Giáng Hương (Lê Khánh) là cô đào hát sắc sảo, giỏi nghề. Lĩnh Nam (NSƯT Thành Lộc) là nhà biên kịch, đạo diễn sân khấu tài ba. 20 năm đồng hành, họ gầy dựng gánh hát gặt hái thành công, tạo nên nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích. Trong đời sống, họ là cặp vợ chồng được mọi người ngưỡng mộ cả tài năng và hạnh phúc gia đình.
Song, thời thế thay đổi, khi khán giả bắt đầu chuộng những câu chuyện mới lạ hơn, Giáng Hương và Lĩnh Nam buộc phải lựa chọn hướng đi tiếp theo cho gánh hát. Lĩnh Nam mong muốn dựng một vở kịch thời thượng để chiều lòng thị trường. Giáng Hương lại khao khát gìn giữ giá trị truyền thống, quyết dựng vở kịch lịch sử Huyền Trân để phục vụ một bộ phận khán giả đam mê nghệ thuật sân khấu thuần túy.
Dùng tên nhân vật Giáng Hương đặt cho vở diễn, tác phẩm xoay quanh nỗi lòng của cô đào chính khi chứng kiến sự đổi dời của cuộc sống, cũng như khi đối diện với sự rạn vỡ trong gia đình. Quan điểm làm nghề khác biệt của Giáng Hương và Lĩnh Nam đã mở ra những câu chuyện đắt giá về thời cuộc, đồng thời khắc họa tâm tình của những phận tằm nhả tơ sau ánh hào quang.
Giáng Hương thiên về việc trau chuốt các vở diễn mang tính hàn lâm, đậm chất nghệ thuật để gìn giữ phẩm giá của một người làm nghề chân chính. Từ góc nhìn của Lĩnh Nam, ông cho rằng nếu không chạy theo bài toán kinh doanh, thỏa mãn cái tôi nghệ sĩ mà bỏ quên thị hiếu, các tác phẩm sẽ không được đón nhận và gánh hát sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ.
Thông điệp chưa bao giờ cũ
Giáng Hương được dựng theo kịch bản gốc của vở thoại kịch Trong bóng tối hậu trường của cố soạn giả Nguyễn Thành Châu (NSND Năm Châu). Tác phẩm còn quen thuộc với khán giả qua hình hài vở cải lương Sân khấu về khuya.
Vào thời điểm tác phẩm gốc ra mắt, sự phát triển của văn hóa phương Tây đang dần ảnh hưởng đến văn nghệ nước nhà, khiến các tác phẩm không còn gìn giữ được giá trị nghệ thuật truyền thống. Qua nhiều thập kỷ, chuyện trong tác phẩm vẫn hợp thời, đặt ra câu hỏi muôn thuở cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: nên phát triển góc nhìn độc đáo của bản thân hay hòa theo dòng chảy thị trường.
Trong nhạc kịch Giáng Hương, với sự xuất hiện của cô đào trẻ Mỹ Tiên (Vân Trang), màn tranh luận giữa Giáng Hương và Lĩnh Nam càng đẩy đến đỉnh điểm. NSƯT Thành Lộc đã mượn câu chuyện tình yêu để luận bàn về sự lựa chọn của người nghệ sĩ.
Mỹ Tiên đại diện cho nghệ thuật tân thời, trong khi Giáng Hương lại là hình mẫu của nghệ thuật truyền thống. Việc Lĩnh Nam quyết định kết thúc mối quan hệ với Giáng Hương, thành hôn với Mỹ Tiên như lời khẳng định chắc nịch ông sẽ rời bỏ giá trị văn hóa xưa để chiều lòng đại chúng.
Mượn nhiều ẩn dụ
Ở màn đầu tiên, vở kịch hầu như chỉ đề cập đến hai quan điểm lớn là "hướng về khán giả" hay "thỏa mãn bản thân". Khi tác phẩm đặt tư tưởng đó vào các tình huống cụ thể là nghệ thuật và cuộc sống, khán giả chứng kiến được sự đối lập của hai cá nhân trong bộ đôi ăn ý.
Xuyên suốt vở diễn, các nhân vật thường xuyên nêu lên các tuyên ngôn về nghệ thuật. Ở màn tranh luận về mối quan hệ giữa nghệ sĩ - khán giả của Lĩnh Nam và Giáng Hương, tác phẩm truyền tải thông điệp mang tính thời đại về việc nghệ sĩ có cần làm hài lòng công chúng không. Khi Giáng Hương cho rằng khán giả là người nuôi sống diễn viên nên cô cần phải làm những điều họ thích, dù bản thân không muốn. Song, Lĩnh Nam lại cho rằng đó là mối quan hệ công bằng.
