Giám đốc Thế Khải. |
- Góc hẹp trong kinh doanh của anh là gì?
- Tôi chọn những hướng đi riêng. Trước đây, tôi có ý tưởng làm tour du lịch võ thuật nhưng hơi khó khăn vì không tìm được một ông võ sư vừa uyên thâm về võ học vừa có kiến thức văn hoá xã hội. Hiện tôi làm tour du lịch “xuyên Việt ẩm thực hành”. Cũng là những tour tuyến bình thường nhưng thay vì chỉ ăn cơm thường, chúng tôi đưa khách đi đến những quán ăn độc đáo, những món ăn dân gian. Cái chính là cho họ ăn được “cái hồn” của món ăn qua những câu chuyện, giai thoại… liên quan đến các món ăn ấy.
Góc hẹp thể hiện ở chỗ tour này sẽ kén khách, kén hướng dẫn viên, nhưng lạ và khó bị ăn cắp. Tour sẽ kéo dài, không cập rập, không đi kinh khiếp như tour bình thường.
- Anh thường mê những góc hẹp, có phải vì không đủ sức cạnh tranh bằng những tour phổ biến, đại trà với những công ty khác?
- Đá góc hẹp mới khó, mới cần “kỹ thuật cao” chứ cạnh tranh xô đẩy nhau là chuyện bình thường. Công ty của tôi chuyên về các tour đi Mỹ dành cho đối tượng là những người trung niên. Tuy số lượng khách cho các tour này chỉ bằng một phần mười các tour đại trà nhưng lợi nhuận thì gấp mười lần tour bình thường.
Lúc đầu, khi hợp tác với các đối tác bên Mỹ, họ hỏi mình chuyên làm cho đối tượng nào. Mình nói, đối tượng nào hay cái gì cũng làm. Cái gì cũng làm là không chuyên nghiệp, họ bảo. Ở bên đó họ rất chuyên biệt: có công ty chuyên phục vụ khách cao cấp, có công ty cho khách bình dân, rồi người già, người về hưu… Ở họ, các công ty hỗ trợ nhau chứ không cạnh tranh giết chết nhau như bên mình, họ cùng “win - win” chứ không biến thương trường thành chiến trường. Họ có các hiệp hội đích thực để bảo vệ các doanh nghiệp, như việc chống bán phá giá chẳng hạn.
Làm du lịch là phải có “gu” ông ạ. Mình là công ty nhỏ, phải biết tránh những chiếc “hàng không mẫu hạm” như Saigontourist, Vietravel… Phải tìm ra luồng lạch để đi vì các “hàng không mẫu hạm” cũng không thể đi vào các luồng lạch như mình. Tôi luôn quan niệm khi tổ chức cho khách hàng một chuyến đi là phải tạo được một ấn tượng, một cảm xúc nào đó đọng lại cho họ sau chuyến đi ấy. Phân khúc hẹp dễ tạo được các cảm xúc ấy.
“Đá góc hẹp” không phải ai cũng làm được vì nó cần phải có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm nên không bị cạnh tranh, khoẻ hơn nhiều. Thị trường bây giờ là thị trường của những cái cá biệt cho nên kinh doanh là bán cái cá biệt, chứ không phải cái đại trà.
- Vì sao đang là giảng viên, anh lại chuyển qua làm du lịch?
- Hồi trước tôi đi dạy đại học, cao đẳng, rồi bắt đầu làm sách. Sách tôi làm cũng là “hàng độc”, chưa có ai làm thời đó, như Streamline, English 900, truyện hay và những tiểu thuyết đoạt giải Nobel… Làm sách thì phải thường xuyên đi thu tiền ở các tỉnh, thế là tôi lại bắt đầu đâm ra mê du lịch.
Hồi còn đi học, đi dạy tôi cũng hay tổ chức các chuyến cắm trại cho bạn bè, cho khoa, cho trường, nhưng đến khi làm du lịch thực sự thì mới thấy khó. Ai cũng nghĩ là làm du lịch là quá dễ, nhưng thực sự không đơn giản chút nào. Ăn phở thì dễ nhưng nấu phở thì khó quá. Cái khó thứ nhất là tạo được lòng tin cho khách hàng, thứ hai là phải tạo được cảm xúc cho khách hàng như tôi đã nói. Đối với tôi, một chuyến đi du lịch mà không có cảm xúc là một chuyến đi vô nghĩa…
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)