- Thay vì "lâm ly" như "Chuyện hợp tan", "Chuyện 3 người"..., khuynh hướng sáng tác của anh có nhiều thay đổi, như trong "Chín con số một linh hồn", "Đừng nhắn tin cho em nữa"... Vì sao lại có sự thay đổi này?
- Lúc trẻ tôi thường nghĩ về mình, lớn lên một chút nghĩ đến gia đình và những gì xung quanh. Khi lớn tuổi tôi hay nghĩ đến những cái xa hơn. Có khi không là chuyện của mình hay của riêng ai cũng có thể xúc cảm. Có rất nhiều điều trong xã hội hiện đại của Việt Nam mà tôi quan tâm, một cảnh ngộ chẳng liên quan gì đến mình cũng có thể khiến tôi "buồn khổ" mấy ngày.
Khi sáng tác thì tư tưởng trong mỗi bài hát của tôi phải là một cốt truyện. Một bài nào đó giống hoặc gần giống những sáng tác cũ là tôi đã không chịu đựng được. Đó là lý do tôi luôn cố gắng làm cho những sáng tác càng về sau của mình phải hay hơn những gì trước đó. Nếu như tôi có cảm giác nó không hay hơn thì cảm xúc đó không xứng đáng để ghi ra thành một bài hát.

Nhạc sĩ Quốc Dũng.
- Nhiều người cho rằng nhạc Quốc Dũng trước đây sến, anh nghĩ thế nào về điều này?
- Nếu một người Việt Nam không biết nghe nhạc sến thì giống như một người miền Bắc mà không biết ăn... mắm tôm. Tôi tin một người nghe nhạc sến ít nhiều sẽ có tâm hồn phong phú hơn so với những người khác vì họ rất dễ xúc động với những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh mình.
Ý nghĩa chữ sến không phải là miệt thị, không có nghĩa là văn hóa kém. Chẳng qua là từ ngữ đã bị áp đặt không đúng chỗ, cũng giống như người ta hay dùng từ cải lương trong ngoặc kép khi những ngôn ngữ của sân khấu được đem áp dụng ra đời thường. Tôi cho rằng nếu phải tự hào khoe với thế giới một loại hình nghệ thuật của Việt Nam thì đó phải là cải lương.
- Anh nghĩ gì về âm nhạc mang hơi hướng "nói thẳng nói thật" trong cuộc sống hiện nay?
- Tôi cũng rất thích cách này, thay vì hoa mỹ nhiều như ngày xưa. Tuy nhiên, vấn đề là chủ đề tư tưởng của phần lớn ca khúc bây giờ quá nghèo nàn và đang có khuynh hướng suy thoái trầm trọng. Nhiều khi nghe hết một ca khúc mà cũng không hiểu được là nó muốn nói cái gì.
Hồi xưa một tác phẩm âm nhạc ra đời là những cảm xúc thật, được viết từ trái tim, còn bây giờ sao mà hời hợt. Người ta có vẻ chạy theo thị hiếu hơn là viết những gì rung động từ đáy lòng mình.
- Nổi tiếng là một người trau chuốt về câu từ trong những tác phẩm âm nhạc, anh nhận xét gì về văn phong của nhạc trẻ bây giờ?
- Ca từ của một số nhạc sĩ trẻ có thể hợp với tác phong của cuộc sống công nghiệp hiện nay, nhưng văn phạm thì sai "thường trực". Nhiều lúc câu không ra câu nên nghe chẳng hiểu gì. Nói thật ra thì những câu như "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ" cũng chẳng phải đúng văn phạm. Nhưng nó chính là nét được thể hiện trong toàn bộ bài hát, thậm chí xuyên suốt quãng thời gian sáng tác của một nhạc sĩ, chứ không phải được sử dụng trong những trường hợp... cụt ý, bí từ, bí nốt.
Tôi viết nhạc rất nhanh khi có cảm xúc, có khi chỉ nửa tiếng đồng hồ là đã xong một bài nhạc. Tuy nhiên, phần lời thì có khi là một ngày, một tháng hay thậm chí phải là mấy năm. Em đã thấy mùa xuân chưa, tôi viết năm 11 tuổi, đến năm 17 tuổi mới hoàn thành chỉ vì lấn cấn một vài từ chưa vừa ý.
- Trong những ca sĩ từng trình bày nhạc phẩm của mình, anh hài lòng với giọng ca nào nhất?
- Bảo Yến là một người có kỹ thuật cao lại có một cái đầu cảm nhận nghệ thuật rất tốt. Cô ấy biết trong từng bài hát của tôi chỗ nào phải nức nở, chỗ nào phải quả quyết, có thể "lột xác" từ Chuyện hợp tan đến Đường xưa. Đó là lý do vì sao tôi rất thích nghe vợ mình hát. Ngoài ra, tôi cũng rất thích Quang Minh, Thanh Hà và Hương Lan.
Quang Dũng là một giọng nam tốt và có lối nhả chữ rất đẹp. Tuy nhiên, do anh ta hơi cá tính trong giọng hát nên không phải lúc nào cũng nói giùm hết những điều tôi gửi trong sáng tác của mình.
- Còn những ca sĩ mới sau này thì sao?
- Hiện nay có rất nhiều ca sĩ hát sai nhạc sai lời các bài hát của tôi. Thử nghĩ xem "ta xa nhau, em xanh nước mắt" mà hát thành "ta bên nhau, em xanh nước mắt" thì có chết không? Nhiều khi đưa cho ca sĩ hát, nghe lại thấy không còn là bài của mình nữa. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng có quyền lựa chọn ca sĩ cho những ca khúc của mình. Những giọng ca tôi rất thích như Quang Minh thì có khi lại không trùng với thị hiếu của khán giả.
Khi ca sĩ hát, quyết định sửa một chữ chỉ trong 5 phút, nhưng họ đâu biết rằng vì một chữ đó có khi người nhạc sĩ phải thai nghén trong cả năm trời.
- Thời gian qua khán giả thường xuyên thấy anh ở Mỹ. Nơi này có ý nghĩa thế nào trong việc khơi gợi cảm hứng sáng tác cho anh?
- Cuộc sống bên đó cái gì cũng an nhàn, lặng lẽ khiến tôi không có nhiều cảm xúc lắm. Tôi sang Mỹ thường xuyên là vì có rất nhiều bạn bè cùng thời sống bên đó, tôi cảm thấy mình sống lại nhiều kỷ niệm đẹp của cách đây mấy mươi năm khi được gặp lại họ.
Nhưng dù đi đâu thì tôi cũng chọn sinh sống ở Việt Nam, nơi đây có thể nghèo về vật chất nhưng tình cảm thì chan hòa. "Không nơi đâu bằng trên chính quê hương của mình", câu nói ấy tưởng đơn giản nhưng chính xác từng chữ. Tôi đã viết Xuân trên đất khách, Tình người tha hương trong tâm trạng nhớ quê nhà da diết.