Với Trang (trái), công việc bê tráp thật vui, nhàn hạ và được chụp ảnh nhiều. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Ngày cuối tuần, áo dài đỏ thướt tha, khăn xếp đính kim tuyến nổi bật, Trang điệu đà đặt tay lên tráp cho... đẹp và nhẹ nhàng bước lên bậc thềm. Đôi giày lênh khênh, chiếc quần quá dài khiến cô giẫm vào gấu quần và ngã lăn ra đất. Cả hai họ trai gái cười ầm lên khiến lúc đầu Trang cũng ngại nhưng sau đó cô nhanh chóng đứng dậy và cố cười góp theo.
Đó chỉ là một trong nhiều sự cố mà nữ sinh năm hai này gặp phải khi đi bê tráp đám hỏi. Trang kể, không ít lần nhận được quần áo dài rộng thùng thình, Trang phải dùng kim băng hoặc kim chỉ ghim lại. Những hôm như vậy cô phải đi lại rón rén vì sợ chẳng may tụt. Khi đến tháng thì rất bất tiện, để tránh sự cố, có hôm Trang mặc cả quần bò bên trong.
Đang vào mùa cưới, có ngày Trang nhận được năm đám gọi. Không thể phân thân cả năm, Trang nhường lại hai đám cho bạn, phần còn lại tự cáng đáng. Nếu chịu khó đi đám ngoại thành, tiền lương sẽ được cao hơn nhưng do say xe nên cô không dám nhận.
Nữ sinh năm hai này nhớ như in lần bị ngã lúc đang đỡ tráp. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Cô gái quê Hải Dương bắt đầu công việc đỡ tráp ăn hỏi từ năm thứ hai đại học. Từ đó đến giờ, tính sơ sơ, Trang đã "mất duyên" vài chục lần. "Công việc này rất vui, vừa được xinh đẹp, được chụp ảnh đưa lên facebook khoe bạn bè lại có cơ hội buôn chuyện cùng mọi người. Hơn nữa nghề bê tráp cũng nhàn hạ, em chủ động được thời gian", Trang nhí nhảnh nói.
Được chuẩn bị sẵn trang phục, Trang chỉ cần tới nơi có đám hỏi với đôi giày cao gót và khuôn mặt được make up cẩn thận. Các cô gái làm công việc này được yêu cầu phải cao khoảng 1,6 m, khuôn mặt xinh xắn và đặc biệt phải đúng giờ. Trang bảo, đám cưới ở thành phố thường thích thuê các bạn nam, nữ ít tuổi hơn cô dâu bởi như vậy đội hình sẽ đồng đều và đẹp.
"Có nơi yêu cầu không xinh và cao hơn cô dâu. Có trường hợp tân nương chỉ cao 1,5 m trong khi các cô gái bê tráp cao từ 1,6 m trở lên. Gặp hoàn cảnh đó, chúng em phải đi giày bệt", cô nàng hài hước nhớ lại.
Với hai tiếng làm thêm, Trang nhận được khoản tiền công từ 50.000 đến 60.000 đồng. 10 ngày một lần hoặc cuối mỗi tháng, quản lý sẽ gửi cho cô một khoản tầm hơn một triệu đồng (bao gồm cả tiền lì xì). Số tiền không nhiều nhưng với sinh viên như cô khoản ấy đủ để mua sắm lặt vặt. Trang cho hay, không ít lần cô nhận được phong bao 10.000 đồng, nhưng có hôm được lì xì 200.000 đồng. Những hôm được ít tiền, cả hội buồn thiu, ngược lại hôm nào được tầm 50.000 ai nấy trong đội của cô cười nói ríu rít.
Nam (thứ hai từ phải sang) cùng các bạn trong đội đang 'làm nhiệm vụ'. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Đội bê tráp của Trang gồm toàn sinh viên ở các trường đại học tại Hà Nội. Khác với các bạn nữ, đội hình nam phải tự chuẩn bị trang phục: sơ mi trắng, quần âu, giày tây và cà vạt. Họ cũng không được nhàn hạ như cánh nữ mà phải khệ nệ bê tráp. Đồ lễ nặng lại phải bê xa khiến Nam (sinh viên năm cuối Học viện Ngân Hàng) nhiều lần mỏi rã rời.
Nam cho hay, không ít nhà yêu cầu nhiều và tận dụng các chàng trai triệt để, lúc sai mang đồ lên tầng cao, lúc lại bảo bê xuống. Có hôm đi muộn cậu bị nhà chủ giận ra mặt. Thỉnh thoảng vội quá không kịp ăn cơm, Nam nhịn đói đi bê tráp. Tuy nhiên, cậu vẫn rất vui với công việc này và đã gắn bó suốt 4 năm qua vì "được ăn mặc lịch sự, tiền công cũng ổn".
Trước khi gắn bó với nghề, Nam từng làm bán hàng, phụ quán cà phê nhưng thấy tốn thời gian, vất vả và lương thấp nên cậu bỏ.
Bình Minh