Là tiền truyện của phim Hai Phượng, Thanh Sói ngược dòng thời gian về thập niên 1980 - 1990, đưa khán giả bước vào tuổi thơ và thời trẻ của phản diện Thanh Sói. Lúc này, cô chưa phải là một bà trùm khét tiếng tàn độc, hãy còn là một cô gái 18, đôi mươi không nhà không cửa, không thân không thích, không được học hành, tương lai bất định.
Khi bà Sáu (NSND Hồng Vân) hỏi người đời gọi mình là gì, cô đáp gọn lỏn một chữ "đĩ". Bà Sáu chép miệng: "Tên của con cơ mà. Mẹ con gọi con là gì thì đó là tên con". Nghe vậy, cô khẽ lặng mình chốc lát, trước khi ngượng ngùng đáp "Bi". Nhờ lời nhắc của bà Sáu, Bi mới nhớ ra mình có thể không có cha sinh nhưng từng có mẹ dưỡng. Và cô cũng là một kiếp người, dù chịu muôn vàn chà đạp.
Được dì Lin (Ngô Thanh Vân) cứu khỏi tay ba thằng biến thái, Bi như được sinh ra lần thứ hai. Cô theo dì Lin về nhà, ở chung với Thanh (Tóc Tiên) và Hồng (Rima Thanh Vy). Cả ba trạc tuổi nhau, đồng cảnh ngộ thân cô thế cô và từng chịu nhiều tủi nhục. Dì Lin huấn luyện ba cô gái trẻ thành các sát thủ. Cùng nhau, họ lên kế hoạch triệt phá hang ổ của tứ đại ác ma Hải Chó Điên (Thuận Nguyễn), Long Bồ Đà (Song Luân), Tèo Mặt Sẹo (Phan Thanh Hiền), Sơn Lai (Gi A Nguyễn).
Đi đến cùng của bạo lực
Đầu năm 2019, Hai Phượng do Ngô Thanh Vân sản xuất và đóng chính ghi dấu ấn mới trong dòng phim hành động Việt, được xem là điểm sáng so với các tác phẩm cùng thể loại trước đó. Qua ba năm, trở lại với vai trò giám đốc sản xuất kiêm đạo diễn của Thanh Sói, Ngô Thanh Vân cho thấy sự nâng cấp của tính bạo lực trực diện trên màn ảnh.
Hai tiếng phim phủ ngập các màn rượt đuổi và đâm chém đẫm máu, dán nhãn 18+. Ở Hai Phượng, Ngô Thanh Vân đơn thương độc mã đấu tay đôi với cả đám giang hồ. Còn lần này, kịch bản của Thanh Sói đặt các nhân vật vào nhiều thế trận phong phú, có khi một chọi một, có lúc một nhân vật đấu cả phe phản diện, đôi khi hai nữ chính song kiếm hợp bích đối đầu đám đàn ông xăm trổ. Nhiều loại vũ khí được đưa vào phim. Dù nhân vật đến từ phe chính diện hay phản diện cũng thương tích đầy mình. Đổ máu và tử nạn không ít.
Dù vậy, phim không gây rối, đủ khiến khán giả nắm bắt diễn tiến câu chuyện và bị cuốn theo từng đòn đánh, cú đá của nhân vật. Điều này cho thấy khả năng kiểm soát câu chuyện và dàn cảnh hành động hiệu quả của đạo diễn Ngô Thanh Vân cùng các đạo diễn hành động.
Cái hay nhất, cũng là điểm cần ghi nhận nhất của Thanh Sói là tính chân thật trong từng cảnh đánh. Bộ phim không có chỗ cho những động tác đánh võ ẻo lả như múa hay những góc quay ăn gian, giả tạo - những thứ từng khiến khán giả ngao ngán ở không ít phim Việt.
Các diễn viên mang đến sự thuyết phục trong từng cú tung đòn, từng tiếng gằn giọng, từng ánh nhìn thù hận. Theo dõi hành trình của họ, người xem tìm được sự thỏa mãn cần có của thể loại hành động. Và ở mỗi khoảnh khắc nhân vật bị đâm chém hay trúng đạn, người ta có thể cảm nhận được sự đau đớn về thể xác mà nhân vật hay diễn viên chịu đựng.
Tiếp nối tinh hoa từ Hai Phượng, Ngô Thanh Vân cùng các cộng sự cho thấy tinh thần đi đến cùng của thể loại hành động. Tác phẩm cũng hàm chứa sự quyết liệt "chơi tới bến" của dàn diễn viên. Nhóm cascadeur có mặt ở phim trường với tính chất hỗ trợ những phân cảnh quá mạo hiểm. Bởi ba nữ chính Đồng Ánh Quỳnh, Tóc Tiên và Rima Thanh Vy tự thực hiện phần lớn các cảnh rượt đuổi, đua xe, đánh đấm.
Cùng các cảnh võ thuật và hành động, loạt cảnh hãm hiếp, chơi ma túy cũng gợi được cảm giác ghê rợn đối với người xem.
Không khí bên lề xã hội
Thiết kế bối cảnh và phục trang là hai yếu tố quan trọng giúp chất hành động của Thanh Sói đạt hiệu quả.
