|
- Xin cho biết ông nghĩ thế nào khi được báo chí công bố ông nằm trong danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán? Có người cho rằng việc công bố này có lợi hơn là có hại cho cá nhân ông và cho doanh nghiệp của ông, ông nghĩ sao? (Hải Thùy, 38 tuổi, TP HCM)
- Ông Hưng: Thực tình tôi không quan tâm lắm đến việc báo chí xếp tôi vào danh sách người giàu, nghèo, nên không ngồi suy xét có lợi hoặc hại nhiều. Về cá nhân, tôi không thích chuyện này (xếp hạng) vì đây là chuyện cá nhân và cũng không hẳn đã chính xác.
- Thưa ông Sinh, các công ty chứng khoán đều có chức năng là tự doanh, nhưng mua/bán cổ phiếu trên sàn không mất phí giao dịch, trong khi nhà đầu tư mua bán đều phải trả, liệu như thế có công bằng không? Theo tôi TTGDCK nên thu phí đối với các công ty bằng với mức phí mà nhà đầu tư phải trả cho công ty chứng khoán. (Tùng, 40 tuổi, TP HCM)
- Ông Sinh: Rất hân hạnh nhận được câu hỏi của bạn. Tôi xin trả lời như sau, các công ty chứng khoán mua bán cổ phiếu niêm yết đều phải nộp phí giao dịch cho trung tâm giao dịch chứng khoán, không có việc miễn giảm phí xảy ra. Các công ty tự mua bán cổ phiếu cho chính mình thì cần gì phải nộp phí giao dịch cho chính mình. Cảm ơn bạn!
- Thưa ông Hưng, quy trình đấu giá cổ phần còn rất lộn xộn, rủi ro dẫn đến mất tiền cọc nhà đầu tư phải chịu. Là giám đốc công ty chứng khoán , ông có thể cho biết biện pháp khắc phục? (Hải Thùy, 38 tuổi, TP HCM)
- Ông Hưng: Việc tổ chức đấu giá là do các Trung tâm Giao dịch chứng khoán đảm nhiệm và cho đến nay được đánh giá là thành công. Tất nhiên, không có công việc nào là hoàn mỹ, còn rất nhiều việc cần phải cải tiến. Tôi được biết gần đây Bộ Tài Chính và Ủy ban Chứng khoán đã phê chuẩn quy trình đấu giá hai cấp. Đây là bước cải tiến đáng kể để cải thiện quy trình này.
- Thưa ông Sinh, liệu có thể tin tưởng tuyệt đối rằng nội dung niêm yết của các công ty niêm yết trên thị trường đã được cơ quan chức năng kiểm tra đầy đủ và chính xác? (Khánh Nguyễn, 32 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Câu hỏi của bạn rất hay! Chúng ta cùng trao đổi như thế này nhé: Các công ty niêm yết hiện nay được quản trị theo điều lệ quản trị công ty tốt nhất, trong đó có việc kiểm toán do một công ty kiểm toán được Bộ tài chính cho phép.
Tôi nghĩ rằng, trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi của đất nước ta hiện nay, việc các công ty niêm yết chấp hành các chuẩn mực niêm yết, quản trị doanh nghiệp, kiểm toán, công bố thông tin, việc thường xuyên kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý chắc chắn sẽ giúp cho bạn yên tâm hơn khi đầu tư vào cổ phiếu của các công ty niêm yết.- Theo tôi biết, Tổng giám đốc các công ty chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề do UBCKNN cấp. Thưa ông Hưng không biết ông đã có chứng chỉ đó chưa? UBCKNN có yêu cầu bắt buộc người lãnh đạo phải có chứng chỉ đó không, hay không bắt buộc? Nhờ ông Sinh trả lời giúp? (Nguyễn Minh, 33 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Tôi đã có giấy phép hành nghề của Ủy ban Chứng khoán cấp. Tuy tôi đã tham gia thị trường được 7 năm nhưng mãi tới năm 2006 tôi mới có giấy phép hành nghề vì đến 2006, tôi mới kiêm nhiệm làm Tổng Giám đốc SSI, là chức danh mà Nhà Nước bắt buộc phải có giấy phép hành nghề. Còn trước đó, tôi làm Chủ tịch HĐQT và vị trí đó không cần giấy phép.
- Hai ông nghĩ sao trong thời điểm thị trường đang nóng như thế này mà nhân viên trong các công ty chứng khoán đều có tài khoản, đều được phép mua/bán cổ phiếu trên sàn, liệu các nhà đầu tư cá nhân có cạnh tranh nổi với các nhân viên đó hay không? (Bích Hằng, 33 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Tôi không biết các công ty khác như thế nào. Ở Công ty chứng khoán Sài Gòn, tất cả tài khoản của cán bộ công nhân viên đều phải công bố và thực hiện những quy trình, nghiệp vụ để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư. Hiện Ủy ban chứng khoán đang có các đoàn thanh kiểm tra về quy trình này. Các nhà đầu tư yên tâm là không bị các tài khoản của nhân viên tranh mua hoặc tranh bán.
- Ông Sinh: Câu hỏi này rất hay và rất khó, tuy nhiên tôi xin trả lời như thế này: Các công ty chứng khoán đều luôn muốn phục vụ các nhà đầu tư để thu được phí giao dịch, tăng thị phần. Do đó các công ty cũng phải đề ra những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để phục vụ cho khách hàng. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên tuyệt đối hóa những chuẩn mực đó. Tôi nghĩ rằng hiện nay thị trường có rất nhiều công ty chứng khoán và bạn có thể chọn công ty chứng khoán mà không xung đột với lợi ích của khách hàng để giao dịch. Chúc bạn may mắn và đạt được ý nguyện.
- Tôi xin hỏi riêng ông Hưng, tôi là một trong những cổ đông của SSI, tôi rất muốn biết về trình độ chuyên môn của ông trong ngành tài chính, chứng khoán, trước đây ông đã tốt nghiệp trường đại học nào, ngành học có chuyên về tài chính, chứng khoán không? (Hải, 42 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Tôi có đủ bằng cấp theo yêu cầu của pháp luật để cấp giấy phép hành nghề nhưng có một bằng cấp quan trọng hơn là hiện tôi điều hành gần 200 người có bằng cấp ngành tài chính. Nhiều chục người trong số đó là những tiến sĩ, thạc sĩ tài chính được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng trong nước và quốc tế. Họ là những chuyên gia tài chính hàng đầu, hoạt động tại thị trường tài chính Việt Nam hiện nay. Đấy cũng chính là sức mạnh của SSI.
- Xin hỏi ông Hưng, giàu như ông thì trong túi ông thường để bao nhiêu tiền mặt, ông chi tiêu hàng ngày ra sao? (Nguyễn Minh, 33 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Người giàu khác người nhiều tiền và tôi cũng chưa dám nhận mình là người giàu. Trong túi cũng chỉ đủ tiền để mời mọi người ăn cơm trưa và uống cà phê.
- Gần đây UBCK tuyên bố kiểm tra các công ty chứng khoán. Ông Sinh có thể cho biết kết quả ra sao? Theo ông vậy đã phải là đủ chưa để đảm bảo sự tin cậy và minh bạch với các nhà đầu tư? (Minh Hải, 28 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Cám ơn bạn đã quan tâm đến sự tin cậy và minh bạch của các định chế tham gia thị trường chứng khoán. Tôi nghĩ rằng, việc kiểm tra các công ty chứng khoán ở tất cả mọi lĩnh vực như: Quản lý tài sản khách hàng, quy trình nhận lệnh, quản lý nội bộ,... sẽ làm cho các công ty chứng khoán ngày càng vững mạnh để phục vụ khách hàng được tốt hơn.
Việc kiểm tra các công ty chứng khoán hiện nay mới bắt đầu, tôi nghĩ rằng cần một thời gian để có thể đưa ra những kết quả. Bạn chịu khó chờ đợi nhé!
