Anh Nguyễn Ngọc Lâm, phó trưởng khoa Tiếng Anh Đại Cương, Đại học Hà Nội cho rằng có nhiều cách để bố mẹ không giỏi tiếng Anh giúp con học tốt môn ngoại ngữ này.
Anh Lâm là giáo viên tiếng Anh của Á hậu Huyền My trong ba tháng trước thềm cuộc thi Miss Grand International 2017. Anh từng được biết đến với clip dạy con trai ba tuổi nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Bé Dollar, con trai anh Ngọc Lâm, trò chuyện với bố bằng tiếng Anh.
5 sai lầm bố mẹ hay mắc phải khi giúp con học tiếng Anh
- Theo anh, độ tuổi nào phù hợp để trẻ bắt đầu học tiếng Anh?
- Theo các nghiên cứu khoa học, não bộ của thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển khi được 7 tuần tuổi. Giai đoạn này, em bé đã nghe và nhận biết được âm thanh bên ngoài, thích hợp để bố mẹ bắt đầu cho bé làm quen với ngôn ngữ.
Sẽ rất tốt nếu trẻ được nghe tiếng Anh ngay từ trong bụng mẹ, thông qua các bài hát hoặc lời ru bằng tiếng Anh. Lúc này, não bộ của trẻ được làm quen với ngoại ngữ sớm, tiếp nhận âm thanh một cách tự nhiên.
Tùy vào định hướng của mỗi gia đình, bố mẹ có thể lựa chọn thời điểm bắt đầu học tiếng Anh cho con khác nhau. Nếu phụ huynh mong muốn bé sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, nên cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ này từ trong bụng mẹ; giai đoạn từ 0-3 tuổi, liên tục đặt con vào môi trường có tiếng Anh; vận dụng khả năng tiếng Anh của bố mẹ để giao tiếp cùng con hàng ngày, hàng giờ. Nếu bố mẹ muốn con nói tiếng Anh như một ngoại ngữ, có thể chờ khi bé ổn định vốn tiếng Việt rồi bắt đầu giúp con học tiếng Anh, lúc bé 3-6 tuổi.
- Các bậc phụ huynh thường mắc phải những sai lầm nào trong quá trình giúp con học tiếng Anh?
- Nhiều bố mẹ có con học tiếng Anh đều vướng phải những vấn đề sau:
1. Quá nóng vội, sốt ruột với sự tiến bộ của con.
Các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng chỉ cần đưa con tới trung tâm học vài tháng hoặc vài khóa là bé sẽ biết nói tiếng Anh hoặc giao tiếp tự nhiên với người nước ngoài. Nhưng họ quên rằng, học tiếng Anh là hành trình dài hơi, phải tiếp xúc thường xuyên và rèn luyện mỗi ngày, con mới sử dụng lưu loát được.
2. Phụ thuộc vào giáo viên hoặc các trung tâm, cơ sở đào tạo
Bố mẹ cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên trong việc giúp con học tiếng Anh thay vì kỳ vọng hoàn toàn vào sự dạy dỗ của thầy cô. Sau mỗi giờ học ở lớp, bé cần môi trường để thực hành và gia đình chính là môi trường lý tưởng đó.
3. Dùng tiếng Việt để dạy con tiếng Anh
Một số bậc phụ huynh dạy con từ vựng bằng câu hỏi: "Cái ôtô là gì nhỉ?", "Quả chuối là gì nhỉ?" - đó là cách dạy tiếng Anh chưa đúng phương pháp.
Trẻ học tiếng Anh bằng phản xạ, nghe và nhắc lại nhiều lần chứ không theo logic "Cái này là cái kia". Muốn dạy con về hoa quả, bố mẹ nên bắt đầu với: "What fruit is this?" rồi chỉ tay vào đó: "This is a banana". Trẻ sẽ mặc định trong đầu "what" là "cái gì" và "banana" là "quả chuối". Bằng việc nhắc đi nhắc lại đồng thời cho bé nhìn hình ảnh, con sẽ nhớ tự nhiên. Khi hình ảnh hoặc âm thanh tương tự vang lên, não trẻ tự tư duy đến nghĩa của từ.
4. Sửa lỗi ngay khi con nói sai
Nhiều bậc phụ huynh vội vàng "bắt lỗi" con ngay sau khi bé nói sai. Điều này làm trẻ trở nên nhút nhát, ít nói vì sợ mắc lỗi. Thực tế, trẻ ở giai đoạn này chưa ý thức được đúng, sai và có cơ chế tự điều chỉnh. Thay vì nói: "Con nói chưa đúng, con phải nói thế này...", bố mẹ chỉ cần nhắc lại nhiều lần cách nói đúng, bé sẽ nghe và tự động sửa theo.
Bố mẹ không giỏi tiếng Anh vẫn có thể giúp con học tốt
- Bố mẹ cần làm gì để tạo môi trường học tiếng Anh tốt cho con?
- Theo kinh nghiệm của tôi, một giáo viên tiếng Anh và cũng là phụ huynh có con đang độ tuổi mầm non, tôi thấy: Môi trường học tiếng Anh rất quan trọng, mỗi tuần hai buổi tới trung tâm, mỗi buổi học 90 phút không đủ để bé có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Bố mẹ nên cùng con sử dụng tiếng Anh thường xuyên tại nhà, ít nhất 30-45 phút mỗi ngày.
Nếu phụ huynh biết tiếng Anh, nên dùng các câu khẩu ngữ đơn giản để giao tiếp với bé. Có thể giúp bé tiếp xúc với ngoại ngữ này bằng cách bật các video âm nhạc, phim hoạt hình tiếng Anh hoặc để bé chơi cùng những người bạn bản xứ.
