Thèm bánh ngọt - thiếu vitamin B
Thường xuyên thấy thèm đồ ăn ngọt có thể là dấu hiệu của việc cơ thể thiếu phức hợp vitamin B. Nhóm chất này đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein thành năng lượng. Điều này rất quan trọng để duy trì tỷ lệ trao đổi chất cơ bản. Đồng thời, vitamin nhóm B còn giúp giảm mệt mỏi, hạn chế uể oải cũng như phục hồi cơ bắp. Trong trường hợp này, hãy thay thế bánh ngọt bằng món yến mạch, chuối hoặc các loại hạt.
Thèm đồ nướng - thiếu carb
Carbohydrate là nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Việc thiếu carbohydrate sẽ dẫn đến mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và thay đổi tâm trạng. Nên thay thế carbohydrate tinh chế bằng carbohydrate chất lượng cao, như gạo lứt, yến mạch... hay các loại thực phẩm nguyên mẫu: khoai lang, bí ngô. Ăn đủ carb trong bữa sáng và bữa trưa là cách hiệu quả để bạn có đủ năng lượng làm việc cả ngày và kiểm soát khẩu phần ăn của bữa tối hơn.
Thèm đồ chiên rán - thiếu canxi
Thiếu canxi sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến xương, răng, cơ, thần kinh và quá trình trao đổi chất. Bổ sung canxi hợp lý không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn tốt cho việc kiểm soát cân nặng của cơ thể. Thực phẩm giàu canxi bao gồm các sản phẩm từ sữa, đậu nành, các loại hạt. Canxi có thể giúp giảm sự hấp thụ chất béo ở ruột, duy trì chức năng tuyến giáp khỏe mạnh.
Thèm ăn mì - thiếu nguyên tố vi lượng
Khi thèm các món ăn liền như mì tôm, thịt nguội... có thể là tín hiệu của việc thiếu hụt nguyên tố vi lượng (sắt, kẽm, đồng, mangan, iod...), các axit amin. Những chất dinh dưỡng này đều tham gia vào quá trình trao đổi chất. Cơ thể có đủ các nguyên tố vi lượng cần thiết sẽ hạn chế tình trạng phù nề, năng lượng và đốt cháy chất béo hiệu quả hơn, thậm chí là duy trì cảm giác no lâu hơn. Bổ sung các loại hạt như hạt vừng, hạt hướng dương, rau củ quả... là cách đơn giản để bổ sung các nguyên tố vi lượng cho cơ thể.
Duk Sun (Theo Woman)