- Nhiều người nói chỉ số P/E của các doanh nghiệp quá cao. Xin hỏi chỉ số P/E nói lên điều gì? Chỉ số cao, thấp ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp? Vậy chỉ số P/E với một doanh nghiệp bao nhiêu thì hợp lý? (Nguyễn Khắc Dũng, 40 tuổi, PTSC)
- Ông Sinh: Chỉ số P/E sẽ nói lên cổ phiếu đó đắt hay rẻ. Trên thị trường chỉ số P/E các công ty niêm yết có sự khác biệt nhau. Tôi nghĩ rằng bạn khi xem xét để đầu tư cổ phiếu thì nên căn cứ vào chỉ số P/E. Tuy nhiên chỉ số P/E không phải là yếu tố quyết định. Chúc bạn thành công trong việc đầu tư chứng khoán. Cám ơn.
- Gần đây dư luận đang xôn xao về nhận định chỉ số VN Index sẽ vượt qua mức 2000 điểm dựa vào một số căn cứ như lượng tiền dư thừa trong dân nhiều, năm 2007 vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào VN nhiều hơn do VN vào WTO, môi trường đầu tư ở VN hấp dẫn hơn ở Thái Lan do tình hình chính trị ổn định. Vậy xin 2 ông cho biết ý kiến về nhận định trên? (Hoàng Tuấn, 34 tuổi, Đà Nẵng)
- Ông Hưng: Tôi không cho rằng việc VN-Index lên 2.000 điểm trong năm 2007 là một tín hiệu tốt. Mọi người nên thận trọng với những thông tin kiểu như vậy. Khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư nên có tiêu chí rõ ràng và lưu ý khả năng chấp nhận rủi ro của mình. Việc đầu tư chỉ căn cứ vào những nhận định thiếu căn cứ theo kiểu thầy bói sẽ mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
- Tôi chưa biết có thể học cách chơi chứng khoán ở đâu, học phí ra sao, nên bắt đầu từ bao nhiêu vốn? (Thanh Lam, 23 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Bạn có thể đến Trung tâm đào tạo thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban chứng khoán nhà nước, hoặc đến các trung tâm đào tạo chứng khoán khác có rất nhiều ở Sài Gòn và Hà Nội. Tôi được biết học phí mỗi khoá học khoảng 500.000 nghìn đồng. Tôi nghĩ bạn có thể chơi chứng khoán chỉ từ số vốn là 1 triệu đồng.
Chúc bạn tìm được chỗ học và dành một ít tiền để có thể tham gia thị trường chứng khoán. Mời bạn thử thời vận nhé.
- Tôi thấy rằng nếu trước đây tôi chưa đi học các lớp kiến thức về thị trường chứng khoán thì còn dám đầu tư vào chứng khoán, nhưng sau khi học xong rồi tôi lại thấy sợ. Như vậy suy nghĩ của tôi trong thời điểm có đúng không thưa ông Hưng? (Dũng, 35 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Việc đầu tư phụ thuộc vào tiêu chí và khả năng của mỗi người. Việc tham gia các lớp học chỉ giúp chúng ta có kiến thức để nhìn tổng quan hơn về thị trường chứng khoán. Rất nhiều giáo sư tiến sĩ giảng dạy ngành chứng khoán nhưng đầu tư chưa bao giờ thành công. Và cũng rất nhiều người chưa đi học chứng khoán nhưng đầu tư rất thành công. Cho nên việc tham gia các lớp học có thể giúp bạn hiểu biết hơn về việc mình đang làm, chứ không đảm bảo việc sau lớp học bạn có thể đầu tư thành công.
- Khi đã tham gia mua cổ phiếu rồi, nếu cần bán gấp các cổ phiếu đó thì cần làm như thế nào cho hiệu quả nhất? Xin tư vấn thời điểm nào mua cổ phiếu là thích hợp? (Phạm Quốc Thiên, 32 tuổi, TP HCM)
- Ông Hưng: Khi đầu tư, bạn phải rất quan tâm đến tính thanh khoản cổ phiếu bạn định đầu tư. Với những cổ phiếu tính thanh khoản cao, bạn có thể bán lại dễ dàng. Còn nếu bạn chỉ căn cứ vào những cổ phiếu có giao dịch rất ít nhưng giá tăng và coi sự tăng giá là tiêu chí đầu tư, thì sẽ có lúc bạn không thể bán được cổ phiếu đó, kể cả với giá sàn.
- Thưa ông Sinh, tôi vừa tham gia phiên đấu giá cổ phiếu của Kido và thấy mức giá cao nhất (80 triệu đồng) có vấn đề. Có khi nào chính công ty bán cổ phiếu đã cho người của họ cố ý mua cổ phiếu với giá cao để nâng giá bán bình quân và tạo tiếng vang? Theo ông, liệu cách tính giá trúng bình quân như hiện nay có hợp lý hay không khi một cổ phiếu có giá đến vài chục triệu đồng? (Phúc Tâm, 35 tuổi, TP HCM)
- Ông Sinh: Thật là một câu hỏi rất khó. Tôi xin nói thế này, việc bỏ giá mua cổ phiếu là quyền của nhà đầu tư và nếu phiếu hợp lệ thì đương nhiên họ được quyền mua. Việc lạm giá cổ phiếu tôi nghĩ rằng nó nằm ở một khía cạnh khác và chúng ta khó khẳng định được.
Ngoài ra, việc tính giá bình quân khi đấu giá một loại cổ phiếu chúng ta phải chấp nhận các phương pháp như hiện nay đang làm. Bạn có cách nào hay chỉ cho chúng tôi biết để nghiên cứu sửa đổi. Cám ơn bạn rất nhiều!
- Trung tâm GDCK TP HCM đã có những chuẩn bị gì về mặt kỹ thuật để tiến hành khớp lệnh liên tục? Liệu có kịp tiến hành đúng kế hoạch vào tháng 4/2007? (Lê Bình Minh, 36 tuổi, Lebinhminh2003@yahoo.Com)
- Ông Sinh: Chúng tôi đang chuẩn bị hết sức khẩn trương. Đến nay, kế hoạch đề ra vẫn đang được tiến hành. Rất cám ơn bạn quan tâm đến những khó khăn và thách thức của chúng tôi. Chúc bạn một năm mới vui vẻ, hạnh phúc và luôn luôn quan tâm, hỗ trợ chúng tôi.
- Tôi thấy gần đây cơ quan quản lý nhà nước đã can thiệp nhiều vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là dùng nhiều biện pháp hành chính. Các ông đánh giá thế nào về sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước vào thị trường chứng khoán thời gian qua? Xu hướng giám sát, quản lý thời gian tới sẽ thế nào? (Lê Bình Minh, 36 tuổi, Lebinhminh2003@yahoo.Com)
- Ông Sinh: Thưa bạn, theo như tôi được biết thì đến nay các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường chứng khoán. Những giải pháp vừa qua mà Chính phủ và Bộ Tài chính đưa ra là nhằm đảm bảo một thị trường phát triển bền vững, và minh bạch.
Thị trường chứng khoán là "thị trường của lòng tin", chúng tôi phải có trách nhiệm giám sát nhằm củng cố sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với các định chế tham gia thị trường này. Do đó, việc giám sát là việc làm thường xuyên và ngày càng mạnh mẽ hơn đối với chúng tôi. 2007 là năm chúng tôi nâng cao chất lượng thị trường, trong đó, công tác giám sát đóng vai trò then chốt. Rất mong bạn yên tâm.
Chúc bạn năm mới vui vẻ!
- Tôi mới chơi chứng khoán được ít ngày, không biết người chơi chứng khoán có bị đánh thuế thu nhập hay không? Có bị giới hạn quyền mua bán chứng khoán hay không? (Trần Mạnh Linh, 23 tuổi, Dl_tranmanhlinh@yahoo.Com)
- Ông Sinh: Hiện luật pháp chưa quyết định người chơi chứng khoán (cá nhân) phải đóng thuế thu nhập, cũng không giới hạn quyền mua chứng khoán.