Với xuất thân đặc thù của các nhân vật chính, câu chuyện phim thường diễn ra ban đêm, ở các xóm lao động, chợ bình dân, khu ổ chuột hay sào huyệt mại dâm, ma túy được đội lốt bởi xưởng cá, xưởng nước đá, vũ trường. Các địa điểm trên phim được ghi hình ở những khu nhà đã ngả màu thời gian của đô thị, được dàn dựng thêm cho đúng chất những nơi chốn phức tạp bên lề một xã hội đương thời phát triển.
Xem phim, người ta phần nào cảm nhận được mùi hôi thối của cống rãnh, mùi xác động vật chết lẫn với mùi máu tanh sau các cuộc thanh trừng của xã hội đen. Lối sống tạm bợ của con người, vẻ nhơ nhớp của đường sá, sự xuống cấp của những tòa nhà như ngụ ý phản ánh sự bại hoại, biến chất của tâm tính những con người bị cuốn vào cuộc chiến trong câu chuyện.
Lối mô tả đời sống tạm bợ và ô nhiễm, cách dàn dựng cảnh hành động đậm tính bạo lực trực diện cùng cách khắc họa chân dung những người đàn ông biến thái của Thanh Sói gợi nhắc nhiều đến phong cách nổi bật của dòng phim xã hội đen thập niên 1970 - 1980 của Hong Kong.
Dàn nhân vật trong phim được thiết kế kiểu tóc và các bộ trang phục theo mốt gần 30 năm trước. Đôi chỗ, cách trang điểm hay lên đồ của nhân vật hơi cường điệu để tạo điểm nhấn thị giác nhưng nhìn chung, phim tạo được màu sắc retro, không khí hoài cổ.
Câu chuyện nhiều lớp lang
Hơn ba năm trước xem Hai Phượng, nhiều người thấy thỏa mãn về chất hành động nhưng tiếc nuối kịch bản nông, tâm lý nhân vật một chiều. Những nhược điểm ấy phần nào được Ngô Thanh Vân bù đắp trong Thanh Sói.
Kịch bản lần này có tính truyện hơn, khắc họa số phận trôi nổi bị dòng đời đẩy đưa đến những ngã rẽ sai lầm của các nhân vật, làm rõ thông điệp nữ quyền thông qua việc tôn vinh ý chí sinh tồn của các cô gái dưới đáy xã hội. Các cú lật (twist) dễ đoán nhưng khá hay. Có điều, phim bày ra nhiều tuyến truyện và nhân vật, nhưng không đủ sức khai thác triệt để tất cả.
So với Thanh và Hồng, nhân vật dì Lin của Ngô Thanh Vân còn ra dáng nữ chính hơn, được đặt ở thế đối trọng với Bi. Trong phim, chỉ Bi và dì Lin được mô tả chi tiết về câu chuyện quá khứ, động cơ thay tâm đổi tính, đóng vai trò tạo ra tình huống và giải quyết tình huống. Các nhân vật còn lại số phận chỉ được đề cập qua vài câu thoại, chủ yếu để khán giả tự tìm lời giải đáp.
Phần lớn cái chết trong phim diễn ra lãng xẹt. Phim vẫn mắc lỗi muôn thuở của điện ảnh Việt là mượn thoại để giải thích. Nhiều cảm xúc của Bi được diễn tả bằng những lời tự sự, thay vì được khắc họa nội tâm. Thoại phim nặng tính trình bày và giáo điều.
Như được giới thiệu từ trước, Bi sau này đổi tên thành Thanh Sói, nghĩa là lấy tên của Thanh làm tên mình. Điều này đòi hỏi kịch bản khắc họa giữa hai cô gái phải có có mối quan hệ đặc biệt, đủ để lựa chọn đổi tên trở nên thuyết phục. Tuy nhiên, bộ phim đã không thể đáp ứng.
Nhìn chung, dàn diễn viên được đặt vào vai diễn vừa sức. Đồng Ánh Quỳnh thoát khỏi hình ảnh đơ cứng, nói thoại giọng miền Nam tốt, diễn cảm xúc trọn vẹn. Biểu hiện của cô xứng đáng với danh xưng đả nữ thế hệ mới do Ngô Thanh Vân trao tặng.
Tóc Tiên kiểm soát nhân vật tốt, ra khí khái một chị đại bụi đời bên ngoài lãnh đạm, bên trong ấm áp. Rima Thanh Vy cho thấy sự mong manh ẩn sau tính cách nhí nhố, dị biệt của nhân vật. Nhược điểm lớn nhất của cô là đài từ không tròn vành rõ chữ.
Là nhân tố bí ẩn song hành cùng họ, Ngô Thanh Vân thêm lần nữa khẳng định đẳng cấp đả nữ hàng đầu Việt Nam với lối đánh đẹp mắt, cách xử lý võ thuật thông minh. Tuy nhiên, diễn xuất tâm lý và thoại của cô vẫn còn hạn chế.
Hai nam chính Thuận Nguyễn và Song Luân có cú lột xác ấn tượng, trở nên hoang dã, có chất điên sau loạt vai hiền lành.
Thanh Sói cho thấy bước tiến mới của Ngô Thanh Vân ở vai trò nhà làm phim. Nhìn từ góc độ phim hành động, đây là một tác phẩm tốt, nhiều tâm huyết xứng đáng khép lại năm 2022 của điện ảnh Việt. Bộ phim đã trải qua nhiều gian nan về kiểm duyệt, trước khi đến được với công chúng.
Phong Kiều