- Anh đến với nghề ca hát như thế nào?
- Một lần ba đưa đi Nha Trang thăm anh Năm (nghệ sĩ Châu Tuấn) đang hát ở Đoàn cải lương La Ngà, tôi tình cờ được bắt lên sân khấu đóng vai quân sĩ.
Sau đó, cảm thấy thích thú, tôi xin ba ở lại theo anh Năm học ca, đi hát và chắc tại cái tên mẹ đặt là “Kép” nên sau này được làm kép, dấn thân theo con đường nghệ thuật… ca hát. Tên thật tôi là Trương Hoàng Kép. Còn nghệ danh Kim Tiểu Long gắn với tên tuổi của mình đến hôm nay là do trước đó tôi rất mến mộ thần tượng… nghệ sĩ Kim Tử Long!
- Gần đây, anh ít xuất hiện trên sân khấu cải lương mà thường đi đóng phim, ca nhạc. Sự thay đổi này mang đến cho anh điều gì thú vị?
- Tôi vốn dĩ là người rất “tham”… công việc, muốn được thử sức ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Thời gian qua, tôi không xuất hiện thường trên sân khấu cải lương vì đang bận quay hình phim Hướng nghiệp phần 2, dài 60 tập của Hãng phim TFS và làm album ca nhạc. Nhưng tôi luôn quan tâm đến sân khấu cải lương.
Có người cho rằng, hiện nay khán giả quay lưng với cải lương, nhưng tôi lại không nghĩ thế. Theo tôi, sân khấu cải lương sẽ thu hút khán giả, nếu như các đơn vị nghệ thuật có sự chuẩn bị kỹ, chọn lựa được những kịch bản hay và thường xuyên có những vở diễn mới, phải mới từ kịch bản chứ không phải kịch bản cũ... mới dựng lại.
![]() |
Diễn viên Kim Tiểu Long. |
- Vài năm trước đây, anh “mua lại” đoàn cải lương Kim Thanh, tới nay, đoàn hát hoạt động ra sao?
- Năm 2002, tôi mua lại Đoàn cải lương Kim Thanh với số vốn đầu tư gần 200 triệu đồng và bàn giao lại cho vợ chồng anh chị của tôi (nghệ sĩ Châu Tuấn) quản lý, đến nay đoàn này hoạt động cũng khá hiệu quả. Lâu lâu, tôi về hát tăng cường một số suất. Đoàn Kim Thanh thường xuyên đi hát ở các tỉnh và mỗi suất hát có từ 900-1.500 khán giả đến xem (giá vé từ 7.000-15.000 đồng/vé). Hiện giờ, đời sống của anh em nghệ sĩ, công nhân ở Đoàn Kim Thanh dần dần được nâng lên rõ rệt.
- Còn việc thành lập đoàn cải lương hoạt động tại TP HCM. Anh nghĩ thế nào?
- Điều đó tôi đã nghĩ đến và ước muốn thực hiện lâu rồi, nhưng còn nhiều nguyên nhân nên chưa thể. Tôi rất muốn thành lập một nhóm hát, dàn dựng những kịch bản mới hoàn toàn và dựng cùng lúc mấy kịch bản mới để có thể thay đổi phục vụ khán giả trong lúc đó sẽ tập tiếp những vở mới.
- Gần đây, có một số ca sĩ, nghệ sĩ cố tạo scandal để đánh bóng hoặc tạo tên tuổi cho mình, anh thấy sao?
- Tôi nghĩ, nghệ sĩ là người của công chúng, khi làm điều gì cũng phải có suy nghĩ kỹ càng. Nếu như mình cố tạo tên tuổi, hoặc tự đánh bóng tên tuổi của mình bằng những scandal thì chẳng khác nào mình đang tự… đánh mất mình trước công chúng. Kể cả chuyện hát… nhép cũng thế. Nhưng đôi khi ca sĩ, nghệ sĩ bị buộc hát nhép theo yêu cầu của một số biên tập chương trình. Cho nên, có lúc chính họ cũng là “nạn nhân”.
- Kế hoạch sắp tới của anh thế nào?
- Sau album ca nhạc vol 1 Gã si tình, tôi đang bắt tay thực hiện album vol 2 với nhiều ca khúc đã mua độc quyền, mua tác quyền của một số nhạc sĩ như: Miền Tây mùa nước lũ, Thôi quên đi (nhạc sĩ Nguyễn Minh Anh), Tình dẫu nhạt phai (nhạc sĩ Trần Quang)… cùng những ca khúc của nhạc sĩ Minh Khang. Sắp tới, nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ tham gia đóng kịch ở Sân khấu kịch Sài Gòn và tổ chức một chuyến biểu diễn phục vụ công nhân, sinh viên ở TP HCM.
- Nếu được một điều ước, anh sẽ mơ ước gì?
- Tôi mơ ước sau này mình sẽ có một mái ấm gia đình, có 2 đứa con thật dễ thương.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)