- Tôi có cảm giác thị trường đang bị thao túng bởi một số tổ chức nước ngoài. Ví dụ cổ phiếu Công ty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại (PPC) niêm yết tại Hà Nội, các tổ chức nước ngoài không mua mà chỉ ào ạt mua khi nó chuyển vào sàn TP HCM? Khi mã này giảm sàn hai phiên liên tiếp họ lại cố gắng kéo lên bằng cách đặt lệnh mua trần? Nhà nước sẽ xử lý những trường hợp này như thế nào? (Vũ Đức Trung, 37 tuổi, Auditor of Vaco.Deloitte)
- Ông Hưng: Với những tổ chức đầu tư nước ngoài họ phải tuân thủ những quy định hết sức ngặt nghèo của các nhà đầu tư ủy thác của họ. Nếu như nhà đầu tư chỉ cho phép họ được mua trên thị trường TP HCM thì họ không thể mua tại thị trường Hà Nội dù là rất rẻ. Với khối lượng giao dịch của cổ phiếu Công ty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại (PPC) trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM thì không thể nói đây là hiện tượng bất bình thường.
Hơn nữa, chúng ta cũng không nhìn thấy các nhà đầu tư nước ngoài có bất cứ một mục đích gì khi kéo giá cổ phiếu PPC lên cao. Tất nhiên, bất cứ một nhà đầu tư nào khi tham gia vào thị trường thì mục đích quan trọng nhất của họ là kiếm lợi nhuận. Nhưng các nhà đầu tư có tổ chức chỉ đặt mua khi có thể mua được và bán khi có thể bán được nên các động tác mua bán của họ trên thị trường luôn là điều khó hiểu với các nhà đầu tư cá nhân.
- Tôi là doanh nghiệp ở châu Âu và có nhu cầu mua bán chứng khoán Việt Nam qua mạng. Vậy tôi cần phải thực hiện như thế nào? (Vu Xuan Bay, 23 tuổi, Vuxuanbayha@yahoo.Co.Uk)
- Ông Hưng: Bạn có thể liên hệ với một công ty chứng khoán tại Việt Nam (có thể là SSI) để thực hiện công việc này. Mọi chi tiết xin vào website:www.ssi.com.vn.
- Ông nói thế nào về việc để xảy ra hai sự cố sàn giao dịch liên tiếp trong thời gian ngắn vừa qua? Liệu sắp tới sẽ còn xảy ra sự cố như vậy nữa hay không? Tại sao chúng ta không sử dụng những hệ thống tốt hơn? (Bach Tung Vien, 27 tuổi, Btvien@hcm.Vnn.Vn)
- Ông Sinh: Chúng tôi rất vui khi được bạn hỏi câu này. Tôi là người trực tiếp quản lý và điều hành thị trường, do vậy tôi luôn muốn cho thị trường hoạt động được suôn sẻ và an toàn, muốn có một hệ thống công nghệ tối ưu để phục vụ thị trường, có thể an tâm mà đi uống cà phê. Tuy nhiên, chúng ta phải có thời gian để xây dựng một hệ thống công nghệ đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của thị trường, kết nối được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay chúng tôi đang ở giai đoạn chuẩn bị hồ sơ mời thầu để đấu thầu quốc tế một hệ thống công nghệ hiện đại.
Sự cố vừa qua rất đáng tiếc, tôi thì chả bao giờ có mong muốn như thế. Hiện nay tôi đang vận hành một hệ thống chưa được tốt lắm, đầy rủi ro đối với cá nhân tôi cũng như với nhà đầu tư. Tôi cố gắng hết sức để hạn chế những sự cố đáng tiếc tương tự trong tương lai.
Các sự cố vừa rồi nếu có làm cho bạn phiền lòng thì cũng xin vui lòng tha thứ cho chúng tôi.
- Phí giao dịch mà người mua bán chứng khoán thành công phải trả cho công ty chứng khoán ở Việt Nam cao hay thấp hơn so với thế giới? Liệu trên bảng giao dịch trực tuyến có khi nào xảy ra chuyện gian lận về giá cả không? (Nguyễn Minh, 36 tuổi, Bambo_hn@yahoo.Com)
- Ông Sinh: Phí giao dịch mua bán chứng khoán của Việt Nam ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, đặc biệt là với các thị trường đang phát triển. Tôi nghĩ rằng, bảng giao dịch trực tuyến được kết nối từ trung tâm đến các trang web và các công ty chứng khoán, đó là bảng kết nối "real time", không thể có gian lận được. Cám ơn bạn nhiều nhé!
- Có ý kiến cho rằng các ngân hàng lớn đang chiếm giữ một lượng lớn cổ phiếu của các công ty. Bản thân ngân hàng có lợi thế về vốn, thông tin, vì vậy họ có thể điều chỉnh giá cổ phiếu trên thị trường nhằm kiếm lợi nhuận cho ngân hàng trong một hoặc nhiều phiên giao dịch. Ông đánh giá thế nào về khả năng này? (Nguyễn Minh, 36 tuổi, TP HCM)
- Ông Sinh: Các ngân hàng thương mại được quyền mua và đầu tư vào một số cổ phiếu theo luật các tổ chức tín dụng quy định. Tôi được biết các ngân hàng thường là các nhà đầu tư dài hạn, do đó việc thao túng hoặc lạm giá trên thị trường chứng khoán là điều rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị bạn là chúng ta không nên tuyệt đối hóa bất cứ một vấn đề gì.
- Thị trường đang đồn đại về những biện pháp hành chính nhắm vào nhà đầu tư nước ngoài - đối tượng được cho là nguyên nhân chính đẩy giá cổ phiếu lên cao. Không rõ ý kiến của ông về vấn đề này thế nào, và ảnh hưởng tới những nhà đầu tư cá nhân nhỏ ra sao - những người chủ yếu đầu cơ cổ phiếu với hy vọng sẽ có sự đổ bộ lớn của các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt nam. (Lê Hoàng Lân, 33 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Bạn ơi, đến bây giờ tôi vẫn chưa nhận được một chỉ thị nào về phía nhà nước về việc dùng biện pháp hành chính nhắm vào nhà đầu tư nước ngoài. Cám ơn bạn nhé!
- Thế nào là một doanh nghiệp mạnh để có thể đầu tư được? Người ta cho rằng SSI để cho các nhà đầu tư riêng lẻ nắm giữ quá nhiều nên dễ bị mua, bán theo phong trào, làm giá trị của nó không ổn định và tăng trưởng cao như một số cổ phiếu cùng ngành. Ông có nhận định gì về vấn đề này và cách khắc phục để bảo vệ cổ đông của công ty? (Nguyễn Đức Ninh, 33 tuổi, Ngducninh@yahoo.Com)
- Ông Hưng: Công ty có nhiều nhà đầu tư mới là công ty đại chúng. Công ty không có chủ trương làm giá cao hay thấp cổ phiếu của mình. Chính do nhìn nhận khác nhau của những nhà đầu tư về thấp hay cao nên cổ phiếu SSI rất thanh khoản. Đây là yếu tố quan trọng hơn nhiều so với việc lên giá không có cơ sở. Là người điều hành SSI cũng là cổ đông lớn nhất, tôi hài lòng về cổ phiếu SSI trên thị trường.
Nhân đây cũng nói với các nhà đầu tư rằng, công ty SSI đang có kết quả kinh doanh rất tốt, uy tín trên thị trường trong nước và nước ngoài rất cao. Nhiều sản phẩm mới, nhiều đối tác mới, nhiều chương trình kinh doanh mới đang được thực hiện ở SSI rất hiệu quả. Đây là cơ sở lâu dài cho việc ổn định giá cổ phiếu của SSI. Cá nhân tôi không có khả năng làm hài lòng những nhà đầu tư cơ hội ngắn hạn vào cổ phiếu SSI.
Một loại cổ phiếu nào đấy nhìn trên sàn được tăng giá chóng mặt trong khi các hoạt động kinh doanh không đủ đáp ứng với việc tăng trưởng của giá, thì đâu đấy đã tiềm ẩn rủi ro rất lớn, nhất là với những loại cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp, vì đến khi muốn bán các bạn không thể nào bán được.