Kịch bản Giáng Hương không áp đặt tính đúng - sai cho các vấn đề. Vở kịch chỉ khai thác quan điểm khác nhau của từng nhân vật, chỉ rõ mỗi người đều có những nhận định hợp lý, sau đó từng khán giả khi thưởng thức sẽ chọn riêng cho mình một góc nhìn.
Với bối cảnh tối giản, mang tính ước lệ cao, tác phẩm chú trọng vào lời thoại và diễn xuất của các diễn viên, kết hợp cùng hiệu ứng ánh sáng và thủ pháp dàn dựng độc đáo. Ở nhiều đoạn, ánh sáng sân khấu được giảm xuống tối đa, để lại nhân vật trong vùng đèn đơn độc, làm bật lên tâm sự cá nhân. Các câu thoại của nhân vật dài, cấu trúc phức tạp, từ ngữ hoa mỹ và mang nhiều ý tứ.
Vở kịch tận dụng các đạo cụ trên sân khấu như một phương tiện truyền tải câu chuyện. Giáng Hương và Mỹ Tiên cùng giằng co chiếc ghế làm việc của Lĩnh Nam ẩn ý cho cuộc tranh giành trái tim người đàn ông giữa hai người phụ nữ. Khi Lĩnh Nam bỏ đi, hình ảnh chiếc gối Giáng Hương ôm trên tay như thể hiện sự tan vỡ của một gia đình.
Ở màn hai của vở kịch, NSƯT Thành Lộc thể hiện sự mới lạ trong cách dàn dựng khi thường xuyên cho nhân vật ngồi quay lưng về phía người xem và để diễn viên truyền tải biểu cảm qua tấm gương nhỏ của bàn trang điểm. Dù vậy, cách đặt vị trí gương trên sân khấu không thuận lợi với những khán giả ngồi ở vị trí khuất sân khấu, khiến ý đồ không thể truyền tải trọn vẹn.
Dàn nghệ sĩ phô diễn thực lực
Với khán giả đại chúng, Lê Khánh vốn quen thuộc trong các vở kịch hoạt náo, vui vẻ. Dấu ấn đậm nét của Lê Khánh ở thể loại chính kịch là vai chính trong vở Người đàn bà không ngủ cách đây 17 năm, khi cô diễn xuất chủ yếu qua đôi mắt và chỉ thoại đúng hai câu bằng toàn bộ nội lực.
Giáng Hương tiếp tục là tác phẩm chứng minh thực lực diễn xuất của Lê Khánh. Ở vai trò chủ chốt, điều khiển đường dây câu chuyện, nữ diễn viên giữ vững tâm lý nhân vật và liên tục thay đổi sắc thái cảm xúc. Ba giờ đồng hồ, cô là một cô đào tự tin, một người mẹ thương con, một chủ gánh hát mạnh mẽ.
Sau vẻ ngoài đó, Lê Khánh thể hiện nỗi khắc khoải và đau đáu của một người phụ nữ đánh mất đi tri âm, tri kỷ. Ở phân cảnh hóa thân thành công chúa Huyền Trân, Lê Khánh gợi nhắc đến lớp diễn cao trào của nhân vật Kim Liên cô từng thể hiện rất thành công trong tác phẩm Tiên Nga.
Cùng Lê Khánh, NSƯT Thành Lộc dẫn dắt chính ở màn đầu tiên của vở diễn. Ông chứng tỏ bản thân là "phù thủy sân khấu" khi biến đổi ánh mắt và giọng nói linh hoạt. Có lúc, nghệ sĩ thể hiện ánh nhìn trìu mến của một người chồng nhưng vẫn thoáng có chút ghen tuông. Sau đó, đôi mắt ông lại hiện vẻ bối rối khi đứng giữa sự lựa chọn tri kỷ hay nhân tình.
NSƯT Thành Lộc truyền tải chất giọng đanh thép khi nói chuyện cùng các nhân vật khác nhằm thể hiện quyền lực của người chủ gánh hát. Song, khi cùng vợ tranh luận về hạnh phúc gia đình, ông lại bỏ nhỏ, đôi lúc run run như tâm tình của một người đàn ông chưa sẵn lòng rời xa tổ ấm.
