Những bài hát sôi động lúc nào cũng được các cặp sồn sồn hưởng ứng nhiệt tình bằng những màn nhảy bốc lửa. Có người đã gần 50 mà ra sàn “giựt” disco hồn nhiên như tuổi mới lớn.
Mang tâm trạng của những kẻ thích không khí náo nhiệt, chúng tôi chọn góc bàn đối diện dàn nhạc, vừa có thể được cười miễn phí bởi những điệu nhảy tự chế rất quằn quại của các bà khách quậy tới bến, vừa tận mắt chứng kiến màn moi tiền điệu nghệ của những cô phục vụ bàn ngồi cùng khách có tiếng là uống bia như uống nước lã và rất biết chiều khách.
Trên mỗi bàn đều cắm sẵn những bông hồng giả mà nhìn vào cứ tưởng là vật trang trí. Nếu khách có nhu cầu hát thì đăng ký với MC, chuẩn bị sẵn một bông hồng “có nhụy” là những tờ bạc 10.000, 20.000 đồng xanh đỏ, nhờ bạn bè hay ai đó tặng giùm khi bài hát lên đến cao trào, “ca sĩ” sẽ để lại cành hồng cạnh ban nhạc khi màn trình diễn kết thúc.
MC cân phân “nhụy” nào “nặng ký” sẽ đưa vào “đầu bảng xếp hạng” khi đăng ký lần sau. Nếu “ca sĩ” nào lơ thủ tục quan trọng này thì coi như khó có cơ hội chen chân lên sàn diễn. Một ông khách say mèm cứ nhìn chằm chằm sang bàn chúng tôi bởi lầm tôi và cô bạn đi cùng là nhân viên ngồi bàn. “Em có giấy bút không?”, giọng lè nhè, ông hỏi. Không hiểu ông khách muốn gì, anh bạn đi cùng chúng tôi nhanh nhảu chạy lên quầy gọi giúp nhân viên.
Thấy vậy, ông ta chửi đổng: “Đ.M, nó sợ tao giành mất hai con nhỏ của nó hay sao ấy”. Quay sang chúng tôi, ông hỏi: “Tụi em có phải là phục vụ không, lại đây nói chuyện chơi”. Tôi đùa: “Nhưng phải bo mới được”. Tự dưng ông khách lại nổi khùng, men rượu làm cho gương mặt bặm trợn của ông trông càng dữ: “Là cái thá gì mà tao phải bo! Mày tin tao dập nó không, đàn ông tao dập theo đàn ông, đàn bà tao dập theo đàn bà”, ông đùng đùng trút cơn “cuồng ngôn” lên cô phục vụ đang ngồi sát bên mà nãy giờ ông vẫn lột tôm đút cho ăn.
“Thôi, bỏ qua đi anh, tụi nó đâu phải nhân viên của quán”, nháy mắt với chúng tôi, cô ra hiệu. “Đừng nói chuyện tiền nong, mấy đứa về đi, ở đây là có chuyện đó”. Thấy chúng tôi ngồi im re, ông khách càng làm tới, trừng đôi mắt đỏ ngầu nhìn chúng tôi: “Tụi bay biến khỏi đây hết cho tao” rồi sừng sộ đi về phía quầy thu ngân rút điện thoại di động gọi quản lý ra “mắng vốn”.
Nhìn những vỏ bia để ngổn ngang dưới gầm bàn, tôi chợt rùng mình trước lời hăm dọa của ông. Biết đâu trong lúc bực dọc, ông “tặng” cho chúng tôi mỗi đứa một vỏ bia thì sao? Quán này có bề dày “thành tích” gây gổ, đánh nhau như cơm bữa và không có nhân viên bảo vệ... Chúng tôi vội vàng dắt xe ra khỏi quán, tim đập thình thịch, bỏ lại sau lưng tiếng lải nhải của ông khách lạ.
Những ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục “đóng đô” ở quán từ chập tối để quan sát. Đội ngũ phục vụ gồm hai thành phần mà nhìn vào có thể thấy là chỏi nhau: số nhân viên chạy bàn thì cần mẫn, chịu khó, chạy toát mồ hôi mà hàng đêm chẳng hề có đồng tiền bo nào; trong khi đó đội ngũ phục vụ ngồi cùng khách ngoài việc thoải mái ăn uống còn được bo rủng rỉnh, chỉ chi 10.000 đồng góp vào thùng tiền bo của quán trong số tiền kiếm được.
Khách bo cho nhân viên ngồi bàn tại một quán nhậu. |
Mỗi cô ngồi bàn đều phân chia ranh giới rạch ròi, khách ở địa bàn nào thì địa bàn đó “trấn giữ” nên không có chuyện “đạp chân” nhau. Thấy khách “ruột” vào, cô phục vụ mặc áo hai dây hở đến nửa lưng đon đả kéo ghế. “Sao anh tới trễ vậy?”, cô nũng nịu. “Bữa nay anh đi dự tiệc đầy tháng của con thằng bạn, mệt quá, tới đây làm một tăng nữa, có người đẹp bên cạnh nhậu mới sướng chớ”, ông khách liếc nhìn cô một cách tinh quái.
Cô này cũng chẳng vừa: “Nhậu tới bến nhé anh?”. Ngồi xuống bên cạnh để ông khách quàng vai một lát, thức ăn đem ra, cô ăn ngon lành, nốc bia ừng ực “Sao nhỏ đó ăn tự nhiên quá vậy?”, tôi thắc mắc. “Còn nhiều cái tự nhiên hơn nữa”, anh bạn đi cùng tôi úp mở.
