BLV Anh Ngọc
Các cầu thủ trong phiên tòa. Ảnh: VNE. |
6 cầu thủ trẻ trung ấy của bóng đá Việt Nam, Văn Quyến, Quốc Vượng, Hải Lâm, Văn Trương, Quốc Anh và Phước Vĩnh, những người thuộc loại ưu tú nhất mà bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra trong những năm qua đã phải đứng ở chỗ của những kẻ tội phạm. Trong khi lẽ ra cũng vào thời điểm ấy, họ phải ở Bangkok để chuẩn bị cho trận đấu bán kết lượt về với Thái Lan ở AFF Cup.
Những con người đang ở cái tuổi đẹp đẽ nhất để tiếp tục cống hiến cho đất nước, nhưng không còn quá trẻ để là những công dân, không phải quá ngờ nghệch để ý thức được những gì mà họ đã làm, không phải quá khờ dại và dốt nát để không hiểu tác hại của những việc mà họ đã làm. Nhưng nói những điều đó giờ đã quá muộn, và không thể nói là quá bất công nếu cho rằng, họ chính là những con người đã làm mục ruỗng nền bóng đá này.
Nói lên những điều công phẫn thì quá dễ, chửi bới họ và dùng những từ ngữ nặng nề cho những mái đầu xanh ấy càng dễ, và coi những con người đó như những khối ung nhọt cần phải được vứt bỏ và căm hận lại chẳng bao giờ khó làm, chỉ có điều, tất cả chúng ta đều hiểu, không ai có đủ sự tự tin và lạc quan để có thể khẳng định rằng, sẽ không bao giờ còn thấy cảnh những chàng trai trẻ mới đôi mươi khác không bước ra vành móng ngựa một lần nữa.
Và nếu người ta đủ bằng chứng, nếu người ta dám dũng cảm và quyết đoán hơn nữa trong những vụ án bán độ trước, cũng như những người làm bóng đá không có cái quan điểm "ném chuột sợ vỡ bình quý" mà thực ra chỉ là vì sợ mất thành tích nên mất ghế, thì cái thế hệ vàng mà chúng ta đã từng ca ngợi biết bao lần, từng làm rạng danh bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực những năm trước kia, với những cái tên mà chẳng cần phải kể ra đây ai cũng biết, cũng sẽ có một số phận chẳng khác gì những đứa trẻ đã bị xử mấy hôm nay.
Câu hỏi lớn đặt ra, là tại sao tất cả những điều tồi tệ này đã luôn xảy ra và năm nào cũng có không bao giờ dứt? Các cầu thủ không thể tự hư đốn, không thể tự bán độ, bán rẻ đội tuyển, và trên hết, bán rẻ danh dự Tổ quốc nếu họ không sống trong một môi trường bóng đá bẩn thỉu, đầy cám dỗ, đầy những lôi kéo xấu xa và thiếu định hướng.
Chưa bao giờ người ta có thể bán độ và tiếp cận các đối tượng xấu dễ đến thế. Chưa bao bao giờ môi trường mà các cầu thủ sống trong đó xuống cấp đến thế, mà thực ra sự xuống cấp ấy chẳng có gì là mới, vì nhiều năm qua, nó đã bẩn thỉu thế rồi. Có quá nhiều những lời chỉ trích nặng nề lên đầu những cầu thủ trẻ đã phản bội đội tuyển và tình yêu của người hâm mộ, nhưng ngay cả những người chỉ trích cũng không hiểu chính các cầu thủ đã sống thế nào, đã trong những sức ép, tâm trạng và nỗi cô đơn ra sao.
Những phóng viên gần gũi với các tuyển thủ đều quá hiểu điều đó, đều có thể nói cho bạn biết các cầu thủ chúng ta đã ra sao và họ cần những gì. Câu trả lời rất đơn giản: các cầu thủ cần nhiều tiền, nhưng đó cũng không phải là tất cả.
Dĩ nhiên, một tuyển thủ bán độ không thể lấy lý do là người ta chỉ cung cấp cho họ một số tiền tối thiểu đến mức ngạc nhiên cho mỗi chuyến thi đấu ở xa (ban huấn luyện lấy lí do: cho chúng nó nhiều làm gì, để rồi chúng nó lại ăn chơi hết, không kiểm soát được), hầu như bỏ rơi họ cô đơn trong cuộc sống tình cảm, để có quyền bán độ và lấy tiền tiêu xài, nhưng sự thật về cái gọi là chiến đấu vì danh dự Tổ quốc của họ khác xa với những gì chúng ta đã và đang nghĩ.
Họ cần phải được trả công xứng đáng vì những gì họ đã làm, những rủi ro mà họ có thể chịu trong cuộc đời cầu thủ ngắn ngủi, được thấu hiểu và thông cảm với biết bao tâm sự khác nhau. Mà cái đó, hình như người ta không quan tâm nhiều lắm, bởi còn lo những việc khác to tát hơn nhiều, như đánh đấm nhau để đòi hỏi quyền lợi cho mình, sử dụng hình ảnh và lợi ích của cả nền bóng đá vào những mục đích riêng, biến ĐTQG thành một cái gì đó nhờ nhờ thiếu cảm xúc và không bản sắc.