Trẻ học hỏi được nhiều từ bố mẹ trong giai đoạn đầu đời. Phụ huynh cần dành thời gian chơi cùng con, liên kết mọi hoạt động hàng ngày như ăn, uống, ngủ, nghỉ... với tiếng Anh sẽ khiến bé tiếp nhận môn ngoại ngữ này một cách tự nhiên.
Muốn giúp con học tốt tiếng Anh, bố mẹ đừng quên tự trau dồi vốn ngoại ngữ của mình bằng cách tự học hoặc tham gia một khóa học tiếng Anh cơ bản tại các cơ sở đào tạo có uy tín.
Anh Lâm dành 30-45 phút cùng con học tiếng Anh mỗi tối.
- Bố mẹ không giỏi tiếng Anh nên làm gì để hỗ trợ con học tốt?
- Nếu bố mẹ không biết tiếng Anh, có thể tìm một trung tâm uy tín để gửi con tới đó. Ở nhà, phụ huynh giúp con tự học theo phương pháp "Passive listening" (Nghe thụ động), bằng cách thường xuyên bật video dạy tiếng Anh cho trẻ, video nhạc thiếu nhi hoặc phim hoạt hình để bộ não bé tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày, hàng giờ.
- Anh có thể chia sẻ một số cách tạo cảm hứng và động lực giúp bé thích thú học tiếng Anh?
- Trước hết, bố mẹ cần tìm hiểu đặc thù tâm lý của lứa tuổi này, quan sát tính cách và sở thích của con để kết hợp dạy tiếng Anh hiệu quả. Ví dụ với bé thích chơi ôtô, phụ huynh chơi cùng con, khéo léo lồng ghép việc học vào đó.
Trẻ mầm non bị thu hút bởi những đồ vật có màu sắc, hình khối và âm thanh lạ tai. Khi giúp con học tiếng Anh, bố mẹ nên chọn giáo cụ trực quan là các đồ vật sặc sỡ, hình thù phong phú và âm thanh vui vẻ.
Độ tập trung của trẻ ở lứa tuổi này không cao, chỉ khoảng 30-45phút. Nếu tổ chức hoạt động giúp con học tiếng Anh, nên tổ chức các trò chơi ngắn, đủ để bé duy trì sự theo dõi.
Bố mẹ nên liên tục thay đổi hoạt động để bé không bị chán. Sau 30-45 phút ngồi học về màu sắc, số đếm... bố mẹ có thể đưa bé ra ngoài, hỏi về cây cối, con vật.
- Lộ trình cơ bản để bố mẹ định hướng việc học tiếng anh cho con như thế nào?
- Lộ trình tôi áp dụng với con trai mình như sau:
Từ 0-1 tuổi: Giai đoạn bộ não phát triển mạnh => Cho bé thường xuyên tiếp xúc với tiếng anh theo phương pháp "Passive listening" (nghe thụ động), giúp bộ não thu nhận âm thanh một cách thụ động.
Từ 1-3 tuổi: Giai đoạn tập nói, hoàn thiện khả năng phát âm, các cơ quan phát âm trong khoang miệng hoàn thiện hơn => Dạy con những từ 1-2 âm tiết, cấu trúc khẩu lệnh ngắn.
Từ 3-6 tuổi: Giai đoạn hoàn chỉnh ngôn ngữ, có thể nói được câu dài, câu phức tạp hơn => Giao tiếp với con ở nhà sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, đưa con đến các cơ sở đào tạo uy tín để làm phong phú thêm môi trường sinh hoạt và học tập của con.
- Một số kinh nghiệm tìm trung tâm tiếng Anh tốt cho bé, anh có thể chia sẻ?
- Có 5 yếu tố cần chú ý khi lựa chọn trung tâm tiếng anh cho bé:
1. Tìm hiểu chương trình khung (lộ trình học tổng quát): Khối lượng kiến thức được truyền đạt qua từng khóa học, đích đạt được sau mỗi khóa học là gì?
2. Chương trình học chi tiết:
- Nội dung học chi tiết của từng buổi: độ dài bao nhiêu, nội dung học là gì, hoạt động gì, bài tập về nhà ra sao? Giáo cụ trực quan thế nào?… Từ đó cân nhắc xem chương trình học có phù hợp với bé hay không?
3. Giáo viên: Nên lựa chọn những trung tâm có giáo viên được đào tạo và cấp chứng chỉ sư phạm chính thống, giàu kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh cho trẻ lứa tuổi mầm non.
Một yếu tố khác rất quan trọng là sự yêu trẻ của giáo viên. Khả năng nói tiếng Anh chuẩn (Không nhất thiết giống người bản xứ mà phải tròn vành, rõ chữ, giọng nói tự nhiên, không nói giọng địa phương...).
4. Phương pháp giảng dạy của trung tâm: Phụ huynh lưu ý tìm hiểu kỹ phương pháp giảng dạy của cơ sở đào tạo có phù hợp với đối tượng trẻ mầm non hay không.
5. Sự tương tác với phụ huynh: Trung tâm cần có sự liên lạc đều đặn với phụ huynh sau mỗi buổi học. Bởi ở lứa tuổi này, trẻ cần điều chỉnh ngay để tránh hình thành thói quen. Nếu đợi tới cuối khóa học mới báo cáo tình hình của con, lúc đó đã quá muộn để can thiệp.
Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng cần được bố mẹ chú ý: Quan sát thái độ, cảm xúc của con sau mỗi buổi học. Nếu bé uể oải, chán nản khi tan lớp và miễn cưỡng tới lớp hàng ngày, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân do đâu để sớm tìm cách khắc phục, đem lại sự hứng thú học tập cho bé.
Lam Trà thực hiện