Mèo được rao bán khắp phố. |
Ngay đầu con phố Nguyễn Thái Học có biển lớn màu xanh rất nên thơ: “Tiểu hổ đồng quê”. Ngay dưới hè phố là một thúng đầu mèo trắng ởn, cạnh đó là một nia bày kín thịt mèo đã thui vàng. Lão “đồ tể” vung đôi tay vằn vện gân guốc băm băm, chặt chặt.
Từng con mèo hiền lành, lông mượt óng ả được lôi ra từ chiếc lồng sắt to tướng rồi bị dây thòng lọng quấn vào cổ thít lại thật chặt. Lão đồ tể quẳng chú mèo đang trợn mắt, giãy giụa trong tuyệt vọng vào bể nước đen ngòm. Con mèo đáng thương quẫy đạp một lúc rồi tã tượi chìm nghỉm. Xác mèo được tống vào thùng chiếc máy cũ kỹ, trông tựa như chiếc máy giặt, ông chủ quán tên Dân bảo rằng, đó là máy làm lông mèo.
Trong máy đã có sẵn nước sôi, khi cắm điện, hai quả lô quay, vần và đánh tuột hết lông mèo. Mèo sạch lông được đưa vào giàn thui để da lên màu vàng óng, sau đó mới mổ bụng và chế biến thành các món ăn. Thịt mèo chủ yếu được chế biến thành các món như hấp, xào sả ớt, dựa mận, xào lăn, lòng xào, giả cầy...
Chỉ một loáng, thịt, xương, chân đùi... đã được lọc ra đâu vào đấy. Tuy nhiên, đống thịt mèo đó đã được đặt hàng rồi. Khách “xịn” vào đây đều tự lựa chọn những con mèo còn sống rồi chứng kiến các “đồ tể” làm thịt, chế biến các món nhậu khác nhau.
Khách tự chọn sẽ được ăn thịt tươi, bởi lỡ ăn thịt làm sẵn lại đúng mèo chết vì xơi bả chuột thì toi đời. Khách bình dân thì ăn mèo vàng, trung lưu thì ăn mèo tam thể, khá giả thì ăn mèo mướp, còn quan chức, lắm tiền nhiều của thì ăn mèo đen tuyền. Loại mèo đen tuyền và mèo rừng còn gọi là mèo “quý tộc”, được đưa từ miền núi về, có thể đến 1 triệu đồng.
Tại “Tiểu hổ đồng quê” - quán hàng đầu không những ở thành phố Thái Bình mà còn nổi tiếng khắp tỉnh. Các đồ tể của quán phải dậy từ 5 giờ và làm việc quần quật cả ngày mới đủ lượng thịt cung ứng cho khách hàng và phục vụ khách nhậu tại chỗ.
Rời con phố Nguyễn Thái Học, xuôi theo đường Lê Đại Hành, nơi có khá nhiều quán tiểu hổ như “Trinh Hạnh thịt mèo”, “Thịt mèo Phúc Hương”, “Lẩu mèo Hợi”... Phố Lý Thường Kiệt cũng được mệnh danh là nhiều quán nhậu “tiểu hổ” nhất Thái Bình. Đếm sơ sơ từ đầu phố đến cuối phố cũng có đến 10 quán nhậu “tiểu hổ”, trong đó có một số quán lớn và nổi tiếng nhất như “Đặc sản tiểu hổ Tuấn Béo” (quán là một ngôi nhà 5 tầng, sang trọng, chuyên tiếp đón các vị tai to mặt lớn đến nhậu thịt mèo), “Thịt mèo Ngọc Thao”, “Tiểu hổ đủ món”, “Duyên thịt mèo”...
Quán nhậu có cái tên rất hấp dẫn “A! Mèo hấp” đã gây cho thực khách nhiều ấn tượng. Trên biển quảng cáo của quán vẽ hình một con mèo đen xì. Ngay trước hiên trưng một lồng mèo với khoảng 50 con đủ cả trắng, đen, vàng, gio... tùy khách chọn lựa.
Quán nhậu “Duyên thịt mèo” đặc biệt ở chỗ đồ tể của quán là... 3 người đàn bà. Nữ đồ tể thò bàn tay hộ pháp vào lồng, tóm mấy chú mèo mướp cho vào chiếc bao tải cáu bẩn. Nữ đồ tể cầm chiếc chày gỗ nham nhở ráng sức bình sinh nhằm thẳng vào chiếc bao tải đập chan chát. Những chú mèo đáng thương gào lên “ngoeo, ngoeo” ghê rợn.
Quán nhậu “Tiểu hổ đồng quê” ở phố Nguyễn Thái Học mỗi ngày tiêu thụ trên 100 con, những quán khác cũng chừng vài chục con. Cứ tính trung bình mỗi quán tiêu thụ 10 con mèo mỗi ngày, thì với 100 quán nhậu trên địa bàn thành phố, mỗi ngày cũng có 1.000 chú mèo “về trời”. Như vậy, mỗi năm cũng có cả trăm nghìn con mèo phải lên thớt ở cái thành phố miền quê bé nhỏ này.
Theo Công An Nhân Dân, trong Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng quy định rõ: “Thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán thịt mèo, xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, buôn bán mèo...”.
Ông Trần Sỹ Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình, bức xúc: “Chúng tôi đã từng thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu các quán thịt mèo dừng hoạt động. Song chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra chứ không có chức năng xử phạt nên chẳng có tác dụng gì”.
Cũng theo ông Hiếu thì các cơ quan chức năng trong tỉnh đang bế tắc trong việc tìm đầu ra bởi dịch vụ ăn nhậu thịt mèo phát triển quá nhanh, quá mạnh trên khắp địa bàn tỉnh. Để bảo vệ được đàn mèo cần phải có sự vào cuộc của thanh tra, đặc biệt là lực lượng công an.
Trong một tài liệu của TS Nguyễn Văn Thanh, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội thì một chuột đồng lớn trong vòng đời 1 năm có thể sinh 80 chuột con và cứ 2 tháng lại có một thế hệ chuột tham gia sinh sản được. Người dân quê lúa cũng thừa biết tác dụng diệt chuột của đàn mèo, song mèo ở đây mỗi ngày thêm vắng bóng vì các quán nhậu mọc lên. Đàn chuột giờ đây lại có dịp tác quái, người nông dân ngày càng lệ thuộc vào thuốc diệt chuột của Trung Quốc, bẫy điện, những thứ vốn đã không ít lần gây ra tai nạn chết người mà hiệu quả thì chẳng đáng là bao.