![]() |
Điểu K'Trang chỉ về khu bảo tồn tê giác: “Hồi xưa khu vực này có trên 30 con. Giờ chỉ còn mấy con”. |
Nhà Điểu K'Trang lọt thỏm giữa vườn quốc gia Cát Tiên, ngôi nhà tựa lưng vào khu rừng bảo tồn tê giác Cát Lộc, cách trụ sở vườn khoảng 70 km đường rừng, thuộc thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Theo lời đồn, người đàn ông dân tộc S'Tiêng này từng săn được tê giác.
Chúng tôi đến thôn 3 khi trời nhá nhem tối. K'Trang đang say khướt bên bàn nhậu. Ông đón khách bằng câu chào: “Ơ, hai đứa mình mới uống có 3 lít rượu đế hà! Chưa có say. Ngồi đây uống rượu với mình!”. Sau vài ly rượu đế cay xé họng, chúng tôi nhắc đến tê giác, K'Trang lắc đầu nguầy nguậy: "Không biết! Mình không biết con tê giác là con gì hết!”.
Đội mưa về trạm kiểm lâm Bến Cầu trong nỗi thất vọng. Hôm sau, khi gà rừng vừa gáy sáng, chúng tôi trở dậy, tranh thủ đến nhà K'Trang lần hai khi ông chưa kịp lên rẫy. Dù chúng tôi phân trần chỉ có ý định nghiên cứu, không phải là người đến bắt ông, nhưng ông vẫn dè dặt lắc đầu. Sau vài tuần trà và mấy câu chuyện tán gẫu, tôi bất chợt hỏi: “Không biết tê giác cái khác tê giác đực thế nào nhỉ?!”, K'Trang giải thích: “Con tê giác đực có cái sừng ở mũi, còn con tê giác cái chỉ có mụt ruồi thôi à!”. “Thế tê giác ăn gì?”, “Cái gì nó cũng ăn hết, nhưng thích nhất là lá sâm cau”. “K Trang nói rất rõ về tê giác rồi nhé. Đừng giấu nhé!”, nghe chúng tôi nói, người đàn ông trên 50 tuổi luống cuống, mỉm cười: “Ừ. Nói thiệt là mình có bắn. Lâu rồi”.
K'Trang kể rằng vào nửa đêm một ngày năm 1989, khi đến gần khu Hang Dơi, K'Trang thấy lù lù con vật to bằng trâu rừng, không rõ con gì. K'Trang giương súng carbine bắn trúng lưng, con vật oằn oại hồi lâu rồi nằm luôn. “Nó nặng quá, làm sao đây! Không khiêng về nổi. Mình cắt cái sừng, lột da đem về. Còn thịt để ở rừng luôn vì đắng lắm, ăn không được!”, ông kể. Dạo ấy, nhiều người từ thành phố lên rừng tìm mua thú quý và sừng tê. Qua một người làm mối, K'Trang bán cái sừng được 50 triệu đồng, còn tấm da phơi khô để dành. Chuyện tưởng đâu êm xuôi, ai ngờ trong lần nướng da tê nhậu, thông tin ông bắn tê giác lọt ra ngoài. Ông nhớ: “Sau vụ đó, cán bộ bắt giam mình mấy tuần”. Chúng tôi đùa: “Bây giờ còn miếng da tê giác nào không?”, ông lắc đầu cười: “Không còn! Chỉ còn phân của nó thôi. Thỉnh thoảng đi rừng gặp bãi phân. Hốt về ngâm rượu uống, trị đau cái bụng tốt lắm!”.
Câu chuyện chưa dứt thì mặt trời đã lên. Ông chỉ tay về khu rừng bảo tồn tê giác: “Hồi xưa khu vực này có trên 30 con. Giờ chỉ còn có mấy con hà. Vì vậy, đến phân tê giác cũng hiếm”. Nói rồi ông chào chúng tôi để đi lên rẫy. Rẫy điều của ông nằm gọn trên khu rừng cấm chỉ dành riêng cho loài thú quý hiếm bậc nhất này.
Khoảnh khắc giá 8.000 USD
Theo tài liệu nghiên cứu của ông Gert Polet và thạc sĩ Trần Văn Mùi (1999), các tài liệu công bố bằng tiếng Pháp và tiếng Việt cho thấy tê giác Sumatra (tê giác châu Á hai sừng) lẫn tê giác một sừng từng có nhiều ở VN. Tê giác Sumatra đã tuyệt chủng ở VN khoảng đầu thế kỷ 20. Vào những năm đầu thế kỷ 20, người ta vẫn còn nhìn thấy tê giác một sừng ở những khu vực thuộc Tây Bắc và Tây Nam VN. Đến năm 1960, người ta tin cả tê giác một sừng cũng tuyệt chủng. Năm 1969, ông Van Peenen viết: “Có lẽ không còn con tê giác nào sống ở VN. Mặc dù chỉ vào khoảng những năm 1920, người ta còn săn được tê giác không xa Sài Gòn là bao”.
