Nhan nhản các nhãn sữa bột trên thị trường. |
Trong khi đó, tại Việt Nam, trẻ bú sữa mẹ được coi là phổ biến. Nhiều người cho rằng nguyên nhân do ngày càng nhiều trẻ bỏ bú mẹ sớm.
Tại sao trẻ bỏ bú sớm? Nhiều bà mẹ băn khoăn phải chăng sữa mẹ kém chất lượng, trong khi các sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh liên tục được bổ sung các vi chất mới khiến trẻ “nghiện”.
Bà H., trú tại 152 Quán Thánh (Hà Nội) lo lắng khi cháu bà bỗng bỏ bú mẹ từ tháng thứ mười. “Con dâu tôi mổ đẻ, sau mổ uống khá nhiều kháng sinh. Không biết có phải vì thế mà sữa mẹ đắng không. Thằng bé bú vài tháng thì không mặn mà gì. Vài tháng sau bỏ hẳn, dỗ thế nào cũng không được”.
Đó cũng là trường hợp của chị Nguyễn Kim Vân ở phòng 124, khu tập thể Trung Tự (Hà Nội). Sau khi chào đời, con chị chỉ bú một tuần thì bỗng nhiên bỏ hẳn bú mẹ.
Tại Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Trung ương), chị Nguyễn Phương Hạnh, trú tại phòng 503 khu tập thể Kim Liên (Hà Nội) có con 4 tháng tuổi đã bỏ bú mẹ dù chị không sinh mổ.
Chị Hạnh cho biết, chị và các đồng nghiệp có con nhỏ vẫn băn khoăn không biết vì sao bọn trẻ ngày nay bỏ bú sớm thế. “Con tôi uống sữa bột thì tăng cân. Nhưng tôi băn khoăn không biết do tại sữa mẹ dở hay trong sữa bột có chất gì đặc biệt mà cháu chỉ mê loại này”.
Nhiều bà mẹ than thở mỗi tháng mất đến triệu bạc mua sữa cho con. Chọn loại rẻ thì không yên tâm. Trong khi đó, hầu như trẻ được cho uống loại sữa bột nào đầu tiên nhất định chỉ uống một loại đó.
Không có chuyện có chất gây nghiện
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Cấp phép (Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế), người trực tiếp thẩm định hầu hết sản phẩm sữa lưu hành trên thị trường Việt Nam, dứt khoát: “Tôi khẳng định không hề có chuyện trong sản phẩm thay thế sữa mẹ có chất gây nghiện. Trẻ bỏ sữa mẹ và thích uống sữa công ty là có thật song chủ yếu là do chất lượng sữa mẹ”.
Theo bác sĩ Dũng, trong khi quốc tế khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chất lượng sữa của các bà mẹ Việt Nam nhìn chung là kém. “Từ tháng thứ tư trở đi, bà mẹ nào chỉ cho con bú hoàn toàn sữa mẹ, sự phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng”.
Bác sĩ Dũng cam đoan sữa bột ngày càng ngon hơn, nhiều vitamin, khoáng chất, vi chất dinh dưỡng, khiến trẻ tiêu hóa tốt, ăn ngon hơn. “Bản thân vitamin kích thích ăn uống nhưng không thể coi vitamin là chất gây nghiện”.
Làm rõ hơn hiện tượng trẻ bỏ bú mẹ sớm, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), nói: “Hiện tượng đó có nhưng không nhiều. “Đúng là có hiện tượng trẻ bỏ bú sớm. Nhưng không thể nói do trước đó trẻ uống sữa bột có chất kích thích gì đặc biệt. Theo tôi, nguyên nhân chính do nhiều bà mẹ trẻ không quan tâm tới phương pháp cho bú dẫn tới cho trẻ bú không đúng cách, lượng sữa ra ít khiến trẻ chán sữa mẹ, bỏ bú sớm. Ngoài ra còn nguyên nhân sau khi sinh, sữa chưa kịp về bà mẹ đã cho trẻ uống sản phẩm thay thế khiến đứa trẻ quen vị ngọt của sữa bột, không chịu bú sữa mẹ”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: "Theo kinh nghiệm của tôi, nguyên nhân chủ yếu là cho trẻ uống sữa bột quá sớm. Đã thế, pha chế thường không đúng cách. Không ít bà mẹ pha quá đặc, quá ngọt trong khi sữa mẹ vốn kém hơn về độ ngọt và sự hấp dẫn”.
Còn theo một bác sĩ ở Hội Dinh dưỡng và Nhi, việc trẻ chỉ thích một loại sữa là có thật và điều đó phụ thuộc vào thói quen, giai đoạn sinh lý của trẻ. “Cho trẻ uống sữa gì đầu tiên, nhiều khả năng trẻ quen và chỉ thích sữa đó”, bác sĩ này nói.
Liên quan đến hiện tượng sữa mẹ kém chất lượng, nữ bác sĩ có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi nói, thành phần sữa mẹ thay đổi tùy theo sức khỏe người mẹ. “Mẹ ốm thì sữa không thể tốt được. Nhất là khi mẹ đang trong thời gian cho con bú mà phải uống thuốc thì sữa đắng, dễ làm trẻ chán sữa”.
Bà nhấn mạnh, hiện nay, hầu hết phụ nữ cắt tầng sinh môn khi sinh nở đều phải dùng kháng sinh. Điều này đặc biệt ảnh hưởng tới chất lượng sữa và cũng khiến trẻ dễ bỏ sữa mẹ.
Phụ nữ mổ đẻ cũng có nguy cơ ít sữa hoặc sữa giảm chất lượng do sau mổ phải uống kháng sinh.
Theo số liệu của Vụ Sức khỏe sinh sản (Bộ Y tế), tỷ lệ mổ đẻ ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Riêng năm 2003, tỷ lệ mổ đẻ chiếm 12,3% tổng số ca đẻ, tăng 2,5 lần so với mức cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Điều cuối cùng, bác sĩ Liên khuyên, chớ quá lo về những nghi hoặc xung quanh hộp sữa. “Hầu hết các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện nay có thành phần gần giống sữa mẹ nên không lo trẻ bỏ bú nếu cho uống đúng liều lượng, đúng cách”. Mặt khác, BS Liên cũng khuyến cáo không nên để trẻ bỏ bú sớm vì “chỉ có sữa mẹ mới cung cấp các vitamin, khoáng chất, chất miễn dịch một cách cân đối và dễ hấp thu nhất”, bà nói.
(Theo Tiền Phong)