Băn khoăn của MC Thảo Vân về chuyện cho con tiền ăn quà chiều hàng ngày đăng trên trang cá nhân tuần trước trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của các phụ huynh, trong đó có nhiều đồng nghiệp nổi tiếng của chị. Mọi chuyện bắt đầu từ chia sẻ của Tít (tên ở nhà của con trai Thảo Vân) về việc chiều học xong đói và thèm "rỏ dãi" khi nhìn thấy các bạn khác ngồi ăn bánh mì thịt xiên ngoài cổng trường.
Cậu bé muốn xin mẹ 20 nghìn đồng để hôm sau mua bánh mì thịt ba xiên và chia cho các bạn. Câu chuyện Tít kể hiện lên khung cảnh quán ăn vặt cổng trường và nhiều bạn cùng học được bố mẹ cho tiền để mua những món ăn yêu thích. Lời kể của cậu bé 12 tuổi còn thể hiện sự quan sát và chia sẻ với cảnh vắng khách của những bác bán hàng ở đằng xa, kể từ khi quán mới mở bán đủ thứ.
Thương con và "đứt ruột" khi nghe con kể nhưng Thảo Vân muốn dạy con cách chi tiêu hợp lý và để con hiểu rằng không thể có điều kiện để tiêu tiền thoải mái. Chị không bộc lộ cảm giác của mình và coi như đang nghe Tít thuật lại chuyện ở trường.
"Con cứ kể cứ kể, và mình cứ quặn lòng, không dám cho Tít nhìn thấy nước mắt. Nghĩ thương quá. Đói có phải tội của con đâu nhỉ... Mỗi ngày nên cho con bao nhiêu đây... Cho rồi con có quen tiêu tiền quá không...", bà mẹ nổi tiếng viết.
Phần lớn các bình luận bên dưới bài viết của Thảo Vân đều ủng hộ việc chị cho Tít tiền. Không ít ý kiến còn đưa ra phương án và cách họ áp dụng với con mình. MC Phan Anh đề nghị Thảo Vân cho Tít 100 nghìn đồng mỗi tuần. Ông bố ba con khuyên đàn chị hãy tin và cho con cơ hội quản lý tài chính. Phan Anh cho biết, với khoản tiền được cho, các con anh tiết kiệm để một tháng có 300 nghìn đỡ đầu cho một bạn ở làng trẻ SOS. Thỉnh thoảng, con tự mua cái gì đó tặng mình hoặc chủ động trả tiền nước cho bố mẹ.
Theo Thảo Vân, chị hoàn toàn ủng hộ việc cho con tiền tiêu trong một số vấn đề nào đó, chẳng hạn mua đồ dùng học tập. Nếu không đi cùng, chị sẽ đưa cho Tít một khoản để tự mua, tiền thừa mang về cho mẹ. Mấy năm trước, chị cho Tít 20 nghìn đồng một tháng để chi tiêu quà vặt và hồi đầu năm nay mới nâng lên là 40 nghìn đồng. Chị giao hẹn, mỗi tuần Tít sẽ được 10 nghìn đồng và nếu xin 20 nghìn đồng, con sẽ lấy tiền của hai tuần. Tít phải tự quyết định, nếu đồng ý, con cứ việc tiêu vì đó là tiền của con.
Tít không quá để ý tới chuyện được cho bao nhiêu, chỉ thỉnh thoảng đề cập tới và có nhu cầu xin thêm. Trong trường hợp ấy, mẹ Thảo vẫn giải quyết nếu con giải thích hợp lý và chính đáng. Nữ MC thừa nhận số tiền cho con hiện giờ hơi ít và chị sẽ tiếp tục bàn bạc với Tít để xem nhu cầu thực sự hàng ngày của con. Nếu muốn mẹ hỗ trợ thêm tiền tiêu vặt, Tít cũng có thể làm việc nhà vào cuối tuần.
Thảo Vân cho biết, nhà cách trường khoảng 4 km nên hàng ngày, Tít đạp xe đi học và nhiều hôm "khát khô cả cổ". Tít học bán trú và thường về nhà lúc khoảng 18h. Hết giờ học, con thường ở lại để cô hỗ trợ những môn chưa tốt hoặc chơi thêm với các bạn nên nhiều hôm đói bụng.
