![]() |
Nói là T+3, nhưng thực chất đến ngày T+ 4 (5 ngày sau khi giao dịch) NĐT mới có thể bán lại khối lượng CP mà mình đã mua hoặc sử dụng tiền đã bán CP để đầu tư tiếp. Lý do là đến chiều ngày T+3 NĐT mới nhận được tiền vào tài khoản hoặc nhận được CP và đến T+4 họ mới có thể sử dụng để giao dịch tiếp. Như vậy, nếu ngày T nhằm vào phiên giao dịch đầu tuần (ngày thứ 2) thì NĐT còn có cơ hội bán lại CP đã mua, hoặc dùng tiền bán CP để đầu tư tiếp vào phiên cuối tuần (thứ 6). Nếu mua bán vào các phiên giao dịch khác trong tuần (từ thứ 3 trở đi), thì phải chờ đến tuần sau. "Điều này hết sức bất lợi cho chúng tôi. Chúng tôi bị mất nhiều cơ hội vì không thể phản ứng nhanh trước những thông tin thị trường", ông H., một NĐT tại công ty CK NH Phát triển nhà ĐBSCL, cho biết. Quy định T+3 còn làm cho NĐT bị thiệt thòi trong việc sử dụng vốn đầu tư của chính mình. Người mua CP bị trích tài khoản ngay lập tức để thanh toán giao dịch; nhưng người bán phải chờ đến chiều ngày T+3 mới nhận được tiền vào tài khoản. Để có vốn đầu tư tiếp, nhiều người phải "tạm ứng" của công ty CK hoặc vay NH. Hiện nhiều công ty CK có dịch vụ "tạm ứng" cho khách hàng đã bán CP ngay trong ngày T, đến ngày T+3 công ty sẽ trừ lại vào tài khoản khách hàng. NĐT phải trả lãi 4 ngày với lãi suất tương đương với lãi suất cho vay của NH (khoảng 1%/tháng). Một số NH năng động đã nhìn thấy cơ hội này và mở dịch vụ cho vay. Eximbank chẳng hạn, vào đầu tháng 5 này đã mở dịch vụ "cho vay thanh toán ngày T". Giải thích về quy định thanh toán T+3, ông Lê Hải Trà, Phó giám đốc TTGDCK TP HCM, cho biết, sau mỗi phiên giao dịch, các cơ quan có liên quan phải xử lý một loạt rất nhiều công việc để tiến hành thanh toán bù trừ. (Theo Lao Động) |