Bà chủ Dung đang chào hàng Double Rich nhái. |
Chỉ với 1 triệu đồng trong túi, bạn có thể mua được... một đống mỹ phẩm các loại từ son, phấn, dầu gội đầu, kem dưỡng da, nước hoa, sữa tắm... của những thương hiệu danh tiếng nhất thế giới như Chanel, Gucci, Double Rich, Cararno, Shiseido, Nivea, Olay... Đó là giá bán tại các cửa hàng trong đại siêu thị mỹ phẩm Xing Fa Plaza (Quảng Châu, Trung Quốc). Chỉ có điều tất cả những thứ ấy đều là hàng nhái.
Từ nơi này, mỹ phẩm nhái đã được đưa tới nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Đi xem thực tế ở một số xưởng sản xuất và chợ mỹ phẩm nhái ở Quảng Châu mới biết ở Việt Nam từ nhiều năm nay, người tiêu dùng đã phải mua nhiều loại mỹ phẩm hàng hiệu "Made in Quảng Châu" với giá cắt cổ...
Từ Bằng Tường (cách cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn 20 km) chỉ mất đúng một đêm nằm trên xe khách tốc hành, vượt chặng đường 1.600 km để tới thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông.
Vào thế kỷ VIII, ở Quảng Châu đã tràn ngập hàng hóa của nước ngoài và cũng là chốn ăn chơi nổi tiếng của những người lắm tiền... Nhưng đó là chuyện của một thời dĩ vãng, còn bây giờ, Quảng Châu không chỉ là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của tỉnh Quảng Đông mà còn được biết tới là nơi có nhiều lò sản xuất hàng nhái, bởi đến đây người ta có thể mua được bất cứ thứ gì, từ hàng điện tử, điện máy, quần áo, giày dép và đặc biệt là mỹ phẩm của những hãng danh tiếng nhất thế giới với giá rẻ như bèo.
Riêng về mỹ phẩm, Quảng Châu có hai cái nhất, đó là có nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất mỹ phẩm nhất (theo ước tính thì có... hàng trăm cơ sở sản xuất) và có chợ buôn bán mỹ phẩm lớn nhất Trung Quốc, thậm chí lớn nhất thế giới, là Xing Fa Plaza.
Sở dĩ Quảng Châu có nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm bởi trên thế giới Quảng Đông là một trong hai nơi có nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất mỹ phẩm tốt nhất. Vì vậy ngay cả những hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới cũng phải nhập một số nguyên liệu từ đây.
Từ bến xe Việt Tú Nam, chỉ mất 30 phút đi taxi, chúng tôi đã tới Xing Fa Plaza. Tọa lạc trên khu đất rộng có lẽ tới hơn chục ngàn mét vuông ngay trung tâm thành phố, Xing Fa Plaza là một đại siêu thị mỹ phẩm lớn vào loại nhất nhì thế giới với cả ngàn kiốt. Tới đây, chỉ cần đi một vòng là có thể mua đủ các loại nguyên liệu, máy móc để mở một trung tâm thẩm mỹ bởi ở đây người ta bán từ miếng bông tẩy trang tới son phấn, dầu gội đầu, kem dưỡng da, dược liệu... tới các loại máy móc phục vụ làm đẹp.
Là chợ bán buôn nên các kiốt chỉ mở cửa từ 9h tới 18h. Đã thành thông lệ, hằng năm tại Xing Fa Plaza này đều tổ chức hai lần Hội chợ mỹ phẩm vào đầu năm và cuối năm với sự góp mặt của tất cả các hãng mỹ phẩm nổi tiếng nhất Trung Quốc và thế giới thu hút khách hàng từ khắp năm châu đến tham quan, ký hợp đồng.
Nhưng Xing Fa Plaza cũng là trung tâm buôn bán các loại mỹ phẩm nhái hàng hiệu lớn nhất. Cũng chính tại cái chợ này, vào tháng 2, nhà chức trách Trung Quốc đã phát hiện sáu loại son môi có chứa chất sudan gây ung thư do hai công ty mỹ phẩm Hằng Phương và Thi Lộ Lan sản xuất.
Dạo qua bốn năm dãy kiốt dài dằng dặc, chúng tôi mới tìm được một kiốt hiếm hoi có biển chữ Việt là “Mỹ phẩm Shima” của bà chủ người Trung Quốc tên Hà. Năm nay mới ngoài 40 tuổi, nhưng bà chủ này đã có thâm niên tới 10 năm sản xuất mỹ phẩm và có cả một nhà máy ở ngoại ô thành phố Quảng Châu. Cái kiốt này chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm và giao dịch.
Ngó quanh cái kiốt chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông, tôi không khỏi bất ngờ vì thấy không thiếu bất cứ một mác mỹ phẩm danh tiếng nào từ Revlon, Double Rich, Nivea, Dove, Olay... Đặc biệt, giá của những thứ hàng hiệu ấy rẻ đến giật mình: chai keo bọt chải tóc Double Rich giá 7 NDT/chai (1NDT = 2.100 đồng), một hộp kem dưỡng tóc Revlon USA cũng chỉ có 8 NDT, còn loại dầu gội Algemarin vàng Made in Gemany cũng chỉ có 160 NDT/ thùng 48 chai... nếu tính ra tiền Việt Nam, tất cả các mặt hàng ở đây không thứ nào có giá tới 50.000 đồng.
Nghe chúng tôi giới thiệu từ Hà Nội sang với ý định tìm đối tác để đặt hàng nhái “đánh” về Việt Nam, bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ, bà Hà vừa chỉ các loại mẫu bày kín cả bốn bức tường vừa chào hàng “các anh cứ xem đi, ưng cái nào thì làm, cần bao nhiêu cũng có”.
Lôi từ trong tủ ra một đống các loại chai dầu gội đầu, kem dưỡng tóc hiệu Nivea, Pon'd, Dove, Lux, Double Rich bà Hà bảo rằng “ba cái thứ hầm bà lằng này bán ở Việt Nam chạy lắm. Còn nếu muốn đặt riêng, các anh cứ đưa mẫu đây Hà làm cho”. Hóa ra từ vài năm nay, bà Hà vẫn thường sản xuất hàng cho một người họ hàng có cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở chợ Kim Biên (TP HCM) nên khá rành mặt hàng nào bán chạy.
Nhưng khi tôi vào hộp dầu gội nhãn hiệu Double Rich đỏ có đóng hộp giấy như chai rượu ngoại trông rất bắt mắt thì bà Hà nói rằng cái này do khách hàng ở Sài Gòn đặt nên không thể làm cho tôi được vì như vậy là vi phạm hợp đồng với khách. Hóa ra dân làm hàng nhái cũng có luật làm ăn với nhau rất cụ thể, đó là giữ độc quyền thị trường cho khách hàng. Nếu khách hàng ở Việt Nam đã đặt mặt hàng nào thì người đến sau dù có trả giá cao hơn họ cũng không bán mặt hàng ấy.
Khi thấy tôi tỏ vẻ tiếc vì không thể đặt hàng loại dầu gội Double Rich chai đỏ, bà Hà lôi tiếp ra một đống hộp có in chữ Thái Lan và bảo “nếu anh thấy mẫu này được Hà sẽ làm cho, thích in chữ gì lên vỏ cũng được, đảm bảo sau 15 ngày ký hợp đồng là hàng ra tới Lũng Vải (giáp biên giới Lạng Sơn)”.
(Theo Công An Nhân Dân)