![]() |
Bức ảnh đầu tiên của tê giác VN được chụp tại vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh tư liệu vườn quốc gia Cát Tiên. |
Từ năm 1984-1985, người dân đồn có mấy vụ bắn chết tê giác ở khu vực Cát Lộc. Đến năm 1988, một thợ săn đã bắn chết con tê giác gần sông Đồng Nai thuộc huyện Cát Tiên và bị bắt khi đem bán sừng và da tê giác ở chợ.
Sự cố này đã làm sống dậy mối quan tâm của cộng đồng cùng các nhà khoa học. Đầu năm 1991, Bộ Lâm nghiệp quyết định lập đoàn khảo sát về tê giác ở rừng Cát Tiên. Đoàn đã phát hiện luồng di chuyển, chụp được dấu chân và tìm được phân của tê giác. Tin vui về tê giác VN được báo cáo tại hội nghị quốc tế về sinh học và bảo tồn tê giác ở Mỹ vào giữa năm 1991 đã gây xôn xao giới khoa học.
Đằng đẵng nhiều năm, các nhà khoa học chỉ có thể nghiên cứu dấu chân, xét nghiệm ADN từng chút phân, những lá cây bị ăn dở dang. Họ chưa tận mắt thấy con tê giác bằng da bằng thịt ở Cát Tiên.
Mãi đến tháng 4/1999, vườn quốc gia Cát Tiên đã “cắn răng” thuê một chuyên gia “bẫy ảnh” nước ngoài với giá 8.000 USD/tháng. Cài camera tự động tại khu tê giác hay ra uống nước gần một tháng trôi qua mà hình ảnh tê giác chẳng thấy đâu.
Ngày đặt bẫy thứ 28, khi vị chuyên gia nọ chuẩn bị khăn gói về nước thì điều kỳ diệu xảy ra: khoảnh khắc về chú tê giác quý hiếm đã được ghi lại. Kết quả đầy khích lệ này đã trở thành cơ sở giúp các nhà khoa học khẳng định rõ hơn về cơ cấu giới tính và độ tuổi của những con tê giác.
Sau tấm ảnh đầu tiên đến bảy năm, những thước phim đầu tiên về chú tê giác mới được ghi giữa rừng vào ngày 22/1/2006. Thanh, một chàng trai trẻ tình nguyện về làm việc trong đội “đặc nhiệm” tê giác, nhớ lại: Khi đang tuần tra trong rừng cùng ba kiểm lâm, anh nghe tiếng thở phì phò. Chắc chắn đó là loài thú lớn, anh đứng lặng yên. Khi tiếng động ấy dần rõ thì mọi người dường như muốn nghẹt thở. Tê giác! Con vật đen trùi trũi y chang hình vẽ trong sách đang đứng trước mặt họ. Sợ bị tấn công, Thanh bò vào bụi rậm gần đó núp, mở chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ mang theo. Vừa nhấn nút quay, đôi tay vừa run lập cập. Cũng may sau khi làm “diễn viên” cho Thanh quay hơn 6 phút, chú tê giác “làm ngơ” với các chàng trai và chạy thẳng vào rừng sâu.
Tê giác là loài thú có mặt trên Trái đất 60 triệu năm. Loài tê giác cổ đại có lông từng sống trong suốt thời kỳ băng hà ở lục địa châu Âu và châu Á đã sớm bị tuyệt chủng.
Trên thế giới có năm loài tê giác khác nhau. Hai loài (tê giác đen và tê giác trắng) phân bố ở châu Phi và ba loài (tê giác Java, tê giác Sumatra và tê giác Ấn Độ) ở châu Á. Cả năm loài đều có nguy cơ tuyệt chủng và đã được đưa vào sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Quý hiếm nhất là tê giác nhỏ một sừng Java, chỉ khoảng 50 cá thể còn sống sót. Chúng sống ở vùng rừng núi rậm rạp. Hiện nay chỉ còn ở vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia) và Việt Nam. Tê giác ở Việt Nam là phân loài (loài phụ) của tê giác Java. Nhiều người gọi là tê giác VN (Rhinoceros sondaicus annamiticus). Đây có thể là những con tê giác VN cuối cùng của VN và thế giới với khoảng 5-7 con sinh sống tại khu vực Cát Lộc (thuộc vườn quốc gia Cát Tiên). Sách đỏ VN đang xếp bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng), sách đỏ IUCN xếp bậc CR (cực kỳ nguy cấp). Tê giác ở VN chỉ bằng 60-70% trọng lượng so với đồng loại một sừng của chúng ở Indonesia. Tê giác VN nặng khoảng 800-1.000 kg. (Nguồn: Tài liệu nghiên cứu của ông Gert Polet và thạc sĩ Trần Văn Mùi) |
(Theo Tuổi Trẻ)