- Đã có ít nhất 2 lần em đặt lệnh cao hơn giá khớp lệnh nhưng vẫn không mua được vì lý do nhập lệnh không kịp. Đến lần thứ ba, em phải đến từ 8h sáng thì mới được khớp lệnh. Tới đây, liệu giao dịch chứng khoán có tiến hành thêm trong cả buổi chiều? Mặt kỹ thuật, có cách nào mới, hay hơn để có nhập lệnh nhanh hơn nữa được không? (Minh Đức, 36 tuổi, Duc055@yahoo.Com)
- Ông Sinh: Chào em! Anh rất thông cảm với sự việc em vừa gặp. Anh đang cố gắng cùng với cán bộ, nhân viên trung tâm để nhanh chóng đưa hệ thống khớp lệnh liên tục vào hoạt động trong tháng 4 này. Như vậy thì sẽ khắc phục về cơ bản việc rớt lệnh của nhà đầu tư. Bây giờ thì em hãy chịu khó cố gắng đi sớm đến các công ty chứng khoán để đặt lệnh nhé!
- Giả định bi quan nhất với Thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới là gì? SSI vừa là công ty chứng khoán, lại niêm yết cổ phiếu trên sàn, SSI có biện pháp gì để vượt qua những tình huống xấu nhất? (Phạm Thuý Nga, 23 tuổi, 19852001@yahoo.Com)
- Ông Hưng: Bi quan nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam hoặc bất kỳ thị trường chứng khoán nào khác là sự lạnh nhạt của nhà đầu tư đối với thị trường.
Trong suốt quá trình phát triển của mình và kế hoạch phát triển cho những năm tiếp theo, SSI luôn hoạch định trên cơ sở những điều kiện không thuận tiện nhất. Qua đó, tìm ra những sản phẩm, những phương án kinh doanh có thể đối phó được. Bất cứ tình hình thị trường ra sao, chúng tôi vẫn có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh kể cả việc VN-Index giảm đi một nửa.
- Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam có hạ nhiệt vào tuần tới ( khi thời điểm Tết Nguyên Đán đã cận kề) (Sơn, 24 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ có lúc hạ nhiệt nhưng không ai có thể nói được thời điểm. Nếu ai đó có thể biết chắc được rằng ngày ngào giá tăng, ngày nào giá giảm thì đâu còn là thị trường nữa. Và lúc ấy sẽ chẳng có ai tham gia vào thị trường nữa.
- Hiện nay có tình trạng phân biệt đối xử khách hàng giao dịch của các công ty chứng khoán, ông có ý kiến gì về vấn đề này và giải pháp nào để làm cho giao dịch được công bằng hơn? (Quốc Khanh, 37 tuổi, TP HCM)
- Ông Sinh: Tôi nghĩ các công ty chứng khoán không có một quy định nào gọi là "để phân biệt đối xử với khách hàng". Nếu có chăng, điều này xảy ra ở vài cá nhân nhân viên môi giới với khách hàng. Nếu bạn phát hiện ra vấn đề này, hãy gọi điện vào đường dây nóng của TTGDCK để chúng tôi kiểm tra, xử lý. Rất mong bạn hợp tác, chúc bạn thành công!
- Có ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam có hiện tượng lũng đoạn bởi các đại gia trong nước và nước ngoài, theo 2 ông vấn đề này đúng hay sai? (Quốc Khanh, 37 tuổi, TP HCM)
- Ông Sinh: Thị trường nào cũng có lũng đoạn, làm giá. Tuy nhiên mình phải làm sao hạn chế càng ít càng tốt nhược điểm này của thị trường chứng khoán. Bạn hãy cộng tác cùng chúng tôi để hạn chế những khuyết tật của thị trường chứng khoán này nhé.
- Ông Hưng: Chúng ta đang ở chế độ nhà nước pháp quyền, mọi nhận định phải trên cơ sở luật pháp. Hành vi lũng đoạn là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng những đầu cơ lại là một nghiệp vụ của thị trường chứng khoán. Cho nên bạn phải phân biệt rõ giữa hành vi vi phạm pháp luật và việc thực hiện một nghiệp vụ. Việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật là của các cơ quan quản lý thị trường và nội chính. Khi phát hiện ra cần phải được giải quyết triệt để, làm lành mạnh hóa thị trường. Nhưng khi chúng ta chưa phát hiện ra hoặc không phát hiện ra thì cũng không thể võ đoán nói rằng là có hiện tượng này, vì như thế chỉ làm giảm uy tín của thị trường.
- Khi thị trường tăng trưởng quá nhanh và giá cả chứng khoán không phản ánh thực chất giá trị của nó thì điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế VN. Liệu có tạo ra sự tăng trưởng ảo của nền kinh tế thưa ông? (Trần Ngọc Hân, 33 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh là điều rất tốt, và đây là điều mọi người chúng ta đều mong muốn. Tuy nhiên, nếu giá cả chứng khoán quá cao, P/E quá cao, thoát ly quá xa giá trị sổ sách như một số cổ phiếu hiện nay thì hết sức nguy hiểm cho thị trường chứng khoán chúng ta, cũng như của các nhà đầu tư đang mua cổ phiếu với giá rất cao. Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, do vậy, TTCK cũng phải phát triển theo hướng đó. Xin cảm ơn bạn!
- Tôi nghe nói SSI từng có kế hoạch thành lập ngân hàng đầu tư. Vậy ông có thể đưa ra dự đoán thời điểm SSI được cấp phép mở ngân hàng đầu tư? (Bùi Khánh Sơn, 35 tuổi, 1 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội)
- Ông Hưng: Những nghiệp vụ mà SSI đang làm là nghiệp vụ của Ngân hàng Đầu tư. Còn những ngân hàng hiện mang tên ngân hàng đầu tư trên thị trường Việt Nam thực chất là Ngân hàng Thương mại. Việc thực hiện các nghiệp vụ theo giấy phép mà Ủy ban Chứng khoán đã cấp, thực chất là SSI đã trở thành ngân hàng đầu tư (bảo lãnh phát hành, tư vấn tài chính, quản lý danh mục... và sắp tới là thành lập công ty quản lý quỹ trực thuộc).
- Xin hai ông cho biết một số định hướng cơ bản cho việc phát triển thị trường trong vài năm tới? (Trần Ngọc Hân, 33 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Tôi xin trao đổi với bạn một số định hướng như sau: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các định chế trung gian như các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ...; Nâng cấp cơ sở hạ tầng của cả thị trường chứng khoán bao gồm hệ thống giao dịch, công bố thông tin, giám sát, cung cấp dịch vụ của tất cả thành viên tham gia thị trường. Đặc biệt là tại Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký, Công ty chứng khoán. Đào tạo đội ngũ nhân viên để đáp ứng sự phát triển nhanh và hội nhập sâu của thị trường chứng khoán. Mở rộng cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư đảm bảo ở cấp độ rộng rãi và công bằng.
- Thưa ông Sinh, hiện ông có "chơi" chứng khoán không?
Có hay không những hạn chế về đầu tư chứng khoán đối với những người tham gia quản lý thị trường? Datdo@yahoo.Com (Son Tung, 23 tuổi, Hanoi)
- Ông Sinh: Hiện nay tôi không được mua bán chứng khoán. Tôi nghĩ điều này cũng hơi vô lý, tuy nhiên tôi là công chức nên phải chấp hành quy định của Bộ Tài chính. Những người tham gia quản lý thị trường ở UB chứng khoán, TTGDCK, Trung tâm lưu ký CK đều không được mua bán chứng khoán. Còn các công chức khác ở các bộ ngành thì không cấm. Bạn thấy vấn đề này như thế nào? Cám ơn bạn!
