- Nếu chỉ nhìn sẽ rất khó đoán anh đang nghĩ gì và có cảm xúc thế nào, đến khi nói ra thì toàn ngược với những gì người khác nghĩ. Tính cách anh vốn vậy hay anh cố tình làm ra vẻ khác người?
- Thật ra đó là do thói quen. Trước bất kỳ sự việc nào, tôi thích cách giải thích đời thường hơn là nói chuyện khô cứng về chuyên môn. Ví dụ, khi chia sẻ về âm nhạc với một vận động viên thể thao, phải có cái gì đó kết nối để họ dễ hiểu. Tôi nghĩ, khi tôi nói chuyện kiểu như vậy người ta thấy thú vị hơn là trả lời thẳng vào vấn đề.
Không phải lúc nào tôi cũng nghĩ ra ngay những điều cần nói, mà đôi khi cũng phải tính toán và có phương án dự phòng. Chẳng hạn, lúc ngồi "ghế nóng" Vietnam Idol, tôi nghĩ gì sẽ nói nấy, nhưng bí quá thì phải chọn câu mình đã nghĩ sẵn.
Ở cuộc thi này tôi được giao nhiệm vụ là người giữ thời lượng sóng truyền hình ổn định. Do đó, tôi phải tập trung nghe hai giám khảo kia nói gì để còn điều chỉnh phần chia sẻ của mình dài hay ngắn. Hoặc nếu tình thế đang căng thẳng quá thì tôi phải tìm cách làm cho nó nhẹ bớt. Theo tôi, giám khảo là nhân tố làm cho chương trình hấp dẫn hơn, chứ không phải chỉ ngồi đó để chấm điểm.
- Không ít giám khảo là nghệ sĩ bị khán giả "ném đá" vì lỡ miệng trên truyền hình. Anh bị tác động ra sao trước ý kiến của dư luận?
- Thật ra tôi cũng ít bị lỡ miệng, gần như không có. Những gì tôi nói ra thì đều biết chắc chắn ngày hôm sau người ta sẽ bàn tán thế nào. Bởi, trước khi phát biểu tôi đã ước lượng được phản ứng của khán giả và tôi biết mình nói với mục đích gì. Vì vậy tôi không bị sốc. Tôi vẫn thường đọc những bình luận về phim của tôi hoặc về việc tôi làm giám khảo, song không quá hoang mang hoặc tức tối. Tất nhiên là lúc mới đọc cũng hơi "choáng", nhưng may là tôi không bị nó ám ảnh nhiều, chỉ khoảng một buổi là hết. Nói chung, một khi tôi đã suy nghĩ kỹ để nói ra thì tôi sẽ không ngại dư luận.
Hơn nữa, tôi không phải một nghệ sĩ biểu diễn nên không sợ mất hình tượng. Sự nổi tiếng của tôi với khán giả không ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp hay công việc mà tôi đang làm. Điều đó không có nghĩa mình có thể nói sai sự thật hoặc nói những gì không đúng, mà phải biết tiết chế dựa trên tiêu chí mà ban tổ chức đưa ra. Tôi xác định rất rõ ràng, nếu làm giám khảo Vietnam Idol thì tôi nhận xét thẳng thắn với thí sinh vì họ đi thi là để sau này theo nghề đó. Còn khi ngồi "ghế nóng" Bước nhảy hoàn vũ thì tôi lại ở tư thế khác. Các thí sinh tham gia cuộc thi này cho vui rồi sau đó trở lại với nghề chính của họ, chứ không phải "sống chết" với khiêu vũ. Vì thế, tôi cũng phải chọn lựa mức độ nói vừa phải.
- Anh thường công khai đứng ra bảo vệ đồng nghiệp trên trang cá nhân hay trên báo chí. Người ta cho là anh khôn khéo, anh nghĩ sao?
- Tôi có một số nguyên tắc riêng trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Với những người không thân, nếu họ gặp vấn đề thì tôi cũng sẽ bảo vệ. Tôi hay nói với các bạn trẻ, lúc họ đang ở đỉnh cao, xung quanh có khán giả, truyền thông ủng hộ, nhưng hãy nhớ ngày đầu tiên mình được đi làm là nhờ đồng nghiệp. Sau này, khi không còn ở đỉnh cao, mình có được đi làm nữa hay không cũng là do đồng nghiệp.
Nếu ai đã đọc những bài phỏng vấn của tôi, sẽ thấy tôi chưa bao giờ đụng chạm đến đồng nghiệp. Tôi quan niệm, nếu không nói được gì hay ho thì tốt nhất đừng nói. Bạn có thể mất khán giả, mất sự quan tâm của báo chí, nhưng đồng nghiệp là những người sẽ làm việc với bạn suốt đời. Đó là lý do lúc nào tôi cũng đứng về phía họ.
- Thế còn với bạn bè thì sao?
- Ngoài công việc, tôi dành khá nhiều thời gian cho bạn bè. Tôi chơi nhiều hơn làm vì nghĩ cuộc sống phải thoải mái, làm gì thấy thích thì mới làm. Tôi có đông bạn bè nhưng không giao du nhiều với giới showbiz, chỉ ai từng làm việc chung tôi mới có số điện thoại.
