- Do đâu mà chị lại nảy ra ý định viết tự truyện và ai là người "chắp bút" cho cuốn sách này?
- Suốt 40 năm qua mọi người chỉ biết đến Thanh Hoa qua tiếng hát và những tin đồn hư thực, thất thiệt về cuộc đời tôi. Tự truyện này là lời cảm ơn những khán giả ngưỡng mộ tôi trong suốt 40 năm ca hát, để họ hiểu về tôi. 40 năm cho một tình yêu có dễ đâu.
Tôi đã trải qua những thăng trầm, ấm lạnh, không chỉ có tỏa sáng và lộng lẫy, mà còn biết bao nỗi đau buồn và sự thương tổn. Nhà văn Trần Thị Trường sẽ là người thể hiện tự truyện theo lời kể của tôi. Trường là bạn và đã chứng kiến những biến cố tôi từng trải qua, hơn nữa cô ấy cùng thời, nên chia sẻ được những chuyện chỉ có thể cùng thế hệ mới có mối đồng cảm.
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa. |
- Bày tỏ cuộc đời trên trang sách đôi khi cũng là cách để người ta thanh minh về mình. Chị nghĩ sao?
- Tôi không có ý định chứng tỏ mình trong sạch, tốt đẹp, hay "toả sáng" một lần nữa với cuốn tự truyện này. Cũng không chờ đợi mọi người sẽ yêu quý tôi hơn, sẽ dành cho tôi ưu ái hay nương nhẹ gì đó... bởi những cay đắng nhất tôi đã chịu rồi và đã vượt qua. Với người ca sĩ, tiếng hát chính là con người.
Bạn bè tôi nói, khi nghe tôi hát, họ nhận ra tôi rất đàn bà, cả tin và mong manh... Đó cũng chính là chân dung tôi trong cuộc sống. Tôi không biết người khác sẽ thế nào, còn tôi sẽ không giấu diếm gì trong hồi ký, kể cả những chuyện riêng tư nhất.
- Chị từng bị tai tiếng và oán trách rất nhiều vì sự ra đi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Điều này sẽ được "giãi bày" trong tự truyện như thế nào?
- Tôi cũng đoán trước được rằng đây sẽ là phần người ta chờ đợi nhất trong tự truyện. Bi kịch nào cũng có "hoàn cảnh lịch sử xã hội" của nó. Thời tôi 19 tuổi, người đàn bà có thai ngoài giá thú sẽ bị coi là hư hỏng, còn người đàn ông làm cô ta mang thai sẽ không phải chịu điều tiếng gì. Và nếu người phụ nữ dám quyết liệt với tình yêu của mình sẽ bị tiếng là lẳng lơ...
Bây giờ thì không còn kiểu quy chụp đạo đức như thế nữa, người ta được quyền sống trung thực với trái tim của mình. Tôi muốn qua câu chuyện của cá nhân tôi, mọi người sẽ có được cái nhìn đồng cảm, có tình với những người phụ nữ bị gọi là "tai tiếng". Còn những gì tôi gánh chịu với vai trò "người ở lại" sau cái chết của Phan Lạc Hoa, chỉ có thể nói là khủng khiếp.
Tôi bắt đầu nổi tiếng thì chồng ra đi, tôi bị tiếng ruồng rẫy chồng, để anh ấy uất ức đến nỗi phải tự tử. Không ai nghĩ rằng anh ấy cũng đáng trách vì sự yếu đuối của mình, rằng tôi cũng chịu những bi kịch oan nghiệt.
Tôi vẫn còn nhớ, 3 tháng sau khi anh Phan Lạc Hoa mất, tôi đi chợ mua một miếng giò cho con, người bán hàng nhổ vào mặt tôi chửi: "Giết chồng mà vẫn còn ăn giò...". Đấy chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho những tổn thương, cắn xé mà tôi phải trải qua. Mà trải qua bằng cách nào bạn biết không? Chỉ có câm lặng. Biết nói cho ai, mà ai hiểu, ai tin? Con tôi cũng bin tổn thương và áp lực rất lớn vì chuyện của bố mẹ.
Phan Huyền Thư còn bé tí đã thường xuyên phải chuyển trường vì bạn bè xì xào, đàm tiếu về "người mẹ không tốt" khiến bố nó phải tìm đến cái chết. Ở cái tuổi đáng ra phải được hồn nhiên nhưng con tôi đã là một đứa trẻ hay nghĩ ngợi và cô độc.
- Nói ra những bi kịch trong cuộc hôn nhân của mình, chị có sợ con mình sẽ bị sốc?
- Đó sẽ là phản ứng tất nhiên, nhưng đã viết ra thì phải là sự thật và tôi cũng cần được nhẹ lòng! Nếu người thân thông cảm được thì tốt, còn họ không chia sẻ thì tôi cũng đành chịu. Tôi chưa bao giờ ngồi kể cho con nghe chuyện tình yêu và những bi kịch của bố mẹ chúng.