- Tôi từng là cổ đông lâu năm của SSI. Ông Hưng giải thích thế nào về sự kiện tập đoàn tài chính Mỹ Goldman Sachs lựa chọn hợp tác với TVS là một công ty chứng khoán mới thành lập mà không với SSI, 'công ty chứng khoán hàng đầu VN" như ông đã khẳng định? Theo tôi hiểu, tham vọng của SSI là trở thành một Goldman Sachs VN, vậy điều đó ảnh hưởng thế nào đến tương lai của SSI? (Bùi Khánh Sơn, 35 tuổi, 1 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội)
- Ông Hưng: Sao bạn không nghĩ rằng chúng tôi không chọn họ? Chúng tôi có rất nhiều các tổ chức nước ngoài có tầm cỡ tương đương làm đối tác. Hơn nữa, bạn phải hiểu rằng khi một tổ chức nước ngoài vào Việt Nam là họ muốn chia sẻ thị trường, lợi nhuận bạn đang có chứ họ đâu có chia sẻ phần thị trường cũng như lợi nhuận của họ cho bạn?
SSI hoạch định chiến lược không bao giờ phụ thuộc vào một đối tác cụ thể. Trong đàm phán với các đối tác, SSi luôn giữ được vị thế là người chủ động lựa chọn. Bạn nên thận trọng với những thông tin và tầm quan trọng của nó được tô vẽ một cách quá mức.
Tham vọng của SSI trở thành một định chế tài chính theo mô hình ngân hàng đầu tư kiểu Credit Suisse hay Goldman Sachs chứ không có tham vọng trở thành công ty con của họ.
- Gần đây có thể thấy giá cổ phiếu của các công ty mới tham gia niêm yết luôn có xu hướng bị đẩy lên cao. Xin phép được hỏi là có công cụ hay phương pháp nào để định giá một cách chính xác cổ phiếu của một công ty sắp niêm yết không? Tại sao mệnh giá chỉ là 10 nghìn đồng nhưng nhiều CP lại được khớp lệnh trên vài trăm nghìn? (Đình Phi, 37 tuổi, TP HCM)
- Ông Sinh: Câu hỏi này rất hay và tôi đang suy nghĩ về vấn đề này. Có lẽ chúng ta nên dùng một phương pháp định giá cổ phiếu có kết hợp với quan hệ cung cầu, cho các loại cổ phiếu giao dịch phiên đầu tiên thì tốt hơn. Ví dụ, trước khi giao dịch phiên đầu tiên thì công ty niêm yết nên xác định một mức giá nào đó với biên độ dao động của phiên giao dịch đó khoảng vài chục phần trăm.
- Các cuộc đấu giá đang bị coi thường bằng cách bỏ giá cao ngất rồi bỏ cọc. Theo các ông làm cách nào để hạn chế tình trạng này? (Lê Mai Đức, 33 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Câu hỏi của bạn hiện nay chúng tôi cũng đang trăn trở nhưng không thể nào trả lời bạn được. Luật pháp hiện nay không cấm điều đó!
- Hệ thống đặt lệnh của Việt Nam có thể thay đổi và cho phép nhà đầu tư nhập thẳng vào TTCK mà không qua khâu trung gian của công ty chứng khoán không thưa ông? (Thắng, 33 tuổi, Hà nội)
- Ông Sinh: Cám ơn bạn đã quan tâm đến những công việc mà chúng tôi đang làm. Dịch vụ mà bạn đặt vấn đề, chúng tôi đang làm. Hy vọng, cuối năm nay bạn sẽ được hưởng những dịch vụ này. Xin tâm sự với bạn, đây là giải pháp hết sức cách mạng trong công nghệ thông tin. Các công ty chứng khoán phải có một hệ thống phần mềm theo chuẩn mực quốc tế mới có thể kết nối được. Bạn suy nghĩ thế nào về thực trạng hiện nay và những giải pháp chúng tôi đang triển khai?
- Bao giờ thì khách hàng của SSI có thể đặt lệnh qua mạng? Nếu có thì liệu có xảy ra tình trạng nghẽn mạch giống như đã từng xảy ra trên mạng của VCBS? (Bùi Phi Hùng, 33 tuổi, TP HCM)
- Ông Hưng: Về cơ sở vật chất kỹ thuật của công ty hiện nay đã sẵn sàng nhưng chúng tôi chưa đưa ra phục vụ nhà đầu tư do khả năng kết nối với TT GDCK hiện nay rất hạn chế, mặc dù số lượng đường truyền của SSI hiện nay đến TT GDCK nhiều hơn rất nhiều so với các công ty khác. Ngay sau khi TT GDCK cho phép các công ty được đặt lệnh thẳng vào Trung tâm SSI sẽ phục vụ người đầu tư giao dịch qua mạng. Còn nếu triển khai dịch vụ đặt lệnh qua mạng hiện nay chỉ làm cho nhà đầu tư thêm bức xúc vì lệnh của mình không thể đưa vào hệ thống giao dịch do đường truyền từ các công ty vào Trung tâm đã quá tải.
- Em thấy các nhà đầu tư nói rất nhiều đến hiện tượng REPO nhưng cho đến bây giờ em vẫn không biết gì về thuật ngữ đó. Hãy cho em biết thêm về hiện tượng này và những tác động của nó đến thị trường? (Nguyễn Khắc Dũng, 33 tuổi, PTSC)
- Ông Sinh: Em ơi, hãy đến công ty CK của ngân hàng Nông nghiệp số 2, Phó Đức Chính, quận 1 để REPO cổ phiếu nhé. Còn nghiệp vụ REPO khi nào gặp nhau, uống cà phê chúng ta sẽ trao đổi kỹ hơn. Hẹn gặp nhé!
- Một công ty chuẩn bị bán cổ phần cho nhân viên. Tôi mua lại suất của bạn tôi và không đứng tên, tính pháp lý trong trường hợp này có đảm bảo không? Khi nào tôi có quyền bán lại số cổ phần đó, thưa ông? (Nguyễn Minh Tâm, 31 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Việc mà bạn mua lại cổ phần mà không làm thủ tục chuyển nhượng sang tên mình được, đã là một việc không có cơ sở pháp lý. Còn quyền bán lại số cổ phần đó của bạn thì phụ thuộc vào điều lệ công ty bạn mua và quan hệ giữa bạn và người bán. Bất cứ một sự tranh chấp nào nếu có thì quyền sở hữu cổ phiếu của bạn không được thừa nhận.
- Tôi muốn biết thủ tục và thời gian để đóng tài khoản giao dịch hiện có ở một công ty chứng khoán này và chuyển tài khoản đó tới một công ty chứng khoán khác? (Bùi Phi Hùng, 33 tuổi, TP HCM)
- Ông Hưng: Bạn chỉ cần nêu yêu cầu đóng chuyển tải khoản đến công ty chứng khoán nơi bạn mở tài khoản và công ty bạn định chuyển đến. Các công ty chứng khoán sẽ làm những thủ tục cần thiết để bạn thực yêu cầu vụ của mình.
- Xin cho biết khi nào VN thực hiện nghiệp vụ như bán khống? Biên độ 5% có thay đổi trong thời gian tới không? Khi nào khớp lệnh liên tục? (Khanh Nguyen, 27 tuổi, Ted2582@yahoo.Com)
- Ông Sinh: Năm nay, chúng tôi sẽ xúc tiến nghiên cứu nghiệp vụ bán khống, dự kiến năm 2008 sẽ xin ý kiến UBCK để thực hiện. Chúng tôi cũng đã xin phép UBCK tăng biên độ lên 10%, tăng số lượng CP của lô lớn từ 9.900 lên 20.000 nhưng UBCK chưa đồng ý. Cố gắng tháng 4 năm nay sẽ khớp lệnh liên tục, đồng thời, sử dụng luôn lệnh thị trường vào giao dịch. Cám ơn bạn!
