Một thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện. (saomainet) |
"Một thiết bị nhỏ xíu, chỉ nhỉnh hơn bao thuốc lá một chút, giá lại "bèo", chỉ hơn chục nghìn đồng nhưng khi cắm vào bất cứ nguồn điện nào đang sử dụng, đều có thể làm chậm đồng hồ và giảm được 15-40% mức tiêu thụ điện năng". Một thời, lời quảng cáo của giới buôn bán đồ điện ở các chợ vùng biên Việt - Trung khiến dân Hà Nội đổ đi lùng loại thiết bị kỳ diệu này về sử dụng. Nay, khi giá điện ngày một tăng, các loại thiết bị trên lại càng có dịp "khẳng định vị trí". Các cơ sở trong nước cũng nhảy vào lĩnh vực này và quảng cáo cho sản phẩm của mình là tiết kiệm điện.
Tiến sĩ Lê Huy Bình, Ban Khoa học công nghệ, môi trường và viễn thông - Tổng công ty điện lực Việt Nam, cho biết có thể phân loại các thiết bị tiết kiệm điện hiện có trên thị trường thành 2 loại. Một có xuất xứ từ Trung Quốc, được bán chủ yếu ở các chợ vùng biên. Loại này có hình dáng nhỏ gọn, có tờ hướng dẫn sử dụng bằng hai thứ tiếng Việt, Trung, giá rẻ, nhưng không có cơ sở để khẳng định là có khả năng tiết kiệm điện. Thậm chí, chúng còn tiêu thụ thêm điện năng để thắp sáng chiếc đèn nhỏ mà người tiêu dùng có thể nhìn thấy ở mặt trước của thiết bị. Bên trong lớp vỏ là một điện trở hoặc một tụ điện gắn với một cục xi măng. Không chỉ quảng cáo bằng lời, người bán còn biểu diễn trực tiếp cho người xem. Khi thiết bị trên được cắm vào, lập tức chiếc công tơ điện quay chậm lại trước bao con mắt kinh ngạc.
"Đó chỉ là tiểu xảo của người bán nhằm lừa đảo khách hàng. Chúng tôi đã mua thử một số thiết bị về thử nghiệm thì thấy chúng chẳng có bất cứ tác dụng gì", ông Bình khẳng định.
Còn một loại thiết bị thứ hai hoạt động theo nguyên lý tích trữ điện năng để dùng khi cần thiết. Có cơ sở để nói rằng đây là một loại thiết bị tiết kiệm điện, nhưng chỉ tiết kiệm trong một số hoàn cảnh đặc biệt: đó là tích điện lúc này để lúc khác dùng (như một loại ắc quy). Ở một số nước bán điện với giá khác nhau theo từng thời điểm, người ta dùng loại máy này tích lượng điện bán ra lúc giá rẻ để dùng cho thời điểm giá điện đắt, vì thế giảm được chi phí. Tuy nhiên, loại thiết bị này chưa cần thiết với nước ta, vì chúng ta đang chưa có hình thức phân loại giá điện theo thời điểm. Vì thế, theo ông Lương Văn Phan, không thể gọi đây là thiết bị tiết kiệm điện mà chỉ là thiết bị tích trữ điện năng mà thôi. Về mặt khoa học, không thể chế tạo được một loại thiết bị có khả năng giảm mức tiêu thụ điện năng, và nếu có, đó chỉ là thiết bị ăn cắp điện.
Từ những năm 1980, các loại thiết bị ăn cắp điện tương đối phổ biến, nhất là khi đồng hồ đo điện được gắn trực tiếp trong mỗi nhà. Chỉ cần một số tiểu xảo là người tiêu dùng có thể ăn cắp kha khá. Tuy nhiên, từ khi đồng hồ đo được chuyển lên cao, gắn công khai trên cột điện, hành vi ăn cắp hầu như không còn nữa. Ông Phan cũng khẳng định, những loại thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện hiện có trên thị trường chỉ là một hình thức lừa đảo người tiêu dùng của cả nhà sản xuất và người bán hàng. Người tiêu dùng không nên tin vào chúng để rồi lại phải chi một khoản vô nghĩa.
Thay vì trông chờ vào những loại thiết bị tiết kiệm điện, người tiêu dùng nên tự có ý thức tiết kiệm bằng cách tắt điện khi ra khỏi nhà, không bật quá nhiều đèn vào giờ cao điểm.
(Theo Khoa Học & Đời Sống)