Tạm biệt Thể Công. |
Đã biết bao tài năng được sản sinh từ lò bóng đá Thể Công. Những cái tên của các danh thủ tiền bối đã in đậm dấu ấn một thời: Thông, Bửu, Tý Bồ, Lứa Đô, Thắng, Quýnh, Đức, Nghĩa nhờ có Thể Công mà thành đạt. Lớp Nguyệt, Vinh, Tiền, Nhi, Chi, Út đá vẫn tốt đã có thêm Hiển, Sơn, Bền, Bính xuất hiện. Cả lúc đang chiến đấu chống Mỹ, bom đạn khắp nơi, Giáp, Khánh, Mỵ, Anh, Hải... rồi Cường, Phúc nối tiếp nhau và dắt dìu Hồng Sơn, Việt Hoàng lên đỉnh cao sau này. Cố danh thủ, HLV Thể Công, Trương Tấn Bửu, cũng vừa vinh dự nhận kỷ niệm chương của FIFA. Tài năng của Thể Công không chỉ thể hiện trên sân cỏ. Rời Thể Công, đi chiến đấu, có người đã trở thành anh hùng như Phạm Ngọc Khánh.
Nhưng rồi cuối thập kỷ 90, Thể Công đã có chuyện. Bước sang thế kỷ 21, rạn nứt càng lớn. Giải chuyên nghiệp đầu tiên, đội xếp thứ 3, năm 2002, sa sút. Năm 2003, thành lập CLB bóng đá Thể Công chuyên nghiệp, kết quả lại kém hơn. Và đến giải năm nay, đội đã phải xuống hạng đúng vào dịp kỷ niệm tròn 50 năm thành lập - nửa thế kỷ lừng lẫy chiến công.
Lý do của sự sa sút, nếu chỉ tính riêng ở mùa bóng năm nay, là do những chiến lược sai lầm. Sa sút ở giai đoạn một, nhưng trên thực tế, Thể Công vẫn có thể trụ hạng nếu có chiến lược thích hợp ở giai đoạn hai. Nằm trong nhóm 4 đội cầm đèn đỏ sau lượt đi, nhưng Thể Công lại đặt ra mục tiêu “mỗi trận còn lại đều là trận chung kết” dẫn đến sự phân tán sức của cầu thủ. Thay vào đó, BHL đội lẽ ra nên tập trung sức vào các trận trước 3 đối thủ trực tiếp. Nếu thắng 3 trận trước TVU.Hải Phòng, Delta Đồng Tháp, NHĐA, đội đã giành được 9 điểm. Các trận khác (chấp nhận 11 cầu thủ phòng thủ) để cố giành 1 trận hoà, thắng thì tốt sẽ đem về thắng lợi chung cuộc cho đội.
Còn nhìn vào lý do sâu xa khi Thể Công sa sút, có người nói: “Tại cơ chế”. Nhưng có thể nói rằng, lý do mấu chốt là “tại con người”. Cơ chế do con người đề ra, con người làm chủ, vận hành, điều khiển, bắt nó phục vụ mình. Cũng cơ chế ấy, ai vận dụng sáng tạo thì thành công, ai thụ động, xơ cứng thì ngược lại. Vấn đề con người ở Thể Công đã đặt ra mấy năm nay, nhưng vẫn gặp khó khăn.
Hãy nhìn vào quá khứ, Thể Công mạnh khi họ có những cán bộ yêu bóng đá hết lòng và biết làm cho bóng đá. Nhưng giờ, Lãnh đạo Cục quân huấn đưa một vị cán bộ chính trị hoặc cán bộ quân sự về làm trưởng đoàn, cho dù họ không thông hiểu bóng đá. Còn những người từng là danh thủ bóng đá lại chưa có khả năng lãnh đạo. Anh thợ bậc cao đâu chắc làm phân xưởng trưởng giỏi. Thể Công đã tiến hành chuyên nghiệp, nhưng lại không chấp nhận thuê cầu thủ nước ngoài. Trong khi đó, đã có hơn 1.000 người nước ngoài tham gia lực lượng quân đội của Việt Nam.
Trước Tết, Thể Công đã mời ông Ngô Xuân Quýnh, nguyên cựu trưởng đoàn Thể Công, về làm cố vấn với mức lương ngang HLV lúc đó là Phan Văn Mỵ (khoảng 15 triệu). Ông Quýnh đã đưa ra điều kiện phải chính thức mời ông về, giao quyền hạn nhất định bởi chức cố vấn là chức to nếu có thực quyền, nhưng nếu không cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng sau 2 lần mời tha thiết, khi nghe điều kiện của ông Quýnh, Thể Công đã im lặng không phản hồi.
Một yếu tố nữa khiến Thể Công bất ổn là vấn đề sân bãi. Tại sao không sửa chữa sân Cột Cờ làm sân nhà của Thể Công khi đây là mảnh đất “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”? Thể Công xây dựng trung tâm tập luyện ở Bạch Mai, nhưng lại không có sân thi đấu và cũng đang trong quá trình xây dựng dang dở. Còn bây giờ đội phải đi tha phương ở TTHLTTQG I (Nhổn), Thái Bình, Trung tâm Đông dược Bảo Long.
Thể Công khủng hoảng lớn, xuống hạng vào tuổi 50, thật phũ phàng! Nhưng lại thực tế, đúng luật “nhân - quả”. Có lẽ phải làm lại Thể Công như nó vốn có. Để mất Thể Công là bỏ đi một thứ của quý vừa vật thể vừa phi vật thể, là đụng đến tâm hồn, tình cảm sâu nặng của quân dân cả nước. Sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo. Một đội ngũ cán bộ tốt. Một cơ sở vật chất tương ứng. Ba điều đó đặt trong một chủ trương lớn và những biện pháp mạnh chính là điều mà Thể Công cần làm vào lúc này. Hy vọng Thể Công sẽ tái sinh, và trường tồn.
Bảng vàng 50 năm lừng lẫy chiến công của Thể Công |
* Thành lập ngày 23/9/1954, đội bóng Thể Công luôn là đội chủ lực, luôn đi đầu, lập nhiều thành tích vẻ vang được các thế hệ quân đội nhân dân mến yêu, và trước hết là được tuổi trẻ ngưỡng mộ. * Từ 1955 - 1980, ở miền Bắc tổ chức giải hạng A, Thể Công tham gia 21 mùa (11 lần vô địch, 10 lần á quân). * Từ 1980, khi có giải vô địch toàn quốc, Thể Công vô địch 6 lần, 2 lần á quân, 1 lần đứng thứ 3, đoạt Siêu Cup 1999 |