- Tôi không muốn vợ tôi chơi chứng khoán nữa, xin hỏi các ông có cách nào giúp tôi giải quyết vấn đề này không? (Hoàng Phương Đông, 35 tuổi, Trần Phú - Hà Nội)
- Ông Sinh: Mua bán chứng khoán lâu ngày trở thành nghiện đấy. Nhiều bà quên cả chồng con, nhà cửa, suốt ngày "bù khú" ở sàn. Bạn nên khuyên vợ bạn đi du lịch nước ngoài lâu lâu một tí để chị ấy đừng trở thành người nghiện chứng khoán nhé. Chúc bạn thành công!
- Nhiều người nói thị trường chứng khoán VN phát triển khá nóng (bong bóng) giống như Nhật Bản đầu năm 1990, ông có nghĩ rằng TTCK VN sẽ sụp đổ như ở TTCK Nhật Bản không? (Long Nhân, 37 tuổi, TP HCM)
- Ông Hưng: Tất cả phụ thuộc vào việc điều hành và xử lý thị trường. Khi thị trường mà cung rất cao đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu lên cao. Đây là một cơ hội rất tốt để chúng ta mở rộng và phát triển thị trường. Đây là cơ hội để các công ty niêm yết, các công ty đang có nhu cầu mở rộng quy mô huy động vốn qua thị trường. Đây cũng là cơ hội tốt để nhà nước thực hiện việc cổ phần hóa, việc bán bớt phần vốn nhà nước, thu lại những khoản tiền rất lớn để tái đầu tư cũng như đầu tư cho những dự án mới. Nếu chúng ta làm tốt những công việc này, thì đây là cơ hội rất lớn thu xếp vốn cho nền kinh tế vốn đang tăng trưởng rất tốt của chúng ta. Đồng thời có thể bình ổn được giá, tránh việc bong bóng có thể gây những khủng hoảng hay sụp đổ thị trường như những nước trong khu vực.
- Tôi muốn hỏi các thủ tục để mở một công ty chứng khoán hiện có công khai hoặc công bố tài liệu tham khảo ở đâu. (Lê Quang Hiếu, 23 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Muốn mở một công ty CK, bạn hãy lên website UBCK và Trung tâm GDCK để tìm hiểu. Việc này rất công khai! Cám ơn bạn.
- Thưa anh Hưng! Trong bài phát biểu lần trước anh có nói " không có gì gọi là ảo cả, tất cả phụ thuộc vào cung - cầu". Nhưng theo tôi khi quan hệ cung - cầu không cân bằng, thông tin không chính xác thì giá chứng khoán sẽ không đúng giá trị thật của nó, tức giá ảo. Anh giải thích thêm điều anh nói và quan điểm của tôi? (Vu Duc Quang, 30 tuổi, 505 Nguyen Trai Q5)
- Ông Hưng: Đã gọi là thị trường thì luôn luôn có bên mua và bên bán. Khi bên bán cảm thấy mình bán được đắt và bên mua vẫn không cảm thấy mình mua đắt thì có nghĩa rằng không ảo. Thị trường giai đoạn này là giai đoạn của bên bán. Bên bán đây có nghĩa rằng là các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa. Nếu tất cả các bên bán xác định được cơ hội, lượng cung của thị trường sẽ được nâng cao và có nghĩa rằng cán cân cung cầu được thiết lập. Còn các thông tin không chính xác thì ai cung cấp những thông tin này đều đã vi phạm luật pháp. Vấn đề vi phạm này không được tính trong nội dung cung cầu và giá cả hợp lý.
- Theo ông, việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ồ ạt vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ gây ra những thuận lợi và khó khăn gì? (Thao Nguyen, 30 tuổi, 304 Phố Huế)
- Ông Sinh: Việt Nam đang muốn huy động vốn nước ngoài qua kênh đầu tư gián tiếp. Hiện nay chúng ta có tỷ lệ đầu tư gián tiếp của nước ngoài rất thấp, chưa được hai con số. Trong khi các nước trong khu vực đã có tỷ lệ này là 20-40 %.
Vấn đề là Chính phủ Việt Nam tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch, thông thoáng nhưng quản lý được thì luồng vốn đầu tư nước ngoài qua kênh này sẽ phát triển rất nhanh và rất có hiệu quả.
- Theo ông Hưng, có bao nhiêu tiền từ TTCK đầu tư vào nền kinh tế đang thiếu vốn của nước ta, hay hầu hết tiền trên TTCK là tiền trao đi - đổi lại giữa các nhà đầu tư? (Nguyễn Đình Thành, 32 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Những khoản tiền đầu tư vào các cổ phiếu bán đấu giá cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước, các khoản tiền mua cổ phiếu phát hành của các doanh nghiệp là những khoản tiền đã đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế còn những khoản tiền mà giao dịch thứ cấp là những khoản tiền nhà đầu tư mua bán, trao đổi với nhau. Nhưng nếu không có giao dịch thứ cấp thì cũng không có giao dịch sơ cấp.
- Đầu tiên xin chúc hai ông sức khoẻ. Tôi là cổ đông của SSI. Ông cho tôi hỏi tại sao giá cổ phiếu SSI mãi mà không vượt lên được. SSI có chính sách gì mới để thúc đẩy giá cổ phiếu SSI lên hay không? (Phong, 31 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Tôi không có chủ trương đẩy giá SSI lên cao. Từ khi niêm yết, mới hơn 1 tháng giá SSI đã tăng trưởng đến hơn 50%, theo tôi đây cũng là con số tăng trưởng quá nhanh. Giá SSI hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành nghề, mặc dù kết quả kinh doanh và tài sản của SSI lớn hơn rất nhiều. Điều này càng khẳng định việc phát triển vững chắc có chiến lược của SSI.
- Ông nghĩ thế nào khi người Việt Nam đổ xô vào đầu tư chứng khoán, từ sinh viên cho đến những người nông dân chân lấm tay bùn? (Nguyễn Văn Hoà, 23 tuổi, TP HCM)
- Ông Sinh: Xã hội hoá thị trường chứng khoán là mục tiêu Chính phủ Việt Nam và của những người quản lý và điều hành thị trường. Hiện nay, chúng ta mới có trên 120.000 nhà đầu tư, tôi kỳ vọng trong vài ba năm tới, Việt Nam phải có tối thiểu 500.000 nhà đầu tư.
Trách nhiệm của chúng tôi là làm sao phổ cập kiến thức chứng khoán không những ở thành thị mà đến cả nông thôn để cho mọi người có thể tham gia. Từ đó, chúng ta có thể huy động những đồng vốn nhỏ lẻ từ quần chúng để đầu tư phát triển nền kinh tế Việt Nam. Cám ơn câu hỏi rất hay của bạn.
- Thưa ông Hưng tôi nghĩ việc tham gia thị trường chứng khoán có rất nhiều rủi ro. Nhưng hiện tại ở Việt Nam có nhiều người trẻ tham gia, và rất thành công như nhiều báo chí đưa tin. Vậy ông đánh giá một cách khách quan những thành tích của bạn trẻ hiện nay thế nào? (Nguyễn Duy Hùng, 30 tuổi, 2unitech)
- Ông Hưng: Theo tôi, thị trường chứng khoán là một thị trường rất năng động, phù hợp với những người trẻ tuổi. Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở các thị trường khác số người trẻ tuổi tham gia và thành công là hoàn toàn hợp lý.
- Sinh viên là đối tượng nhanh nhạy với những cái mới nhưng điều kiện để cho chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với những kiến thức chứng khoán còn khá hạn chế. Liệu trong thời gian sắp tới UBCK có những biện pháp nào phổ biến rộng rãi hơn tới tầng lớp SV (đặc biệt không thuộc khối kinh tế) (Nguyen Ngoc Hieu, 23 tuổi, Ha Noi)
- Ông Sinh: Hiện nay TTCK và UBCK thường xuyên có những khóa học phổ cập kiến thức chứng khoán cho các nhà đầu tư. Nếu sinh viên nào quan tâm, có thể theo dõi qua các phương tiện truyền thông đại chúng để theo các khóa học này.