ĐT thất bại ở AFF Cup thì không chỉ là lỗi của Riedl và của các tuyển thủ. ĐT thất bại ở tất cả các giải đấu khác cũng không phải là lỗi của riêng họ, những kẻ nô lệ cho một thứ bóng đá tự hạn chế khả năng của mình, chắp vá về tổ chức và thiển cận, kém cỏi trong cách điều hành và hoạch định chính sách cho tương lai.
Đối với những cầu thủ đã bị xét xử và nhiều người khác đã bị kỷ luật, hầu hết những lời tố cáo to tiếng nhắm vào sự suy đồi trong lối sống của họ, sự thiếu giáo dục của họ, nhưng người ta đã quên mất rằng, trong khi người ta lớn tiếng yêu cầu các cầu thủ phải tốt đẹp, phải thực hiện nghĩa vụ công dân, phải làm tất cả những gì có thể để chiến thắng, thì chính họ cũng sống một cách tồi tệ, nghĩa là ăn cắp, tham ô, biển thủ và làm biết bao điều xấu xa khác mà không hề hoặc chưa hề bị trừng phạt như một thứ bệnh dịch lan tràn trong xã hội.
Cụ thể hơn nữa, các vị làm bóng đá lúc nào cũng lên tiếng là cha chú ấy không thể yêu cầu các cầu thủ đổ mồ hôi sôi nước mắt và dạy họ những điều tốt đẹp, đổ hết lên đầu họ những thứ xấu xa và cho rằng họ đang làm hỏng nền bóng đá này, vì chính các vị đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm hỏng họ.
Người ta không thể dạy các cầu thủ phải trung thực và cao thượng, trong khi chính họ đã làm biết bao điều tệ hại trong bóng tối, mà mỗi năm, một phần đen tối ấy lại được đưa ra ánh sáng để thấy hết cái đen tối của nền bóng đá này. Người ta không thể bắt các cầu thủ đừng dàn xếp tỷ số, nếu chính họ cũng dàn xếp, liên minh, mua bán, bắt tay ở cấp CLB trong vô số các giải VĐQG và các giải thấp hơn của Việt Nam, thậm chí đã làm băng hoại cả bóng đá thiếu niên, và cách người ta điều hành, quản lý cái LĐBĐ này cũng bê bối không kém gì những doanh nghiệp nhà nước từ lâu đã mục ruỗng bởi biết bao vấn đề khác nhau.
Việc điều hành kém và vô trách nhiệm dẫn đến việc cả nền bóng đá đi xuống không phanh phải được coi là một tội ác, vì nó trực tiếp giết chết bao thế hệ cầu thủ và làm tan biến đi niềm tin của bao người hâm mộ, và các vị áo vét và mặt bự béo kia cũng đáng phải ra toà, thậm chí phải bị xét xử trước cả các cầu thủ trẻ tuổi kia, vì xét cho cùng, tội của họ còn lớn hơn nhiều tội của những người xỏ giày đá bóng trên sân kia!
Quá buồn khi nhìn thấy một thế hệ tài năng và trẻ trung của bóng đá Việt Nam, thế hệ vàng thứ 2, mới ra đời nhưng đã nhanh chóng chìm trong một cái chết thê thảm. Quá buồn khi chứng kiến những khuôn mặt thất vọng của rất nhiều CĐV ở sân Mỹ Đình khi chúng ta thua Thái Lan mà không thể nào biện hộ được. Thua Thái Lan chẳng có gì đáng nhục, nhưng cứ sống bao năm trong những nỗi khắc khoải khi không biết nền bóng đá này đi về đâu và cứ luôn bị lừa dối mới là nỗi hổ thẹn. Quá buồn khi nhìn những gương mặt vô cảm của các vị mặc áo veste rời sân trên những chiếc xe bóng lộn.
Khi một ĐT thất bại, người chịu lỗi đầu tiên bao giờ cũng là HLV. Khi một đội bóng có vấn đề, và đặc biệt nếu đấy là một CLB, và bây giờ, đến cả ĐTVN, chơi kém, thì vô hình chung, không ai bảo ai, đều nghĩ rằng đã có bán độ, như là một phản xạ rất tự nhiên bởi đã bao nhiêu năm liền bị lừa dối nhiều quá đâm ra nghi ngờ tất cả. Và cái đích nhắm đến bao giờ cũng là xem xem có kẻ nào đã dàn xếp tỷ số. HLV luôn bị xử trảm, cầu thủ thì bị nghi ngờ, và tệ nhất, là bị đưa ra xét xử, còn khi cả một nền bóng đá trở nên tồi tệ, kém cỏi, và thối nát, thật khó tìm thấy một kẻ nào phải trả giá và còn khó hơn nữa nếu có một ai đó đứng ra nhận phần trách nhiệm của mình một cách chân thành (thực ra, việc nhận trách nhiệm ấy cũng đã có rồi, nhưng cứ nhận rồi để đấy thôi).
Lương tâm là một cái gì đó quá trừu tượng, nên sự cắn rứt của lương tâm lại càng trừu tượng hơn, vì lương tâm đâu có răng! Chẳng lâu nữa đâu, sẽ lại có thêm một thế hệ vàng nữa ra vành móng ngựa.
Vài nét về blogger
BLV Anh Ngọc đang làm tại báo Thể Thao Văn Hóa. Trước đây, anh từng là bình luận viên Seria A của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. Sau đó, anh cộng tác với VTC, hiện nay là cây bút chính của báo Thể thao Văn hóa.