Trong một thông cáo báo chí hồi đầu tháng, thương hiệu mỹ phẩm Anh cho biết công ty con ở Mỹ của họ không còn hoạt động từ ngày 1/3, khiến khoảng 400 người lao động gặp rủi ro công việc. Ngoài ra, 33 trong số 105 cửa hàng ở Canada sẽ bắt đầu thanh lý sản phẩm và "ngừng bán trên cửa hàng trực tuyến ở Canada", nhưng tất cả chi nhánh tại nước này vẫn đang mở cửa.
Tại Australia - nơi công ty điều hành gần 100 cửa hàng và chịu trách nhiệm về hơn 20 chi nhánh khác ở New Zealand, tương lai của thương hiệu cũng u ám khi họ phải vật lộn để trang trải các khoản nợ lớn.
Theo CNN, lạm phát cao trong những năm gần đây đã gây tổn hại cho các nhà bán lẻ truyền thống, trong đó có The Body Shop - vốn chủ yếu hoạt động bên ngoài trung tâm thương mại và nhắm vào tầng lớp trung lưu đang gặp khó khăn.
Thành lập năm 1976 tại Anh bởi nhà hoạt động nhân quyền và vận động môi trường Anita Roddick, The Body Shop giới thiệu các sản phẩm được quảng cáo là tự nhiên, bền vững, không độc hại và "có đạo đức". Đây là một trong những công ty đầu tiên cấm thử nghiệm nhiều sản phẩm trên động vật. Năm 2019, hãng được chứng nhận là "B Corp" - công ty đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về tính minh bạch và tận tâm với môi trường.
Đến năm 2023, thương hiệu mở rộng tới hơn 2.500 địa điểm bán lẻ tại hơn 80 quốc gia và có cửa hàng trực tuyến ở hơn 60 thị trường.
Từ khi thành lập đến nay, The Body Shop đã nhiều lần đổi chủ. Nó được gã khổng lồ mỹ phẩm L'Oreal mua lại vào năm 2006, trước khi sang tay cho công ty Natura &Co của Brazil với giá một tỷ euro năm 2017.
Thương hiệu này đã suy yếu những năm gần đây. Trong một báo cáo đầu 2023, Natura &Co cho biết The Body Shop "đang đối mặt những cơn gió ngược" với mức giảm so với cùng kỳ năm trước là 13,5%. Tháng 11/2023, thương hiệu được bán cho Aurelius Group với giá khoảng 207 triệu bảng Anh.
Mi So (theo CNN, The Guardian)