sát thương, ngộ độc. Cha mẹ nên dặn dò con khi nghịch đồ chơi không nên nằm để phòng tránh nguy cơ một bộ phận nào đó của đồ chơi rơi vào miệng và trôi xuống sâu hơn sẽ rất nguy hiểm.
Thiên Chương