Nhạc sĩ Thuận Yến ra đi là một mất mát lớn trong gia đình Thanh Lam cũng như trong tâm khảm của những người yêu nhạc Việt Nam. Dẫu nhạc sĩ đã không còn nữa, nhưng một hạnh phúc lớn đối với diva nhạc Việt là những tác phẩm âm nhạc của ông vẫn còn ở lại, mãi mãi như một giá trị không thể phủ nhận và thay thế.
Trước đây, Thanh Lam và em trai mình là nhạc sĩ Trí Minh từng tổ chức một đêm diễn cho cha tại Nhà hát lớn để ông có thể được sống trong một không khí âm nhạc của riêng mình, nhìn thấy tận mắt sự trưởng thành trong nghề nghiệp của con cái. Và năm nay, sau tất cả bàng hoàng vì sự ra đi của ông, Thanh Lam và gia đình một lần nữa lại muốn những bản tình ca cha viết được cất lên, trang trọng giữa thủ đô như một vĩ thanh gửi về trời cho nhạc sĩ, rằng tác phẩm của ông vẫn luôn luôn tồn tại trong trái tim của tất cả mọi người.
Đêm nhạc Bản tình ca cha viết sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 8/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, do chính Thanh Lam và em trai dàn dựng. Các ca sĩ Tùng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ sẽ là khách mời trong chương trình. Show diễn còn có sự xuất hiện đặc biệt của NSƯT Thanh Hương (vợ nhạc sĩ Thuận Yến), Thiện Thanh (con gái thứ hai của Thanh Lam) và nhạc sĩ Quốc Trung. Bản tình ca cha viết được chia làm 5 phần: chùm ca khúc viết về Bác Hồ, chùm ca khúc viết về người mẹ Việt Nam, chùm ca khúc viết về chiến sĩ, chùm ca khúc về đất nước, những miền quê và cuối cùng là chùm tình khúc.
Nói về sự tham gia của mẹ trong đêm nhạc, Thanh Lam tâm sự: “Mất mát lớn nhất trong gia đình tôi, chắc chắn là mẹ, người đã đồng hành với cha tôi trong suốt cả cuộc đời. Cha tôi có mẹ đến tận phút cuối cùng, nhưng ngược lại kể từ bây giờ, mẹ tôi lại thiếu đi một nửa cuộc đời của mình”. Với mỗi một tác phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến, nghệ sĩ Thanh Hương đều thấp thoáng bóng dáng đâu đó. Và hơn ai hết, chính bà là người thấu hiểu nhất những câu chuyện gắn liền với từng bài hát mà chồng mình đã viết ra... Trong lần trở lại với sân khấu này, Thanh Lam muốn để mẹ là người kết nối từng câu chuyện ấy lại với nhau để kể cho khán giả.
Với riêng diva, những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến đã đặt nền móng cũng như tạo dấu ấn mãnh liệt trong sự nghiệp của chị. Các bài hát như Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Khát vọng, Em tôi, Màu hoa đỏ... đều là những mốc son trong từng giai đoạn âm nhạc của chị, được công chúng mến mộ và tôn vinh. Trong gia đình, cha và mẹ của Thanh Lam chính là hai người thầy dìu dắt và tạo cảm hứng cho sức sáng tạo bùng nổ của chị. Nhiều tác phẩm âm nhạc được viết ra để dành riêng cho giọng hát cá tính của chị.
Sau hơn 4 tháng ông đi xa, Thanh Lam đã viết những lời xúc động về cha:
“Ba thân yêu! Con vẫn giữ nguyên những ký ức ngày xưa bên nhau. Con nhớ chuyến tàu mang mấy ba con vào Nam chơi, ba mắng con cứ ngửa mặt ra cửa sổ khi tàu chạy, để gió táp vào mặt, để cảm nhận hương vị của làng quê. Ba đã nói mãi mà con không chịu thôi, nên phải ăn một cái bạt tai mà con phải nhớ đến tận bây giờ, cũng chỉ vì cái sự lãng mạn ngu ngốc mạo hiểm. Rồi con nhớ những buổi tối ba dạy con học nhạc, nếu chăm chỉ được ba mua phần thưởng là bánh mì chấm với sữa, sao mà ngon đến vậy. Rồi con nhớ những đêm ba đưa con đi biểu diễn, kết thúc chương trình lại trở về cùng nhau... Mẹ đang đợi chúng ta ở nhà!
Ba lúc nào cũng miệt mài viết lách, xong lại gọi mẹ vào để nghe và đóng góp ý kiến. Thế là con trong lúc học bài lại được học lỏm bao nhiêu là tranh luận. Mẹ đúng là một khán giả khó nhằn. Vậy mà ba cứ hát, hát để chinh phục người đàn bà duy nhất mà ba yêu, ba sợ.
Con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngập tràn hạnh phúc và một tuổi thơ đầy ước mơ. Con đã mơ được hát bản tình ca cha viết và giấc mơ có thực. Con và em, mẹ sẽ ôn lại những kỷ niệm bằng câu chuyện âm nhạc cha đã viết suốt cả cuộc đời!”
Quỳnh Như