Vui tính và thân thiện, thày Thảo được các học trò yêu quý. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Dưới mỗi bức ảnh của thầy Lê Thảo đăng trên facebook là một hàng dài comment khen của bạn bè, học sinh, chủ yếu là nữ. "Giống Hàn Quốc quá thầy ơi", "Thầy vẫn phong độ như ngày nào" hay "càng nhìn càng thấy thầy giống ca sĩ Khánh Phương". Phần lớn lời bình luận đều được viết bằng ngôn ngữ xì tin kèm nhiều ký hiệu khó đọc. Ngoài khen, các cô cậu học trò không ngần ngại chê cả bạn gái thầy hơi béo.
Ở trường THPT Minh Khai và PTDL Lương Thế Vinh, thầy dạy toán Lê Thảo (30 tuổi) được xem như một hotboy Hàn Quốc vừa dạy giỏi, thân thiện lại "thanh niên tính". Bởi vậy không ít nữ sinh các khóa thầm mến thầy.
Thầy Thảo thừa nhận không ít lần nhận được tin nhắn bày tỏ tình cảm của học sinh nữ. Không quá bạo dạn "đi thẳng vào vấn đề", các tin chỉ bóng gió nói tới tới tình cảm đơn phương. Có hôm anh đang đi cùng bạn gái thì một cô bé gửi lời quan tâm đầy ẩn ý khiến người yêu "giận ra mặt".
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, thầy Hải (ĐH Lao động và Xã hội) thỉnh thoảng bị nữ sinh "quấy rối" điện thoại. Các cô bạo dạn nói rõ tên, lớp trong tin nhắn và hỏi ngoài việc học có thể nói chuyện với thầy được không. Một số còn muốn coi thầy là anh trai, muốn mời đi uống nước rồi trách sao trên lớp mặt thầy lúc nào cũng lạnh tanh thế. Đối với những giáo viên trẻ mới vào nghề như Hải, việc gặp tin nhắn bạo dạn như vậy khiến chàng trai người Hòa Bình này run bắn.
Ngoài giờ học, thầy Thảo còn là 'Tầm thư' cho các cô cậu học trò mới lớn. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Cả hai thầy giáo trên đều cho rằng giữa thầy - trò nên có chừng mực và khoảng cách nhất định. Gần gũi, thân thiện không có nghĩa là để học sinh hiểu lầm hay ngộ nhận. Nếu nhắn tin qua lại sẽ tạo hiệu ứng không tốt, học sinh truyền tai nhau dẫn tới hình ảnh và uy tín của thầy bị ảnh hưởng.
Với kinh nghiệm gần 10 năm trên bục giảng, thầy Thảo chia sẻ, gặp tình huống trên, anh thường lảng sang chuyện khác, nhiều lần như vậy người nhắn sẽ tự hiểu. Ngay từ đầu nên phủ đầu và quán triệt để chủ nhân số điện thoại đó không đi quá xa. Nếu vẫn cố tình không hiểu, thầy phải đánh lạc hướng hoặc không nhắn lại nữa. Có lần không biết xử lý sao, anh phải nhờ bạn gái giả là mình nhắn lại vừa để cô ấy không hiểu lầm và "hơn nữa con gái hiểu tâm lý nhau hơn".
Theo thầy Thảo, ở lứa tuổi trung học, học sinh thường hay ngộ nhận, chỉ cần được quan tâm hơn một chút sẽ tưởng thầy có ý gì. Do đó người thầy phải cư xử khéo léo để giúp học trò hiểu vấn đề, đồng thời động viên các em chuyên tâm vào việc học. Công khai bạn gái trên facebook cũng là cách anh hạn chế các tin nhắn "tán tỉnh" của học trò. Thậm chí, học sinh còn thêm facebook của bạn gái thầy và trò chuyện rôm rả.
Ngày 20/11, trên facebook của thầy Thảo ngập tràn những lời chúc mừng của học sinh. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Từng có thời gian hoạt động đoàn ở trường và có nhiều cơ hội tiếp xúc với học sinh, thầy Thảo trở thành nơi tin cậy để học trò trút bầu tâm sự. Vừa là người thầy nhưng đôi khi lại là "Tầm thư", anh thường xuyên phải giải đáp khúc mắc tình cảm của tuổi mới lớn. Có học sinh thích hai bạn và hỏi thầy nên chọn bạn nào, có nàng còn không úp mở chuyện "cảm" một thầy khác trong trường.
"Với ca khó này, tôi phải nói rằng thầy từng trải qua tuổi các em, cũng có những cảm xúc như vậy. Tình cảm học trò đẹp và trong sáng nhưng hiện tại việc học tập vẫn là quan trọng nhất nên phải cố gắng", thầy giáo trẻ vui vẻ nói.
Được học sinh yêu quý và hiểu tính, thầy Thảo tự tin khi không bị trêu nhiều. Thỉnh thoảng cuối tuần, nhóm học trò thân thiết lại rủ thầy và bạn gái cùng đi xem phim hay ăn uống vui vẻ. Trong những cuộc vui như vậy, cả thầy và trò đều "quyên góp" công bằng như nhau. Mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, facebook thầy Thảo ngập tràn lời chúc của học trò, cả những nữ sinh trước đây từng "cảm nắng" thầy và giờ đã ra trường.
Bình Minh