"Nhắc con về nhà ăn ngay cho đỡ đói thì hơi khiên cưỡng. Tôi muốn con kéo dài thời gian chơi với bạn bè bởi ngoài những lúc đó ra, các con ít có dịp nào để ở bên nhau", Thảo Vân nói.
MC nổi tiếng tâm sự, cảm giác con đứng nhìn các bạn ăn, con được chia nhưng luôn là người nhận khiến chị không chịu được. Chị muốn dạy con cả cách cho và cách nhận. Con sẽ trở thành người ki bo và cảm thấy thiếu tự tin khi đứng trước các bạn. Vì thế, chị tính sẽ nói chuyện thêm với Tít rằng con có thể đãi các bạn một tuần một bữa.
Ngoài khoản tiền cho hàng tuần, Thảo Vân cũng muốn trao đổi kỹ với con về vấn đề an toàn thực phẩm. Việc ăn quà vặt là một phần làm nên màu sắc của tuổi học trò. Đó là nhu cầu không sai nên chị không muốn cấm đoán mà chỉ nhắc nhở Tít. Chị dự định sẽ bàn bạc với các phụ huynh để đề xuất nhà trường mở căng tin. Như thế vừa đảm bảo cho các con lại thỏa mãn nhu cầu học sinh của chúng.
Trong mắt Thảo Vân, Tít là cậu bé tình cảm, hồn nhiên, vui vẻ và quan sát tốt. Tít kể với mẹ về bác bán thịt xiên lúc nào cũng đông khách; bác bán hàng cuối đường hay có các anh chị mua bỏng với nước uống. Từ khi có cửa hàng mới mở, thứ gì cũng có nên lượng khách đến quán của các bác ấy giảm đi rất nhiều. Tít thấy thương họ vì từ giờ sẽ chẳng còn bán được nhiều hàng như trước nữa.
"Đấy cũng là điều tôi rất thích ở con. Tôi nói với Tít rằng nếu sau này có tiền và có những thứ mua được ở những quán xa xa, con nên chia ra để ủng hộ các bác", Thảo Vân kể.
Với Tít, mẹ vừa là mẹ, vừa như một người bạn thân. Thói quen chia sẻ với mẹ mọi chuyện được hình thành từ khi Tít còn nhỏ. Để có được niềm tin ấy từ Tít, Thảo Vân cho rằng cần phải chịu khó dành thời gian cho con. Chị luôn cố gắng "vứt điện thoại ra một góc" để lắng nghe và chia sẻ với con "những thứ lung tung trên đời". Nhiều khi không hiểu câu chuyện con nói, chị phải giả vờ nghe chăm chú rồi sau đó tìm hiểu thêm. Ngoài ra trong lúc trò chuyện, chị gợi mở để con tâm sự với mình.
"Có những lúc Tít không muốn nói và bảo đó là chuyện của con. Con không kể thì tôi không gặng mà để lúc khác cháu sẵn sàng. Tôi luôn trao đổi với con bằng thái độ cởi mở và nhẹ nhàng để cháu không cảm giác sợ khi nói chuyện với mẹ", Thảo Vân cho hay.
Có lần, chị nghe cô giáo phản ánh lại Tít nói chuyện trong lớp và bị phạt đứng chép bài. Lựa buổi tối khi hai mẹ con ngồi cạnh nhau, chị nhắc tới chuyện này nhưng bằng một cách dễ chịu.
"Tôi hỏi con: 'Hôm nay mẹ nghe đồn có một bạn tên là Gia Bảo vì nói chuyện nhiều quá mà phải ra ngoài hẳn một tiết, còn một tiết đứng chép bài. Không biết thông tin mẹ nghe đồn có đúng không'. Thế là Tít cười tít mắt. Hoặc mẹ có thể bắt đầu là: 'Thực ra nói chuyện trong lớp cũng là việc rất thú vị và mẹ cực kỳ thích, nhưng mà thế này, thế này...', rồi mẹ giải thích ra", Thảo Vân chia sẻ.
Hà Phương