![]() |
Giới chơi đề bán tín bán nghi về "thần chiêu phát số". |
Bình luận về giấc mơ để đoán mò con số là chuyện đã xưa của dân chơi đề. "Thần chiêu" là những kẻ lang thang, bụi đời vác theo những cuốn sớ ghi đặc các con số và "phán" nhiều điều vớ vẩn cho dân ghiền đề theo đó mà "chiêu" (tìm) số để đánh.
Tại đại lý vé số trên đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp một ngày cuối tháng 9, lúc gần đến giờ xổ số một ông khoảng 60 tuổi dựng xe đạp bước lại nơi 5 người đang ngồi trước bảng ghi kết quả. Trên tay ông ta cầm cuốn sớ nhàu nát. Người phụ nữ tên Thu khoảng 34-36 tuổi (ngụ Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp) đứng dậy niềm nở đưa ghế: "Mời chú Hai ngồi". Ông già nhếch nhác này là một vị "thần chiêu" của các con đề khu vực Gò Vấp. "Hôm nay con ghi số 19 âm dương (đầu đuôi), nếu trúng con tặng chú Hai 500.000 đồng uống cà phê", chị ta vừa nói vừa bíu lấy vai ông già. Lão "thần chiêu" liền lấy thêm cuốn sổ từ túi quần, mở ra có dòng chữ rất to để mọi người chỉ thoáng qua đã đọc được: "Thần chiêu cứu thế", rồi trịnh trọng ngồi xuống chiếc ghế chỉ vào 2 số đầu ghi bằng mực xanh và hai số đuôi màu đỏ, giải thích: "Đây gọi là đường đi, chu kỳ luân hồi tứ trụ của những con số đầu đuôi mà các đài đã từng phát. Đó là những số đã đến lúc trở lại. Hãy nhìn cho kỹ, chiều nay thần số ra đấy". Mỗi trang giấy cứng kẻ 7 ô hình chữ nhật, phía dưới những chiếc ô này là những con số có ghi tên 12 con giáp các dòng chữ bí hiểm: Bác Khôn, Thái Thăng, Lý Do Vọng, Cách Tùy, Phê Hạp Di, Hoàn Khấm, Kiểng Tỷ... những trang giấy nối liền nhau dài như tờ sớ táo quân được dán băng keo trắng rất cẩn thận. Ông già tiếp tục "phán" như đinh đóng cột: "Thần chiêu xuất hiện cứu thế". Người phụ nữ vừa mừng vừa lo, nhưng rồi chị ta vẫn móc tiền mua vội mua vàng mấy con số ông già vừa "xuất chiêu".
Khi PV Công An TP HCM hỏi đến cuốn sổ, ông Hai không ngần ngại cho biết đây là sổ "thần chiêu" đã tồn tại 5 năm nay. Mỗi trang được ghi chép những con số ra trong 1 tháng. Ông khoe đã nghiên cứu "thần chiêu” trên 20 năm và hướng dẫn cách tính đường đi của những con số các đài xổ lần trước, kết hợp ngày tháng có ghi số đầu và cuối trong ô rồi tính toán. Muốn nghiên cứu cần phải thanh tịnh để "thần" phát số trúng, chứ đang ngồi thiền mà có người phá là chi phối đường chiêu, hậu quả sẽ "bị tẩu hỏa nhập ma". Ông tiếp: "Nếu chú muốn tham gia "thần chiêu" cần phải học ít nhất 2 năm mới biết đường chiêu". Đang huyên thuyên, bỗng nghe từ radio thông báo đến giờ xổ số, vị "thần chiêu" này vội vã trèo lên xe đạp dông về hướng quận Bình Thạnh. Đến khi nghe ra số 53 đầu, gương mặt người phụ nữ tên Thu lúc nãy đã tái mét. Rồi khi đài rao số cuối cùng là 48 thì chị ta muốn ngã quỵ với đôi tay run rẩy. Chị Thu mất toi 2 triệu đồng, tiền vừa vay nóng theo kiểu trả góp mỗi ngày 80.000.
Chị Thu bán thuốc lá vỉa hè, thu nhập không hơn 50.000 đồng/ngày. Thu hậm hực vừa chửi bới vừa định chạy đi tìm "thần chiêu" bắt đền, nhưng những người cùng cảnh ngộ đã tin vào "thần chiêu" khuyên: Có chơi có chịu! Một phụ nữ khác ngồi cạnh than thở: "Tôi đi tới Đà Lạt cầu hồn xin số còn thua, huống chi ông già xạo đó! Lúc đầu họ hạ mình xum xoe xin số "thần chiêu", bây giờ hết lời mắng nhiếc ông lão".