Ví dụ, tôi và Vũ Ngọc Đãng chơi với nhau gần 20 năm nay. Chúng tôi có nhiều cái khác nhau, nhưng chính vì vậy lại dễ chia sẻ. Đãng là người yêu, ghét rõ ràng, không thích là phải thể hiện ra, còn tôi thì ngược lại. Tôi khá đằm tính, rất ít cáu gắt nên trông "nguy hiểm" hơn Đãng. Tôi nghĩ, hai người chơi được với nhau không phải vì người kia quá tốt, mà có những cái tật của họ mình chịu được, bởi có những người cá tính rất hay thì mình lại không thích.
Đối với tôi, đã không thích ai thì không nhắc đến. Nghe ai nói đến người mình không ưa thì chỉ 1-2 câu là gạt đi, lảng sang chuyện khác. Tôi cũng không quá trăn trở hay phải chứng mình mình đúng hay sai, chỉ cần trong tâm mình biết là được.
- Suy nghĩ đó của anh từ đâu hình thành nên?
- Ngày xưa ba tôi nuôi cả nhà bằng nghề viết văn, viết báo và viết kịch bản. Ngày nào ông cũng viết nhưng không đụng chạm gì đến ai, gần như không nói đến mặt trái của bất cứ vấn đề nào. Tôi thấy vậy cũng ổn vì ông vẫn sống được. Sau này tôi học tập theo cách của ông để đối diện với những vấn đề trong công việc.
Hơn nữa, thế hệ của chúng tôi công việc cũng nhiều, việc làm không hết nên mọi người vẫn thường san sẻ cho nhau. Tôi kẹt việc này thì giới thiệu cho người kia và ngược lại. Trước đây, khi mới bước vào nghề tôi cũng được các đàn anh giới thiệu, chỉ bảo và trân trọng. Bây giờ, tôi nghĩ mình cũng không thể trả ơn được họ vì họ giỏi hơn tôi nhiều. Do đó, nhiệm vụ của tôi là giúp được người nào thì giúp, sau này họ lại tìm cách giúp những người khác nữa.
- Môi trường sống của gia đình ảnh hưởng thế nào đến cá tính và con người anh?
- Môi trường của gia đình ảnh hưởng nhất đối với sự phát triển của mỗi người và tôi cũng không ngoại lệ. Người ta đi học mỗi ngày có 3-4 tiếng, nhưng ở nhà đến hơn 10 tiếng. Do vậy, sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ những người thân. Chúng ta khó mà phân tích được tại sao lại như vậy, bởi nó cứ từ từ "ngấm" vào người mình.
Tôi thì không giống ba tôi lắm. Ở nhà, anh chị tôi giống ông hơn. Tính ba tôi rất thẳng trong khi tôi lại hay nói vòng vo. Thường thì tôi chỉ phát tín hiệu cho người ta biết mình thích hoặc không thích, chứ không dùng những từ mạnh để nói, sợ làm đau lòng họ.
- Thường thì con trai hay có thiên hướng thân thiết và gần gũi với mẹ hơn là bố. Anh thì sao?
- Tôi khác tính ba nhưng lại rất thân với ông. Hai cha con có thể chia sẻ được với nhau tất cả mọi thứ. Bù lại, tôi có cách nói chuyện giống mẹ, nhẹ nhàng và từ tốn. Trong khi đó, chị gái tôi lại giống ba ở chỗ ngữ điệu lúc trò chuyện rất mạnh mẽ.
- Ở tuổi 36, gia đình nghĩ sao về việc anh vẫn chưa chịu lập gia đình?
- Mọi người cũng trông nhưng không hối thúc gì, thỉnh thoảng chỉ có mẹ hỏi còn ba thì đi hỏi... bạn bè tôi thôi. Ngày xưa ông lập gia đình cũng trễ, tận 40 tuổi mới lấy mẹ tôi. Vì vậy, ông tôn trọng chuyện riêng tư của con cái. Tôi thì nghĩ đến lúc nào thật cần thiết sẽ lấy vợ, còn giờ thì chưa phải lúc. Hiện tại, tôi còn lông bông và thấy vui với điều đó, khi nào thấy lấy vợ vui hơn thì tôi sẽ lấy (cười).
- Ba anh vừa qua đời cách đây không lâu mà anh lại sống riêng. Anh làm thế nào để giúp mẹ cân bằng cuộc sống?
- Mẹ tôi năm nay 76 tuổi. Trước đây bà hay bị bệnh lặt vặt, nhưng may là không có bệnh nào quá nguy hiểm. Sau này bà hơi đãng trí một chút do tuổi cao, nhưng cũng vì vậy mà không suy nghĩ nhiều, sức khỏe tốt hơn một chút.
Mẹ tôi đang sống cùng gia đình anh trai tôi. Bà còn có mấy đứa cháu con của các anh chị để gần gũi, chăm sóc nên cuộc sống cũng vui. Thật ra tôi thích ở chung nhà với mọi người hơn, rất thoải mái vì mỗi người sống một tầng. Chưa kể, mỗi lần đi làm về nhà ngồi ăn cơm chung với mọi người thấy thích lắm. Thế nhưng, tôi vẫn phải sống riêng để tập cho mình thói quen tiết kiệm. Tôi kiếm tiền nhiều mà xài cũng hoang phí, bạn bè nói nếu không để dành được thì nên mua nhà. Tôi thấy vậy cũng đúng, mình vừa có nhà mà tiền lại không mất đi đâu.
Hàn Quốc Việt thực hiện