![]() |
Những chiếc áo Lacoste với biểu tượng riêng. |
Theo tài liệu của Lacoste, logo cá sấu này là biểu tượng thương hiệu đầu tiên của hãng được gắn trên quần áo. Đó là vào năm 1933, và dù câu chuyện này có chính xác hay không thì toàn bộ ý tưởng về logo cá sấu đã được bắt đầu giống như một trò đùa.
Được đặt theo tên của René Lacoste, nhà tạo mẫu, và là một vận động viên tennis người Pháp. Thương hiệu này được ra mắt một cách tình cờ khi ông mặc một trong những sản phẩm do chính mình tạo ra là chiếc áo dệt kim bằng vải pikê sợi nhỏ, khi ông tham dự và chiến thắng trong giải tennis Mỹ mở rộng năm 1926.
Giới truyền thông Mỹ đã đặt cho Lacoste biệt danh “cá sấu” sau khi xuất hiện những lời đồn về việc người đội trưởng đội tuyển Pháp dự French Davis Cup này từng sử dụng một chiếc va li làm từ da cá sấu. Theo Lacoste, biệt danh này đã “dính” vào ông vì nó “truyền tải được sự lì lợm mà tôi thể hiện trên sân tennis, không bao giờ để xổng con mồi của mình!”. Ông có một người bạn vẽ một con cá sấu, và việc này nhanh chóng gợi ý cho ông thêu hình cá sấu lên những chiếc áo phông mà ông mặc trên sân tennis.
Logo cá sấu cuối cùng đã trở thành cơn sốt trong giới hâm mộ môn tennis ở khắp mọi nơi. Năm 1933, Lacoste cho ra đời thương hiệu của mình, La Societe hemise Lacoste, với sự hợp tác của André Gillier, Chủ tịch một trong những công ty sản xuất hàng dệt kim lớn nhất nước Pháp vào thời gian đó.
Họ cùng nhau sản xuất ra những chiếc áo dệt kim thoáng khí dùng để chơi tennis do Lacoste thiết kế, có logo cá sấu gắn nổi bật trên ngực. Cùng với áo chơi tennis, Lacoste và Gillier tiến thêm một bước nữa bằng việc sản xuất cả quần áo cho môn chơi golf và bơi thuyền.
Vào đầu những năm 50, họ giới thiệu các loại quần áo với nhiều màu sắc khác nhau và bắt đầu xuất khẩu Lacoste sang Mỹ, biến thương hiệu này thành một thương hiệu thể thao xa xỉ nhất thiết phải có. Chiến lược này đã gặt hái thành công.
Vào giữa những năm 60, René Lacoste chuyển giao trách nhiệm quản lý cho con trai mình là Bernard, người đã phát triển thêm cả các dây chuyền sản xuất nước hoa, kính râm và giày dép, và làm tăng lợi nhuận theo cấp số luỹ thừa.
Thật không may là chiều hướng thịnh vượng này không kéo dài mãi. Vào năm 1969, General Mills mua lại thương hiệu này và kết hợp nó với một thương hiệu khác gọi là Izod. General Mills thực hiện giảm giá và triển khai bán đại chúng quần áo Izod Lacoste, làm cho chúng có mặt ở hầu như khắp mọi nơi và đánh mất vị trí của một thương hiệu hàng xa xỉ. Với việc mua li-xăng của công ty Pháp Devanlay, Lacoste cuối cùng cũng giành lại được quyền kiểm soát việc phân phối hàng tại thị trường Mỹ vào cuối những năm 90. Palm Beach và Bal Harbor, Florida, được nhắm tới như là những thị trường trọng điểm để Lacoste giành lại vị thế của thương hiệu hàng chất lượng cao và xa xỉ, tuy nhiên công việc tiến triển chậm chạp.
Hiện nay, Lacoste bằng lòng với sự hồi sinh dưới sự lãnh đạo của Robert Siegel, cựu giám đốc điều hành của Levi Strauss, người đã làm nên tên tuổi của mình với sự thành công của thương hiệu Dockers vào năm 1986. Kể từ khi Siegel đến với Lacoste năm 2002, doanh số bán hàng của hãng đã tăng vọt tới 800%, với Mỹ là thị trường dẫn đầu. Tính toán của ông quả là hoàn hảo, trong khi những thương hiệu khác từng lừng lẫy thời những năm 70' như Puma và Pucci phải chịu những tổn thất nặng nề.
Bằng cách nâng giá bán, Siegel đã giành lại cho Lacoste địa vị của một thương hiệu xa xỉ. Hiện nay, thương hiệu này được coi là thuộc một trong những loại quần áo chơi tennis đắt nhất trên thị trường, đánh bại Ralph Lauren và các đối thủ hàng chất lượng cao khác.
Nhà thiết kế mẫu người Pháp Christophe Lemaire, Giám đốc sáng tạo của công ty từ năm 2000, đã bổ sung và nâng cao các giá trị của sản phẩm Lacoste.
Một nhân tố khác giúp cho Lacoste được yêu thích trở lại là do thương hiệu này đã giành được sự ủng hộ của tài năng thể thao trẻ “hot” nhất hiện nay, ngôi sao tennis Mỹ Andy Roddick, cũng như của José Maria Olazabal, người từng hai lần đoạt chức vô địch giải Masters golf.
Bernard Lacoste đã mất năm ngoái, nhưng thương hiệu Lacoste vẫn còn đó với gia đình này, dưới sự chèo lái của Michel Lacoste, người em út trong gia đình. Công sức của nhiều thế hệ đã đổ ra, nhưng tinh thần kiên định và sức sáng tạo của René Lacoste sẽ tiếp tục sống, một phần quan trọng là nhờ cái logo đầy tính biểu tượng này của công ty.
(Theo Doanh Nghiệp và Thương Hiệu)