Một nạn nhân khác là anh Tư Tổ. Anh này nghiên cứu "thần chiêu" mới 2 năm nhưng đã bán hai căn nhà tại quận Bình Thạnh và trốn nợ sang Campuchia gần một năm sau mới dám trở về thuê nhà ở phường12, quận Bình Thạnh chạy xe ôm kiếm sống. Anh Tư Tổ cho biết: "Thần chiêu đã ám ảnh tôi, tối ngủ đều nằm mơ thấy những con số 05-45-85 "là con số của thần", "tổ", tôi bao lô suốt số này nên dân chơi đề gắn cho tôi cái tên Tư Tổ. Tôi không còn gì cả". Anh Tèo chạy xe ôm ở ngã tư chợ Bà Chiểu cũng có hoàn cảnh như Tư Tổ. Tèo vay mượn tiền để lao vào các số 29-79-89-99, cuối cùng phải bán cả nhà, xe gắn máy...
Sau nhiều ngày tìm kiếm, PV đã gặp ông già "thần chiêu" với chiếc xe đạp cà tàng trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh. Đây là trung tâm của hội "thần chiêu''. Từ những quán cà phê nằm trên đường Tăng Bạt Hổ, phường 11, quận Bình Thạnh đến các quán cà phê trên đường Huỳnh Đình Hai có đến gần 100 thành viên hội thần chiêu đang phát số cho nhiều người.
Tại quán cà phê Mây Ngàn, khách ngồi chật cả quán, trên tay ai cũng cầm theo một sớ "thần chiêu" dài cả mấy thước máng qua vắt lại trên ghế ngồi trông giống như cảnh đan chiếu. Đám đông hầu hết tự xưng là "thần chiêu'' đang truy tìm đường "phát chiêu" của "thần" và họ luôn miệng lảm nhảm những lời vớ vẩn khó hiểu như thần chú, những người khác bên cạnh cắm cúi vào các tờ sớ dài đặc. Cảnh tượng có một không hai này còn lập lại tại quán Cỏ Lau. Các "thần chiêu" còn được phục vụ cờ bạc đỏ đen ngay tại chiếc bàn phía trước quán để mua số đề. Sau khi "thần chiêu" phát số con đề thi nhau tấp nập mua số. Riêng quán cà phê 26 lại là tụ điểm của các bậc tiền bối (các con đề "thần chiêu" đều là người đứng tuổi). Quán 26 là nơi chơi đề từ rất lâu và là hội "thần chiêu" có tiếng tăm trong vùng. Theo chú Ba Xe Lam thì ông đã theo số đề hai thời kỳ, thường xuyên có mặt tại quán này và cũng là tay kỳ cựu bàn luận "phát chiêu", ghi số đề tại chỗ giờ đã rã rệu mệt mỏi.
Đặc biệt hội "thần chiêu'' hoạt động theo từng nhóm, cách tính đường đi của con số phát ra mỗi hội đều có cách thức khác nhau. Khi phát số bên nào cũng giữ bí mật và ghi ngay tại chỗ, không tiết lộ đường chiêu của mình cho hội nhóm khác. Họ cho rằng nhằm để tránh cả nhóm cùng ghi một số trùng nhau huyện đề không dám nhận. Bao thầu các hội đề đóm này là Nam, nhà trong khu lò heo mới phường, quận Bình Thạnh. Hai con của Nam: Khánh phụ trách lãnh địa trên, còn Mạnh ngụ ở phường 14, quận Bình Thạnh cũng là một tay có tầm cỡ hoạt động ghi đề, nhận phơi công khai.
Theo tìm hiểu, xuất phát từ cuốn sổ ghi kết quả xổ số của các đại lý vé số lưu lại, ghi hai số đầu số đuôi để xem theo kết quả xổ trong tháng của các đài, từ đó dân đề suy ra con số nào lâu nay chưa ra thì tìm mua số đó để hy vọng sẽ ra một lần. Rồi từ đó cuốn sổ này được dân nghiện đề thêu dệt thành chuyện ly kỳ về các con số. Cuốn sổ lưu đó trở thành miếng mồi ngon cho kẻ xấu lợi dụng biến thành sớ của "thần chiêu". Những người tự xưng là "thần chiêu" đa số là người thất nghiệp hoặc lười biếng, không chịu lao động; thậm chí có đôi kẻ còn mắc các bệnh thần kinh.