Một lát sau, ông khách nổi hứng kéo cô gái lên sàn nhảy, cô quay vòng, ôm eo, ngả vào lòng ông ta say sưa cho đến khi một tràng pháo tay của thực khách vang lên tán thưởng khi màn nhảy kết thúc.
Trở lại bàn nhậu, cô gái không quên nhắc khéo: “Các anh tính tiền từng đợt nha”. Nhanh nhảu, nhẹ nhàng, cô chìa ra tờ hóa đơn thanh toán, lanh lẹ tráo những chai bia còn nguyên xếp cùng với mớ vỏ bia đang để ngổn ngang dưới đất. Khách say khật khưỡng, đâu biết màn “đá bia” vừa diễn ra nhanh như trò ảo thuật.
Tôi vòng ra sau, vô tình nghe lỏm cuộc trò chuyện của hai cô ngồi bàn đang đứng ở một góc khuất gần nhà vệ sinh. Vuốt thẳng những tờ tiền khách bo, một cô đếm rồi vội vàng nhét vào túi quần sau. “Chiều khách một chút có mất mát gì đâu”, cô gái có dáng người “phì nhiêu” nói giọng bất cần với người bạn mà tôi đoán chừng là nhân viên mới, rồi than:
- M., thằng khứa đó rờ tùm lum mà bo cho tao có 5.000 đồng!
- Sao mày hổng ném vô mặt thằng chả? À bữa nay mày “đá” được bao nhiêu?
- Có két à, mấy chả dạo này lỏi lắm, “đá” nhiều là biết liền thôi. Tao vừa mới nhận thằng cha mặt chuột làm cha nuôi, ém được 50.000 đồng.
- Cách nào?
- Thì tiền thối tao vo lại, ổng thấy ít, bo luôn.
Đến đây thì tôi đã hiểu vì sao khi tôi xin đi làm bồi, một quản lý nhà hàng đã trả lời dứt khoát rằng “không có lương, nhân viên sống bằng tiền bo” và đây là một thực tế mà đa số nhà hàng, quán ăn phải thừa nhận: hàng đêm họ thu vào hàng chục triệu đồng, không cần trả lương cho nhân viên hoặc trả rất thấp, điều đó vô tình đẩy đa số nhân viên sống bằng nghề phục vụ rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, buộc phải chấp nhận hoặc giở mánh lới hoặc cam chịu nhận đồng lương không tương xứng với công sức của mình.
Vào đêm cuối tháng 1, sau khi từ quán ăn trở về, chúng tôi rảo quanh các con đường cũ như thói quen thường ngày. Đã 23h, cái lạnh về đêm ngấm vào da thịt những người đi đường, nhiều người nằm co ro trên vỉa hè không một manh chiếu, những cô gái trong bộ cánh mong manh sống vật vờ về đêm đảo mắt tìm khách.
Bất chợt chúng tôi phát hiện hai cô phục vụ ở quán N. mà mới đây thôi các cô còn giả lả với khách đang có mặt tại nhà nghỉ trên đường Hòa Bình. Các cô bịn rịn chia tay ba người đàn ông trung niên, hình như đã “xong việc” rồi thì phải? Màu áo khá nổi bật của các cô không lẫn vào đâu được, lẽ nào... Chúng tôi rà xe qua rồi như biết chắc điều mình nghi ngờ là đúng, vội nấp vào bụi cây bên đường như hai kẻ rình trộm.
Về ngang quán, tôi vẫn còn thấy cái dáng lầm lũi của các cô cậu sinh viên đang lui cui dọn dẹp mà cả đời không biết đến trò “ảo thuật”. Có ông khách nào đó vô tình làm rớt ly bia xuống nền vỡ toang, cậu sinh viên cúi xuống nhặt những mảnh vỡ như đang góp từng chút nhọc nhằn cho giấc mơ ngày mai. Cũng như đa số chúng tôi một thời, có lẽ cậu ấy sáng nhịn đói, trưa ăn mì gói, chiều lên quán chạy bàn để được lót lòng bằng thức ăn thừa của khách. 300.000 đồng một tháng, chạy rã giò hàng đêm với cậu cũng chỉ đủ tiền mua sách vở.
Một giờ sáng, khi mọi người đã say giấc, Tình, Thông - hai sinh viên sát phòng tôi - mới lọc cọc đạp xe từ quán nhậu trở về vì lượng khách quá tải hàng đêm. Lâu lâu, Tình được ông khách tốt bụng nào đó mua cho vài viên sủi bọt bởi thấy cậu còm nhom, xanh như tàu lá. Hiếm khi được khách cho vài chục nghìn, số tiền không nhiều vậy mà cậu cũng chia bớt cho các bạn phục vụ: “Mấy anh đó chạy đuối sức lắm, làm cực, lương ít mà chẳng có ai bo”, câu nói vô tình ấy khiến tôi thấy xót xa.
Thương cái dáng lam lũ của Khoa, vẻ cam chịu của Tình, gương mặt ngây thơ, chân chất, mặn mòi đồng quê của Phương - cô bé vừa xin vào làm phục vụ. Liệu rằng trước những cạm bẫy của đô thị phồn hoa, họ có đủ sức vượt qua?
(Theo Công An TP HCM)