Quy trình khám và điều trị là của ông Bằng là: sau khi đo huyết áp, lấy một miếng bông cồn và một ống kim tiêm có nước thuốc màu vàng - đã được người phụ việc hút sẵn từ ống thuốc vào ống chích.
Cứ một lần tiêm vào chỗ nào trên cơ thể bệnh nhân, ông ta lại bơm xịt ra một tí thuốc. Đầu tiên, ông gí kim tiêm vào vài chỗ ở đỉnh đầu, rồi xuống sau gáy bệnh nhân năm lần, tiêm vòng quanh trước mang tai ba cái, chích ra trước cổ ba lần, kể cả tiêm trực tiếp vào bướu, rồi xuống hai bên ngực và ức ba lần. Xong công đoạn này, ông đề nghị bệnh nhân lên chiếc phản gỗ nằm, tiếp tục tiêm trên và quanh rốn, xuống bụng dưới, vòng qua phía trên hai hố xương chậu khoảng 15 cái. Tiếp theo, con bệnh nằm sấp cho ông tiêm từ hai bên bả vai dài xuống hai bên hông 15 lần. Sau đó, thày lang tiêm tiếp 10-15 lần vào mắt cá tay, khuỷu tay, mắt cá chân, đầu gối, dọc hai bên xương ống chân, xương đùi… cho đến khi hết thuốc. Ông tiêm tới đâu, con bệnh nhăn nhó, xuýt xoa vì đau tới đó. Chưa hết, ông còn tiếp tục “bồi” thêm hai mũi vào hai mông của BN, mỗi mũi đều có nước thuốc màu trắng được lấy từ hai ống thuốc nhỏ. Tùy theo người, nhưng chúng tôi đếm mỗi con bệnh được ông tiêm từ 40 đến 50 mũi khắp thân thể!
Sau công đoạn châm chích, ông Bằng gọi bệnh nhân ra chiếc bàn bên cạnh mua thuốc. Còn ông đọc tên các loại thuốc cho cô giúp việc lấy thuốc. Nếu bệnh nhân nào còn thuốc thì ông lấy tiền tiêm và châm cứu 40.000 đồng, nếu mua thêm thuốc thì một tuần phải trả 250.000-300.000 đồng.
Trên mỗi bao bì bịch thuốc đều ghi “sản xuất & điều trị: phòng chẩn trị đa khoa & châm cứu, 32B Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh. Ngoài ra bệnh nhân còn được cho uống kèm bốn loại thuốc tây.
Qua nhiều ngày đi thực tế tại phòng mạch này, phóng viên Tuổi Trẻ thấy con bệnh nào cũng được ông Bằng chữa cùng một kiểu như trên. Tùy theo người ở gần hoặc xa, bệnh nặng hay nhẹ mà ông dặn thời gian quay lại châm, chích từ 2-3 ngày đến 5-7 ngày/lần… Tùy theo bệnh mà thời gian điều trị có thể là 5-10 lần hoặc nhiều hơn.
Chiều 26/5, Phòng Y tế quận Bình Thạnh phối hợp kiểm tra đột xuất phòng mạch này. Ông Bằng có tên đầy đủ là Lê Tấn Bằng, là lương y đa khoa (không phải bác sĩ như người bệnh lầm tưởng), có giấy phép hành nghề và chứng chỉ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của Sở Y tế TP HCM.
Phạm vi hành nghề theo giấy phép là “bắt mạch, kê toa, bốc thuốc thang, châm cứu” và “không bào chế cao, đơn, hoàn tán”. Hiện ông Bằng là phó chủ tịch Hội Đông y quận Bình Thạnh và đang điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp thủy châm. Dù ông Bằng và phòng y tế quận đều khẳng định Sở Y tế cho phép ông Bằng sản xuất thuốc phục vụ BN tại phòng mạch, nhưng qua xác minh tại Phòng quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM thì ông không được phép làmn như vậy.
Bên cạnh đó, khi kiểm tra, đoàn còn phát hiện và niêm phong, tịch thu nhiều loại thuốc tây mà ông Bằng sử dụng để điều trị cho BN, trong đó có Prednisone (loại chai 1.000 viên, đã sử dụng hết một nửa) - một loại thuốc chỉ bán theo đơn theo qui định của ngành y tế - và một số thuốc khác như Apo-Piroxicam, Apo-Furosemide, Dopalan, Chlorpheniramine…
Về thuốc chích, ông Bằng cho biết chỉ sử dụng thuốc bổ Becozyme pha với nước cất để thủy châm cho BN và chích thêm thuốc giảm đau Novocain. Tuy nhiên, khi xem thùng rác thì nhặt ra được nhiều loại thuốc chích khác như Analgin, Strychnine, Dopharen (tên gốc là Diclofenac), Camphona.
Theo Phòng Y tế Q. Bình Thạnh, phòng mạch này vừa được kiểm tra ngày 5-5-2004 và quận đã đề nghị thanh tra sở phạt ông Bằng 500.000đ vì… không treo bảng hiệu. Xem sổ khám bệnh, thấy ông nhận điều trị rất nhiều loại bệnh, từ tai biến mạch máu não đến bướu cổ, đau nhức, thần kinh tọa, liệt dây thần kinh, suy thận…
Như vậy, chỉ với bằng lương y đa khoa nhưng ông Bằng đã vi phạm nghiêm trọng qui chế hành nghề y dược tư nhân: hành nghề không đúng chức năng và vượt quá chức năng cho phép; tự ý sản xuất thuốc bán cho bệnh nhân; sử dụng nhiều loại thuốc chích, thuốc uống (thuốc tây) có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, bất chấp sức khỏe BN, trong khi trình độ chuyên môn của ông về lĩnh vực này không được đào tạo… Chưa kể việc áp dụng phương pháp thủy châm về chuyên môn cũng chưa hợp lý và an toàn cho người bệnh.