- Xin hỏi ông Sinh và ông Hưng, ông nhận định như thế nào về thị trường OTC trong thời gian sắp tới?Liệu thị trường OTC Việt Nam có đang phát triển ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan Nhà Nước và manh nha trở thành thị trường chợ đen? (Le Nhat Minh, 26 tuổi, TP HCM)
- Ông Hưng: Những diễn biến của thị trường OTC hiện tại thực chất là vô cùng rủi ro do quản lý việc cung cấp thông tin không rõ ràng. Một số những người buôn bán OTC và có cả những tổ chức phát hành cố tình đưa ra những thông tin không chính xác làm cho những nhà đầu tư mua những cổ phiếu này với giá cao. Những nhà đầu tư cần thận trọng với cổ phiếu OTC. Ngay cá nhân tôi, cũng thường xuyên bị họ đưa tên mình vào những công ty mà thực chất không phải như vậy để bán cổ phiếu của mình.
- Ông Sinh: Thị trường OTC hiện là thị trường ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước, đầy rủi ro và đang xảy ra hiện tượng bát nháo, lừa đảo, không minh bạch. Tôi khuyến cáo mọi người hãy cảnh giác với thị trường cổ phiếu OTC không được kiểm soát như hiện nay. Hãy coi chừng mất tiền!
- Vợ tôi dốc hết tiền nhà vào thị trường chứng khoán của các ông. Bây giờ không biết tiêu bằng gì! Làm thế nào để cân bằng giữa thu nhập gia đình và thú chơi chứng khoán của vợ tôi? (Nguyễn Trung Kiên, 30 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Bạn ơi, thế là rủi ro quá đấy, coi chừng không có tiền mua gạo ăn. Tiền mua chứng khoán nên là tiền dư, chứ không nên là tiền phục vụ cho sinh hoạt hoặc những nhu cầu đột xuất của gia đình. Tôi đề nghị bạn tự cân đối lại nhé. Đầu tư vào TTCK chứa đựng đầy rẫy rủi ro, đặc biệt là những người mới bắt đầu mua bán CK hoặc kiến thức về hiểu biết CK chưa nhiều! Chúc bạn thành công!
- Gần đây chất lượng dịch vụ của SSI đã không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ông đã có những kế hoạch gì để cải thiện chất lượng dịch vụ của SSI trong thời gian tới. (Phan To Le, 28 tuổi, HCM)
- Ông Hưng: Chúng tôi đã làm hết sức mình để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nhiều nhân viên của chúng tôi hiện nay chỉ ra khỏi văn phòng trước 11 giờ đêm. Tuy nhiên, do lượng khách hàng tham gia vào thị trường gia tăng vô cùng lớn trong thời gian qua mà SSI chiếm tới gần 30% thị trường nên đâu đấy cũng có điều này điều khác làm cho nhà đầu tư không hài lòng. Nhân đây, tôi thay mặt công ty mong muốn sự thông cảm của nhà đầu tư đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng đang đầu tư rất lớn về trụ sở, công nghệ thông tin, con người và khả năng kết nối với trung tâm để có thể cải thiện tình trạng quá tải này. Hy vọng rằng khi TT GDCK có được hệ thống giao dịch mới thì chúng ta không còn trong trạng thái quá tải nữa.
- Theo ý kiến của cá nhân ông, có nên bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán trong hoàn cảnh nóng như hiện nay?(Khánh Nguyễn, 32 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Tôi nghĩ tham gia thị trường chứng khoán lúc nào cũng tốt cả. Vấn đề là bạn biết mua cổ phiếu ở giá nào, lúc nào và bán giá nào, bởi vì thị trường chứng khoán có cổ phiếu tăng và giảm, cũng như ngược lại, một cổ phiếu hôm nay giảm nhưng ngày mai lại có thể tăng giá. Chúc bạn kiếm được nhiều trong đầu tư chứng khoán.
- Thị trường chứng khoán hiện nay đang rất sôi động trong đó các nhà đầu tư phần lớn là cá nhân không am hiểu về chứng khoán, vậy nếu có khủng khoảng thì tình hình sẽ diễn ra như thế nào? Và UBCK đã có chuẩn bị gì cho kịch bản đó? (Dung, 30 tuổi, Ha noi)
- Ông Sinh: Bạn ơi, đây là điều chúng tôi đã từng phát biểu và đang rất lo. Chúng tôi đang sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để huấn luyện, tuyên truyền, cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân không am hiểu TTCK mà đầu tư CK. Tôi nghĩ rằng, mọi người phải biết kiểm soát được đồng vốn của mình khi đầu tư CK. Ở thị trường nào cũng có những nhà đầu tư mới và nhà đầu tư cũ, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đưa ra những cảnh báo lúc cần thiết.
- Thưa ông Hưng, công ty Hồng Long Ltd hôm nay thông báo sẽ bán 500.000 cổ phiếu trên tổng số hơn 1 triệu cổ phiếu của SSI, ông cảm thấy thế nào về việc này? (Lien, 33 tuổi, Hanoi)
- Ông Hưng: Công ty Hồng Long là công ty con của công ty VPL, một công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư ở Mỹ. Họ đầu tư vào SSI rất sớm và hiện nay giá trị đã tăng nhiều chục lần so với vốn đầu tư ban đầu. Theo quy định của các định chế đầu tư nước ngoài, tổng số tiền họ đầu tư vào một loại cổ phiếu không được vượt quá 1 tỷ lệ nhất định so với tổng vốn sở hữu. Với số lượng cổ phiếu SSI họ đang sở hữu và giá của SSI hiện tại tỷ lệ này đã vượt rất xa. Họ buộc phải bán để cơ cấu lại danh mục. Và đây cũng là điều bình thường trong đầu tư.
- Tôi ở nước ngoài, không có quốc tịch Việt Nam, tôi có thể tham gia TTCK VN được không, tôi cần làm những bước như thế nào, tôi bị hạn chế những quyền gì so với nhà đầu tư trong nước, tài chính luân chuyển giữa Việt Nam và nước tôi sẽ phải chịu các khoản thuế, hay phí gì? (Wong, 50 tuổi, Malaysia)
- Ông Sinh: Nếu bạn có hộ chiếu và có tiền thì đến các công ty chứng khoán sẽ được hướng dẫn mua cổ phiếu ngay trong ngày. Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển tiền và chuyển ra bất cứ lúc nào, và kinh doanh cổ phiếu thì cũng không phải nộp thuế thu nhập.
- Lời khuyên của quý ông là gì khi chỉ số VN index tiếp tục tăng lên 1.500 điểm trong vài tháng tiếp theo? (NGÔ THỊ BÍCH QUYÊN, 32 tuổi, Hòan Kiếm, Hà nội)
- Ông Sinh: Tôi đang mong TTCK sẽ có chỉ số VN-Index đến 10.000 điểm chứ không phải 1.500 điểm như bạn đâu. Nhưng chúng ta phải có một thị trường đủ độ lớn kể cả số lượng công ty niêm yết, cũng như giá trị vốn hóa thị trường thì TTCK mới phát triển nhanh và bền vững. Nhà đầu tư mới an tâm khi đầu tư vào TTCK.
Tôi nghĩ VN-Index của chúng ta hiện nay hơi cao đấy! Bạn hãy cẩn thận khi mua chứng khoán. Chúc bạn thành công!
