Cảnh mua bán sôi động tại siêu thị "Thế giới di động" TP HCM trưa 19/2. |
Theo nhận định chung của các chuyên gia viễn thông năm 2006, giá cước sẽ tiếp tục giảm mạnh và hứa hẹn chất lượng đảm bảo hơn khi có thêm hai nhà cung cấp dịch vụ mới là Hanoi Telecom và EVN Telecom. “Điều này có thể thấy rõ nhất trong dịp tết vừa qua. Không hết nghẽn nhưng tình hình đã sáng sủa hơn rất nhiều so với những năm trước”, Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Các nhà cung cấp dịch vụ đang nỗ lực mở rộng các dịch vụ gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Chỉ riêng MobiFone đã mở xấp xỉ 30 dịch vụ giá trị gia tăng như Mobilist, MobiChat, tin nhắn quốc tế... Các nhà cung cấp khác cũng không đứng ngoài cuộc.
Năm 2006, khách hàng sử dụng mạng di động MobiFone có thể đăng ký thêm thuê bao mới với mã 093, Vinaphone có thêm mã 094 bên cạnh đầu số 091. Công nghệ CDMA, vốn lép vế với 2% thị phần, có thể sẽ có sự chuyển mình nhờ sự tham gia của Hanoi Telecom với công nghệ 3G cơ bản và EVN Telecom. S-Telecom thì làm mới mình bằng cách đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để nâng cấp lên công nghệ CDMA 1x EVDO và sau đó là WCDMA, để khách hàng VN sớm được tận hưởng các dịch vụ cao cấp trên nền băng thông rộng như dịch vụ xem video theo yêu cầu. S-Fone tuyên bố năm 2006 sẽ phủ sóng toàn quốc, dự kiến áp dụng cách tính cước block tới 1 giây...
Thiết bị đầu cuối ở nông thôn “nóng”
Tại VN, mạng GSM đang thống trị thị trường với 97% thị phần, với Vinaphone giữ 3,9 triệu thuê bao, MobiFone 3,7 triệu, Viettel khoảng 2,2 triệu. Trong khi đó mạng CDMA chỉ chiếm khoảng 2% với S-Fone 400.000 thuê bao. Dự kiến 2006 thị trường viễn thông sẽ cân bằng quân số giữa hai mạng GSM và CDMA khi EVN Telecom và Hanoi Telecom đầu quân vào hàng ngũ CDMA.
Về thiết bị đầu cuối, hiện có hơn 20 hãng điện thoại đang nhắm đến thị trường VN. Nokia tiếp tục dẫn đầu về doanh số bán lẫn thị phần với tổng sản phẩm bán ra chiếm 54% thị trường VN. Samsung tăng doanh số bán 47% nhưng thị phần giảm 5% (còn chưa đầy 30%). Trong khi đó, Motorola kết thúc một năm kinh doanh ấn tượng với doanh số bán tăng 86,6% so với năm 2004 khi nhắm vào đối tượng có thu nhập thấp, thị trường nông thôn. Sony Ericsson và Siemens đều chiếm chưa đến 10% thị phần.
Công ty nghiên cứu thị trường GFK nhận định với đà tăng trưởng hiện nay, số lượng thuê bao có thể đạt đến 15 triệu trong năm 2006. Tốc độ phát triển này đồng nghĩa việc ĐTDĐ sẽ được tiêu thụ rất mạnh với tỉ lệ tăng trưởng ước đạt trên 4 triệu chiếc, tương đương 600 triệu USD doanh số. Thị trường ĐTDĐ sẽ sôi động bởi nhiều yếu tố, đáng kể là sự giảm giá do thuế nhập khẩu được điều chỉnh theo lộ trình AFTA.
Một số nhãn hiệu mới sẽ gia nhập thị trường vốn rất "nóng" này. Thời gian gần đây, “chú dế” bắt đầu được các vùng nông thôn ưa chuộng. Riêng trong tháng 12/2005, lượng ĐTDĐ bán ra tại những đại lý ở vùng nông thôn các tỉnh tăng trung bình 7% so với mức bình thường.
Ông Lê Quang Vinh, trưởng văn phòng Hà Nội GFK Asia, nhận xét thị trường ĐTDĐ sẽ cạnh tranh mạnh hơn ở các dòng trung bình và cấp thấp, thay vì tập trung ở trung và cao cấp như các năm trước, hàng “xách tay” sẽ mất dần chỗ đứng bởi thuế nhập khẩu giảm sẽ kéo theo giá điện thoại giảm và thu hẹp khoảng cách về giá giữa ĐTDĐ “xách tay” và ĐTDĐ chính hãng trong khi chất lượng hàng chính hãng bảo đảm hơn.
Nhìn chung, thị trường ĐTDĐ 2006 sẽ tiếp tục theo xu hướng của năm 2005: khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn về điện thoại lẫn nhà cung cấp, nhất là sau khi hai mạng CDMA 096 của EVN Telecom và 092 của Hanoi Telecom đi vào hoạt động. Các hãng đưa ra được giá cả hợp lý nhất, chất lượng tốt nhất, cộng với số lượng dịch vụ đa dạng nhất sẽ giành lợi thế. Cùng với việc hạ mức cước, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ còn đưa ra nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên ĐTDĐ.
(Theo Tuổi Trẻ)