- Nếu chị chia sẻ với con mình sớm hơn, biết đâu ký ức đã không phải là gánh nặng?
- Thư rất yêu bố và luôn tự hào có một người cha như thế. Tôi không thể kể vì sợ làm tổn thương đến những suy nghĩ của Thư về bố. Tôi luôn e ngại, vì nói ra sẽ làm Thư thất vọng, tủi thân vì bố đã đối xử... như thế với mẹ. Bây giờ thì con tôi đã làm mẹ, đã trải qua những biến cố để có cái nhìn chính xác về cuộc sống. Tôi tin rằng con tôi sẽ hiểu những câm lặng và oan khuất tôi chịu đựng bao năm nay.
- Khi thực hiện tự truyện, ngồi "thống kê" quá khứ thì cảm xúc của chị như thế nào?
- Có lúc thấy buồn cười, có lúc ứa nước mắt, có lúc ước sao không bao giờ mình phải sống những ngày như vậy. Sẽ không ai có thể tin là Thanh Hoa đã từng kéo xe bò, nắm than, rửa bát thuê, đi làm đường, chặt mía... để kiếm sống.
Cũng như không thể tin rằng ngày tôi mới chân uớt chân ráo về Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam đã bị sếp mắng phủ đầu: "Chỗ này có phải sọt rác đâu mà đưa về một con bé vừa lùn, vừa đen, vừa xấu, hát lại chua như dấm thế này. Cái ngữ ấy chỉ có làm bần tiện sân khấu". Có ca sĩ nào bị hạ nhục như thế chưa?
Vì lời thoá mạ ấy mà tôi đã phấn đấu, dù có chết tôi cũng phải được hát trên sân khấu, để chứng minh mình có làm "bần tiện sân khấu" không! Những người gây oan ức, những người không sòng phẳng trong nghệ thuật vẫn sống, "nhân chứng, vật chứng" vẫn còn, và tôi không ngại gì nói thật.
- Hồi ký của chị đã chuẩn bị viết từ rất lâu rồi, nhưng hồi ký của Lê Vân ra trước gây sốc và "cháy" trên thị trường, chị có sợ rằng hồi ký của chị ra sau sẽ bị coi là "ăn theo"?
- Mỗi người có một số phận, một cuộc đời khác nhau. Người ta có thể hiếu kỳ về cuộc đời của Lê Vân. Cuộc đời của tôi không có gì giống Vân cả, nên không thể so sánh được. Hồi ký của tôi không chỉ dừng lại ở những khúc mắc cá nhân về một câu chuyện tình hay những sinh hoạt bình thường.
Tôi không có ý định gây sốc cho ai cả, đặc biệt là không muốn gây scandal riêng về cái chết của anh Hoa... Tôi là con nhà nghèo, là chị cả của 6 đứa em, cuộc sống khi xưa cơ cực vô cùng. Bé tí tôi đã phải đi kéo xe bò, chở bánh bao, bánh mì đi bán thuê, chở bánh phở, chở than, rửa bát thuê cho một cửa hàng ăn, đi gói kẹo thuê trong xưởng kẹo gia công ở thị xã Hà Đông, sau đó là công nhân của Nhà máy thuốc lá Thăng Long.
Cuộc đời nghệ sĩ bắt đầu trong chiến tranh, gắn bó với các thời điểm, sự kiện lịch sử của đất nước... Trong hồi ký, tôi muốn để những khán giả yêu mến tiếng hát của tôi hiểu rằng: "Để trở thành một nghệ sĩ có tên tuổi, tôi đã phải nỗ lực phấn đấu kinh khủng thế nào, để người ta có những nhìn nhận ở góc độ khác nữa về người nghệ sĩ".
- Chị và nhà văn Trần Thị Trường dự kiến sẽ thực hiện cuốn hồi ký đó như thế nào?
- Tôi sẽ tự kể và đánh máy thành một bản thảo bằng văn kể, sau đó chị Trường đọc và chuyển thể thành văn viết. Có những điều gì cần trao đổi thêm chúng tôi lại ngồi với nhau.
- Chị định khi nào sẽ cho ra đời cuốn hồi ký này?
- Tôi đang muốn cho nó ra đời cùng với CD mang tên Tâm hồn và cùng với đêm liveshow Hát thầm được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào trung tuần tháng 12 này.
- Vì sao lại đặt tên là "Hát thầm"?
- Vì trong đó có những bài hát mà khán giả chưa bao giờ thấy tôi hát, có cả những bài hát tôi chỉ hát cho riêng mình, đồng thời đó cũng là những bài hát được sắp xếp, kết nối lại với nhau giống như cuộc đời của tôi. Qua đó tôi muốn được tâm tình với khán giả bằng âm nhạc. Tôi cũng muốn trong đêm biểu diễn đó, khán giả yêu mến tôi sẽ được cầm trên tay đĩa CD Tâm hồn và cuốn tự truyện của tôi.
(Theo Gia Đình Xã Hội)