>> Cư dân The Manor khổ vì toilet
"The Manor không có chính sách đổi hay trả nhà mà chỉ có thể bán hộ và rồi giúp chủ nhà mua một căn khác bằng giá thị trường", bà Lê Phương Mỹ Linh, Giám đốc Bán hàng và Tiếp thị Bitexco, chủ đầu tư The Manor, nói về trường hợp căn nhà có toilet bị trào ngược.
Vì sự cố toilet bắt nguồn từ phía chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Bình, chủ căn hộ AE305 ở The Manor TP HCM có phòng ngủ giá thị trường khoảng 200.000 USD đang ở muốn đổi sang nhà tầng 4 rộng hơn, 3 phòng ngủ, giá hiện tại khoảng 230.000 USD và không đồng ý bù thêm tiền. Tuy nhiên, theo bà Linh, yêu cầu của bà Bình là vô lý, ngay cả trong trường hợp giá trị căn hộ yêu cầu đổi là tương đương, cũng không có chuyện đổi.
![]() |
Khu căn hộ The Manor (TP HCM). |
Hiện ban quản lý chung cư đã khắc phục xong sự cố bằng cách dùng ống phòng cháy chữa cháy để thổi thông đường dẫn nước thải toilet. Toilet căn hộ AE305 của bà Nguyễn Thị Bình cũng không còn tình trạng bị dội ngược nữa. Tuy nhiên, chủ nhà vẫn không yên tâm về chất lượng nhà cầu và lo ngại tình trạng này có thể tái diễn. Cuối tuần qua, bà Bình đã gửi đơn đến UBND phường 22, quận Bình Thạnh nhờ can thiệp.
Cùng lúc đó, hơn 40 chủ căn hộ là cư dân của The Manor TP HCM cũng đang tập hợp chữ ký để chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tập thể đối với Bitexco vì những lý do như giao nhà chậm, chất lượng nhà kém, khu vực công cộng thiếu... Dự kiến có thể đơn khởi kiện sẽ được gửi đến tòa án vào cuối tuần này.
Trước tình huống này, bà Lê Phương Mỹ Linh vẫn giữ quan điểm của Bitexco không có chuyện đổi hay trả nhà và sẽ đưa ý kiến này ra trong buổi hòa giải sắp tới với chủ căn hộ AE305.
Trào toilet có thể xảy ra hàng loạt
Theo KTS Nguyễn Tiến Thuận, Công ty TNHH Kiến trúc HAAI, đơn vị thiết kế nhà cao tầng tại Hà Nội, trong trường hợp của căn hộ The Manor, hoàn toàn có thể khẳng định lỗi là do thi công ẩu. "Có thể hình dung hệ thống thoát nước thải của tòa nhà như một cái cây, gồm có thân chính và các nhánh phụ. Nếu đường ống thông, số lượng người dùng ít, lượng nước thải sẽ trôi từ từ, không bị tắc. Nhưng khi trong đường ống có chất cặn bã, nhiều hộ liền nhau cùng sử dụng nhà vệ sinh một lúc, nước thải của các căn hộ sẽ chiếm hết khối tích của đường ống thoát chính, dẫn đến áp lực thành ống cao, gây trào ngược nước ra ngoài. Trong trường hợp này, các đường nhánh bị tắc, lượng nước thải không đi đến được ống chính", ông Thuận nói.
KTS Thuận cũng cho biết thêm, những căn hộ liền nhau hoàn toàn có thể cùng ảnh hưởng bởi đường ống bị tắc này. Tình trạng này có thể xảy ra tùy lúc, nhưng chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục nếu tần suất sử dụng lớn trong cùng một thời điểm và các biện pháp xử lý thông tắc không triệt để. Tuy nhiên, theo ông Thuận, nếu nhiều khu vực khác trong tòa nhà cũng gặp phải hiện tượng này thì có thể lại do những nguyên nhân khác nữa. Và đương nhiên, chủ đầu tư, đơn vị bảo dưỡng tòa nhà phải có trách nhiệm với chủ căn hộ.
Những trường hợp như của The Manor cũng đã xảy ra tại nhiều khu chung cư khác. Tuy nhiên, do giá thành của các chung cư này thấp hơn so với The Manor nên chưa có những vụ báo cáo tương tự. Một lý do khác là nhiều hộ ngại khiếu nại, sợ mất thời gian, nên tự sửa chữa cho nhanh. Anh Hùng tại chung cư Vườn Xuân, 71 Nguyễn Chí Thanh, một trong những chung cư được coi là cao cấp ở Hà Nội là một ví dụ. Anh đã phải thuê thợ trát lại tường, thay hệ thống bồn rửa trong nhà vệ sinh, đồng thời làm lại hệ thống nước vì nước sinh hoạt thường xuyên theo các đường ống tràn ra nền nhà. Tuy nhiên, cũng như những hàng xóm của mình, anh Hùng không khiếu nại với chủ đầu tư mà lẳng lặng sửa chữa căn hộ để ở. "Đợi họ giải quyết không biết đến khi nào mới xong, mình tự thu xếp cho được việc", anh giải thích.
Chưa có tiêu chuẩn về nhà cao cấp
Hiện nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xác định nhà cao cấp hay nhà bình dân. Bộ Xây dựng đã có kế hoạch xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phân loại nhà, song vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) danh hiệu nhà cao cấp hiện đều do các chủ đầu tư tự đặt. Cơ quan giám định có thể chấp nhận việc chủ đầu tư xây dựng theo tiêu chí của một nước nào đó, song chưa có chủ đầu tư nào công bố công trình của mình theo tiêu chuẩn của nước nào. Trong khi đó, với giới kinh doanh nhà đất, tiêu chí xác định nhà cao cấp là mức giá. Hiện căn hộ có giá từ 1.500 USD/m2 trở lên được "dán mác" nhà cao cấp, thậm chí nhiều khu nhà giá chưa đến 1.000 USD/m2 cũng được người bán xếp hạng cao cấp.
Theo quy định, trước khi nhận nhà, khách hàng có quyền đòi hỏi chủ đầu tư xuất trình giấy chứng nhận chất lượng công trình. Nếu chưa tin tưởng chứng nhận chủ đầu tư đưa ra, người mua có thể thuê các đơn vị tư vấn, giám sát độc lập để kiểm định chất lượng công trình. Với trường hợp nhà ở có hư hỏng, khách hàng cần báo với đơn vị trực tiếp quản lý tòa nhà, để xác định nguyên nhân thuộc về bên nào và xử lý. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, khách hàng có thể khiếu nại với cơ quản quản lý xây dựng nhà nước tại địa phương là Sở Xây dựng. Tuy nhiên, hiện nhiều người mua chung cư vẫn phải xếp hàng, thậm chí sử dụng mối quen biết mới đăng ký được suất mua nhà, nên có căn hộ đã là may mắn, ít người nghĩ đến việc khiếu nại. Đồng thời, người dân khiếu nại lên Sở Xây dựng, cơ quan này cũng không xử lý hết được. "Người mua nhà tốt nhất nên phòng hơn chữa, phải kiểm tra chất lượng trước khi quyết định nhận nhà", ông Chủng nói.
(Theo Dothi.net)