- Thưa ông Hưng, năm nay SSI có một con số lợi nhuận rất khổng lồ (246 tỷ); vậy đại hội đồng đã có phương án chia cổ tức cho các cổ đông như thế nào chưa? Và theo kế hoạch của công ty thì liệu trong năm tới có đạt được lợi nhuận như năm 2006 không, trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty chứng khoán cạnh tranh với SSI và ngày càng nhiều người bức xúc vì giao dịch nội gián tại các công ty chứng khoán lớn như BVS; SSI; ICBS. Xin cảm ơn ông. (Nguyễn Quang Thái, 30 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Chúng tôi đã tạm ứng cổ tức 25%. Và đang xin ý kiến các cổ đông chia tiếp 20% cổ tức bằng cổ phiếu. Theo kế hoạch, năm 2007 dự kiến lãi khoảng 450 tỷ đồng. Đây là những con số chúng tôi xây dựng trên cơ sở thị trường không thuận lợi, còn với tình hình thị trường như hiện nay thì lãi có thể đạt được trên 600 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán Sài Gòn là 1 công ty lớn, quyền lợi của công ty và của mỗi thành viên trong công ty là rất lớn. Họ không thể hy sinh những cái được lớn đó để tham gia vào những việc trục lợi qua giao dịch nội gián. Vì nếu bị phát hiện, họ buộc phải ra khỏi công ty. Lúc đó thiệt hại sẽ nhiều hơn rất nhiều. Còn ở các công ty khác thì tôi không biết. Nếu bạn có bất cứ một bằng chứng nào về việc giao dịch không minh bạch ở SSI, xin đừng ngần ngại thông báo cho tôi. Tôi sẽ giải quyết triệt để dù người vi phạm ở bất cứ chức vụ nào.
- Có phải TTCK là nơi sinh ra những tỷ phú ở VN hay không? Gần đây, trên VnExpress có thống kê những tỷ phú, thì đều xuất thân từ TTCK? Và điều này ảnh hưởng đến suy nghĩ về đầu tư tiền của vào một công việc mà phải am hiểu thì mới sống sót được? (Lê Bảo Phúc, 24 tuổi, HCM)
- Ông Sinh: Có thị trường sản xuất hàng hoá dịch vụ thì có TTCK. Đặc biệt là một nền kinh tế phát triển theo kinh tế thị trường, thì việc định giá tài sản của các ông chủ sẽ được TTCK định giá. Không có ai định giá rõ ràng và công khai, minh bạch bằng ở đấy.
- Để trở thành nhân viên phân tích tài chính hoặc đầu tư tại SSI thì cần có những loại bằng cấp gì? (Nguyễn Lương Ngọc, 32 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hưng: Trước tiên bạn phải có bằng tốt nghiệp ít nhất là đại học về ngành tài chính, đã có kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức đầu tư và đặc biệt phải qua được vòng phỏng vấn của giám đốc phụ trách đầu tư của SSI.
- Người nhà tôi hiện đang có cổ phiếu (chưa lưu ký) của một công ty đã niêm yết trên lên sàn, bây giờ muốn chuyển cho tôi đứng tên thì phải làm gì? Xin cảm ơn! (Nguyễn A. Toàn, 35 tuổi, Hà nội)
- Ông Sinh: Mời bạn đến công ty CK để lưu ký, sau đó việc mua bán chuyển nhượng cổ phiếu mới được thực hiện.
- Các ông có thể chia sẻ và phân tích kinh nghiệm đầu tư của chính các ông vào cổ phiếu nếu hai ông có thời gian.!!!! (Trần Bôn, 53 tuổi, Tp HCM)
- Ông Hưng: Mỗi người có 1 tiêu chí đầu tư khác nhau. Tôi thiên về các cổ phiếu có mức tăng trưởng vừa phải nhưng ổn định. Do đó đã từ rất lâu tôi đầu tư vào ngành năng lượng, dầu khí, chế biến thủy hải sản, sản xuất hàng xuất khẩu... Tôi không đầu tư vào những cổ phiếu công nghệ cao. Với những người khác thì họ có những tiêu chí khác, và cũng không thể nói rằng tôi thành công hơn họ.
- Trường hợp khách hàng mở tài khoản ở hai công ty chứng khoán, nêu bị phát hiện có bị phạt không, nếu có, hình thức phạt sẽ ra sao, thưa ông? (Nguyen Mai, 24 tuổi, Hanoi)
- Ông Sinh: Mở tài khoản ở hai công ty CK là vi phạm pháp luật. Hình phạt không cao nhưng tốt nhất bạn đừng nên làm chuyện đó để tránh rắc rối.
- Thị trường chứng khoán mang lại siêu lợi nhuận cho rất nhiều người, như vậy việc đánh thuế thu nhập cho những trường hợp này như thế nào?? (Ngo Phúc Hưng, 28 tuổi, Thành phố Vinh)
- Ông Sinh: Bạn ơi, nếu bạn đang kiếm được nhiều tiền từ CK thì bạn vẫn được miễn thuế đấy! Chúc bạn năm mới phát tài. :-)
- Việc các Công ty Chứng khoán được quyền kinh doanh chứng khoán (tự doanh) có thật sự công bằng cho các nhà đầu tư khi mà việc nhập lệnh lại do chính họ làm? (Lam, 33 tuổi, Nha Trang)
- Ông Hưng: Giữa các bộ phận trong công ty luôn hình thành một bức tường lửa để ngăn chặn sự mâu thuẫn quyền lợi. Tài khoản tự doanh có ký hiệu riêng. Các cơ quan quản lý dễ dàng nhận ra nếu có một công ty nào đó vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đặt lệnh của mình trước lệnh của khách hàng.
- Thưa ông Trần Đắc Sinh, sáng nay bảng điện tử lại chạy nhầm. Ví dụ: DNP giá kịch trần là 58.8 mà lại chạy là 57.5. Vậy có phải lại có sự cố không? (Giang, 28 tuổi, Hà Nội)
- Ông Sinh: Tôi chưa nghe thông tin này. Tôi sẽ kiểm tra lại nhưng đây là lỗi của bảng điện tử. Cám ơn bạn đã góp ý!
- Tôi sống ở Nhật khá lâu và có nhiều bạn bè người Nhật. Họ khá quan tâm đến nền kinh tế đang phát triển tại VN, có người khuyên tôi nên cùng họ lập một quỹ đầu tư trước mắt là vào chứng khoán tại VN. Nhưng tôi không có chuyên môn chứng khoán mặc dù cũng khá quan tâm. Vậy tôi có nên mạo hiểm ? Hay trước mắt nên chuyên tâm vào nghề thiết kế quảng cáo của mình? (Le Quyen, 28 tuổi, Nhat ban)
- Ông Sinh: Muốn thành lập một quỹ đầu tư thì cần phải là một người am hiểu CK và phải chuyên nghiệp. Nên tôi khuyên bạn là không nên đứng ra thành lập làm gì. Bạn hãy tiếp tục chuyên tâm vào nghề thiết kế quảng cáo của mình nhé!
- Thị trường chứng khoán có phải là sân chơi cho mọi giai cấp không? (Thu Huong, 24 tuổi, Thanh Pho Ho Chi Minh)
- Ông Sinh: Thị trường chứng khoán là thị trường dành cho những người am hiểu về chứng khoán; chứ không có chuyện giai cấp ở đây bạn ạ! :-)
- Cảm ơn hai ông đã trả lời rất thẳng thắn và có chất lượng. Người ta nói, năm nay các nhà đầu tư chứng khoán ăn Tết rất to, các ông nghĩ thế nào về chuyện này? Chúc hai ông năm mới nhiều thành công. (Song Lê, 26 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội)
- Ông Sinh: Năm nay là năm thành công của nước ta. Tôi nghĩ rằng không riêng gì dân chứng khoán mà mọi người đều có 1 cái tết vui vẻ, hạnh phúc. Chứng khoán có thể hơn một tí. Chúc quý vị một năm mới an khang thịnh vượng và tham gia vào thị trường chứng khoán cho vui.
- Ông Hưng: Tuyệt vời vô cùng đối với những người làm thị trường mà những người tham gia vào thị trường ấy đều gặt hái được thành công. Những nhà đầu tư hãy lưu ý, bản thân thị trường chứng khoán không sinh ra của cải vật chất. Nếu tất cả chúng ta đều cảm thấy thắng thì tiềm ẩn đâu đấy có thể tất cả chúng ta sẽ lại đều thua. Tất cả nhà đầu tư hãy thận trọng khi quyết định đầu tư, tránh trường hợp "bầy đàn" kém hiểu biết, dẫn đến thua thiệt, ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhân dịp năm mới, chúc nhà đầu tư phát triển cùng với thị trường, gặt hái cùng với thị trường và vui vẻ cùng với thị trường.
(Theo VnExpress)