NSƯT Thành Lộc và Lê Khánh có sự tương tác tốt, nâng đỡ nhau trong các lớp diễn. Khi phác họa khung cảnh gia đình hạnh phúc, cả hai thể hiện những cử chỉ ân cần, đưa đẩy nhau bằng các câu đùa ý tứ.
Dù vậy, ở vài khoảnh khắc nhỏ, họ lại trao nhau ánh mắt dò xét, như báo hiệu cho người xem những vết nứt đang hình thành trong mối quan hệ giữa hai người. Ở phân đoạn tranh luận, hai diễn viên dồn nội lực vào từng câu thoại dài, liên tục sử dụng những triết lý cuộc sống để đối đáp nhưng vẫn trôi chảy, ăn ý. Ở cảnh cuối, hình ảnh hai diễn viên kìm nén cảm xúc mãnh liệt, dìu nhau trên sân khấu, đồng bộ với nhạc nền dần đẩy cảm xúc của khán giả lên cao.
Vào vai quản gia Ba Hoài, NSƯT Hữu Châu dù không có nhiều đất diễn nhưng vẫn tạo ấn tượng trong một phân đoạn ở màn hai. Ba Hoài từng là một kép hát nổi danh nhưng phải bỏ nghề do tai nạn. Với điệu bộ chậm rãi và giọng nói trầm, NSƯT Hữu Châu gây xúc động khi truyền tải thông điệp về cuộc sống của một ngôi sao qua thời và nỗi khao khát truyền lửa cho lứa thế hệ sau. Ở màn đầu, dù chỉ xuất hiện thoáng qua trên sân khấu và không thoại, anh vẫn bộc lộ ánh mắt chất chứa nhiều tâm sự của một người từng trải khi chứng kiến hôn nhân của Giáng Hương và Lĩnh Nam đang rạn nứt.
Giáng Hương mang theo cốt truyện và nhân vật cũ nhưng thay đổi cách dàn dựng, biến đổi thành một tác phẩm nhạc kịch. Các ca khúc trong Giáng Hương đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp giữa các bản ca cổ, thanh âm bolero của Sài Gòn xưa, đôi lúc là nhạc pop hiện đại. Với sự dụng công trong việc xây dựng đường dây tuyến múa đương đại của vũ đoàn, tác phẩm có nhiều khoảnh khắc nhạc kịch ấn tượng, giúp nhân vật thoát ly với thực tại.
Dù vậy, khác với các bài nhạc được diễn viên trình diễn trực tiếp trong vở nhạc kịch Tiên Nga, các ca khúc trong Giáng Hương lại được thu sẵn, yêu cầu các nhân vật lipsync. Đôi lúc, khẩu hình diễn viên không khớp với lời nhạc, âm lượng khác hẳn với giọng nói khiến cảm xúc khán giả bị đứt quãng.
NSƯT Thành Lộc cũng đặt để nhiều dụng ý khi thể hiện sự đối lập của Giáng Hương và Mỹ Tiên qua trang phục. Mỹ Tiên mặc áo dài đen chiết eo, tôn dáng trong lần đầu xuất hiện như ẩn dụ cho các tác phẩm thời thượng núp bóng truyền thống. Về sau, cô mặc y phục như chứng minh các giá trị mới đang lan tỏa trong xã hội.
Trong khi đó, Giáng Hương chỉ diện áo bà ba suốt vở diễn. Khi thủ vai công chúa Huyền Trân, cô cũng không mặc bộ cánh lộng lẫy, khẳng định quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc.
Kéo dài gần bốn tiếng nhưng Giáng Hương không tạo cảm giác lê thê khi liên tục kéo khán giả vào những sự kiện xoay quanh nhân vật cùng tên. Kết thúc vở kịch, số phận các nhân vật bị bỏ lửng, để lại cảm giác man mác cho người xem khi ra về.
Sau buổi công diễn, NSƯT Thành Lộc xúc động cảm ơn người nhà của soạn giả Năm Châu vì cho ông được chạm vào tác phẩm này. Sau khi rời khỏi Idecaf, đây là lần trở lại đầu tiên của nghệ sĩ trên sân khấu kịch người lớn.
Với sân khấu vừa được thành lập mang tên Thiên Đăng, NSƯT Thành Lộc nhắn nhủ khán giả rằng làng kịch nghệ Sài Gòn giờ đã có thêm một "em út" mới. Dịp này, ông còn giới thiệu đến công chúng nhóm ITS gồm các bạn trẻ biểu diễn nhạc kịch.
Đỗ Hoàng